Tại Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 (VIF19) vừa được tổ chức, nhiều chuyên gia, học giả công nghệ trong và ngoài nước đã cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về thành tựu của Internet cũng như tương lai của hệ thống này trong những năm tiếp theo.
Đáng chú ý trong số này là bài thuyết trình của ông Nguyễn Anh Tuấn - CEO Diễn đàn Toàn cầu Boston về một xã hội trí tuệ nhân tạo, nơi mà các công dân được đánh giá bằng hệ thống thang điểm xã hội còn chính phủ tạo ra các chuẩn mực chung để dẫn dắt người dân.
Chia sẻ về xã hội trí tuệ nhân tạo, ông Nguyễn Anh Tuấn từ Diễn đàn Toàn cầu Boston cho rằng, với thời đại công nghệ, trí tuệ nhân tạo làm thay đổi một cách sâu sắc đời sống xã hội, từ kinh doanh, sản xuất, nông nghiệp,... Các tác động này len lỏi hàng ngày trong khi thậm chí chúng ta còn không nhìn thấy nó.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - CEO Diễn đàn Toàn cầu Boston chia sẻ về xã hội trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Trọng Đạt |
Nếu công nghệ số mang một ý nghĩa rộng thì trí tuệ nhân tạo (AI) tập trung hơn và đem đến những thay đổi mang tính cách mạng trong đời sống chính trị xã hội. Diễn đàn toàn cầu Boston xây dựng những mô hình chính trị xã hội ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của AI.
Trước đây, do công nghệ còn lạc hậu, phải có những định chế chính trị trung gian để đại diện cho những nhóm người, tổ chức trong xã hội, từ đó nói lên tiếng nói chung.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, ngày nay, với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể giảm đi những nấc thang trung gian không cần thiết trong hệ thống quản lý nhà nước. Mỗi công dân có thể tham gia trực tiếp vào các định chế xã hội của một quốc gia.
Để làm được điều đó, mỗi công dân phải đủ kiến thức, đủ hiểu biết, đủ chuẩn mực về các giá trị cơ bản của xã hội. Đó là những gì AI có thể đem lại và hỗ trợ cho việc hiểu biết cũng như ra quyết định. Xã hội trí tuệ nhân tạo cũng sẽ đưa ra các chuẩn mực chung để mọi người cùng tôn trọng.
Mỗi công dân, mỗi quốc gia đều phải tôn trọng những chuẩn mực chung. Đây cũng chính là những tiêu chuẩn chung của chương trình giáo dục công dân toàn cầu do UNESCO khởi xướng, ông Tuấn cho biết.
Các chuẩn mực chung đó bao gồm tư cách đạo đức xã hội, việc tôn trọng các giá trị luật pháp, các chuẩn mực chung của nhân loại tiến bộ mà Liên hợp quốc đã ban hành.
Các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước cùng chia sẻ về ứng dụng của chính phủ điện tử tại Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 (VIF19). Ảnh: Trọng Đạt |
Trong xã hội trí tuệ nhân tạo, Diễn đàn toàn cầu Boston đưa ra 5 thang điểm để đánh giá công dân. Thứ nhất là công dân cơ bản, những người sống nghiêm túc theo hiến pháp và pháp luật. Thứ 2 là những công dân đóng góp giúp đỡ người khác và cộng đồng xã hội. Thứ 3 là những nhà sáng tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới. Thứ 4 là những nhà kiến tạo, những người có phát minh lớn, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống nhân loại. Cuối cùng là những nhà lãnh đạo xuất chúng, có khả năng dẫn dắt một quốc gia, dân tộc.
Trí tuệ nhân tạo giúp các chính phủ có thể ra được những quyết sách thông minh, khách quan, trung thực, rõ ràng. Công dân cũng được hỗ trợ bởi những hệ thống trung gian, từ đó quay lại đóng góp cho xã hội.
Diễn đàn toàn cầu Boston sẽ xây dựng ra những hệ thống đánh giá. Các công ty được đánh giá bằng điểm số trên thị trường chứng khoán. Các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ cũng có thể có được các điểm số từ hệ thống đánh giá xã hội. Điểm xã hội của công dân cũng sẽ được ghi nhận.
Ông Tuấn nói về một hệ thống phân phối để người công dân tốt phải có một cuộc sống no đủ. Điều này nhằm giảm bớt tình trạng những người có đánh giá điểm xã hội kém lại sống sung túc trong khi những người có điểm số cao lại phải sống khó khăn chật vật.
Với Blockchain, chúng ta có thể tạo ra một đồng tiền ảo từ hệ thống thang điểm xã hội. Theo đó, những người công dân tốt sẽ nhận được điểm từ hành động tốt của mình. Họ có thể dùng điểm xã hội như một loại tiền tệ để thanh toán các dịch vụ xã hội. Đấy là cơ chế mới để các chính phủ kiểu mới có thể vận hành thông qua các thang giá trị xã hội.