Chiều 11/8, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, cho biết, Chính phủ xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm này trong phiên họp trực tuyến toàn quốc đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 với các địa phương diễn ra cùng ngày, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2021.
Theo đó, Chính phủ xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; kiên định mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là hạ tầng kinh tế và hạ tầng văn hóa, xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, chiều 11/8 (Ảnh: VGP) |
Chính phủ cũng thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm.
Tại phiên thảo thuận, các đại biểu nhận định, nước ta đang phải ứng phó, đối mặt với những diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhất là ở đợt bùng phát lần thứ 4 này với biến chủng mới, lây lan nhanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại nhiều địa phương, như TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Theo đó, các đại biểu đã đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các giải pháp cấp bách liên quan đến công tác phòng chống dịch; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lưu thông hàng hóa, kiểm soát giá cả thị trường; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội…
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và các ý kiến xác đáng của các đại biểu, khẩn trương hoàn thiện kế hoạch, Chương trình hành động của Chính phủ để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ.
Căn cứ vào đó, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của mình, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn nhằm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Tinh thần là phải làm ngay, làm nhanh, làm quyết liệt và phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả; đồng thời thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và chế độ báo cáo theo quy định, Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã bám sát diễn biến tình hình; chỉ đạo thường xuyên, kịp thời, quyết liệt, nỗ lực cao, cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời nỗ lực duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Song,Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, tình hình dịch bệnh hiện diễn biến hết sức phức tạp; những hành động của chúng ta trong giai đoạn này mang tính quyết định đối với công tác phòng, chống và kiểm soát dịch. Vì vậy, cần tranh thủ tối đa thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 để tập trung khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng, xác định các F0 để có hướng xử lý phù hợp theo mô hình tháp nhiều tầng.
Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 86 của Chính phủ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vắcxin; bằng mọi biện pháp để mua vắc xin nhiều nhất, sớm nhất có thể.
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 đã đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có giải pháp cụ thể, rõ ràng, khả thi, hiệu quả và thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm. Khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn kết với tiêu thụ nông sản; bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
Tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các kế hoạch 5 năm 2021-2025; trong đó phải có chiến lược, giải pháp hiệu quả để duy trì, phục hồi, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, phải chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh,thực hiện tốt chính sách với người có công. Có giải pháp khôi phục lao động, việc làm ngay tại những nơi có dịch theo hướng thích nghi với điều kiện mới, “vừa sản xuất, vừa chống dịch”.
Ngoài ra, các bộ, ngành, các địa phương tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là về tình hình dịch bệnh, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, trung thực, chính xác, bám sát thực tế, định hướng, truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần tạo đồng thuận xã hội; xử lý kịp thời các thông tin xấu độc.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".
Hà Giang