Khái niệm Chính phủ điện tử

Chính phủ điện tử là một thuật ngữ chung cho các dịch vụ dựa trên web từ các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc chính phủ, và chính quyền địa phương. Trong Chính phủ điện tử, chính phủ sử dụng công nghệ thông tin và đặc biệt là Internet để hỗ trợ các hoạt động của chính phủ, gắn kết công dân và cung cấp các dịch vụ của chính phủ. Sự tương tác có thể được thực hiện dưới dạng công dân truy cập thông tin, tiếp cận hồ sơ, hoặc thanh toán và nhiều hoạt động khác thông qua world-wide-web (Sharma & Gupta, 2003, Sharma, 2004, Sharma, 2006).

Chính phủ điện tử là chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. 

Hiện nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau về Chính phủ điện tử. Theo Liên Hợp Quốc, Chính phủ điện tử là khái niệm về các cơ quan chính phủ sử dụng công nghệ thông tin như mạng diện rộng, Internet, các phương tiện di động để quan hệ với người dân, với doanh nghiệp và bản thân các cơ quan chính phủ.

Định nghĩa của UNESCO (năm 2005): “Chính phủ điện tử là việc sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy Chính phủ ngày càng hiệu quả và hiệu suất hơn, giúp Chính phủ dễ tiếp cận và có trách nhiệm hơn với công dân. Các đặc điểm của Chính phủ điện tử bao gồm: Cung cấp dịch vụ điện tử, quy trình làm việc điện tử, bỏ phiếu điện tử.”

Theo Tổ chức đối thoại doanh nghiệp toàn cầu về thương mại điện tử: “Chính phủ điện tử đề cập đến một trạng thái trong đó các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp (bao gồm cả chính quyền trung ương và chính quyền địa phương) số hóa các hoạt động bên trong và bên ngoài của họ và sử dụng các hệ thống được nối mạng hiệu quả để có được chất lượng tốt hơn trong việc cung cấp các dịch vụ công”.

Còn theo Ngân hàng Thế giới (World Bank): Chính phủ điện tử là việc các cơ quan của chính phủ sử dụng một cách có hệ thống công nghệ thông tin truyền thông để thực hiện quan hệ với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, nhờ đó giao dịch của chính phủ với người dân và các tổ chức sẽ được cải thiện, nâng cao chất lượng. Lợi ích thu được sẽ là giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính công khai, sự tiện lợi, góp phần vào sự tăng trưởng và giảm chi phí.

Theo Bộ TT&TT, Chính phủ điện tử là Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Hay nói một cách khác, đây là quá trình tin học hóa các hoạt động của chính phủ.

Chính phủ điện tử, hiểu một cách đơn giản, là “bốn Không”, có khả năng họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhìn chung, Chính phủ điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan chính phủ, thông qua việc cung cấp dịch vụ công trên các nền tảng như website, ứng dụng... giúp cho các cơ quan Chính phủ đổi mới phương thức giải quyết công việc theo hướng minh bạch, hiệu quả hơn, cung cấp đầy đủ, liên tục với chi phí thấp các dịch vụ công cho mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin điện tử.

Mục tiêu của Chính phủ điện tử 

Chính phủ điện tử hướng tới mục tiêu chung cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành nhà nước của chính phủ. Từ đó, tăng tính công khai, minh bạch đối với thông tin, hoạt động, dịch vụ chính phủ, tối ưu hóa chi phí và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

Cụ thể, nâng cao năng lực quản lý điều hành của cơ quan chính quyền các cấp và chính phủ thông qua trao đổi văn bản điện tử, thu thập thông tin chính xác và kịp thời ra quyết định, giao ban điện tử... Nâng cao mức độ thuận tiện, tạo điều kiện tốt nhất để người dân dễ dàng truy cập, tiếp cận các dịch vụ công; Giảm chi phí đáng kể cho bộ máy chính phủ; Xây dựng chính phủ hiện đại, hiệu quả và minh bạch; Chính phủ điện tử tạo ra cách thức lãnh đạo mới thông qua những phương thức mới, đảm bảo và tăng cường quyền lợi cho người dân, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và điều hành đất nước.

Dịch vụ công trực tuyến là chỉ số quan trọng trong xếp hạng Chính phủ điện tử.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, đặc biệt trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến giữa Chính phủ với người dân và doanh nghiệp. Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

Đặc biệt, đã có chuyển biến trong nhận thức về Chính phủ điện tử và quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm gắn kết giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Theo Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2022 (E-Government Survey 2022), Việt Nam có vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và vị trí thứ 6 ở Đông Nam Á sau các quốc gia Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia. Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86.

Đầu năm 2023, Bộ TT&TT ban hành Chỉ thị 01/CT-BTTTT về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025, trong đó nhấn mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện với mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới. 

Mục tiêu đến năm 2025, xếp hạng về Chính phủ điện tử của Việt Nam vào top 50 thế giới; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 80%; số lượng giao dịch qua nền tảng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đạt 860 triệu giao dịch; tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước đạt 100%.