Nhân ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10/2022), tác giả - dịch giả Nguyễn Đức Dũng ra mắt cuốn sách Chính quyền số và Quản trị với mong muốn chia sẻ một số khái niệm và kinh nghiệm từ quốc tế, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia để hướng tới Xã hội số, Kinh tế số và Chính phủ số.
Lãnh đạo các quốc gia và đô thị trên khắp thế giới đang dành ưu tiên cho đổi mới sáng tạo hạ tầng nhằm tăng cường năng lực và sức chống chịu trước thiên tai và dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy những biện pháp đó là chưa đủ vì một khi xảy ra dịch bệnh rất dễ xảy ra khủng hoảng y tế do đó cần đảm bảo sự kết nối và tiếp cận xã hội.
Tại Mỹ, Anh, Mexico, Estonia đang dựa vào hạ tầng thông minh là gồm các bộ cảm ứng được cài đặt ở mọi vị trí trọng điểm và thuật toán mạnh thay vì chỉ có con người. Trong đại dịch Covid-19, nhiều chính quyền đầu tư xây dựng nhiều công cụ giám sát mới. Cùng từ đó, chúng ta đang chứng kiến ba sự kiện đồng thời chính đang diễn ra khắp thế giới: Chấp nhận rộng rãi hơn sử dụng dịch vụ trực tuyến; Đòi hỏi cấp bách về dịch vụ Internet đối với các ngành truyền thống; Kết nối ngày càng tăng giữa các ngành khác nhau.
Cuốn sách Chính quyền số và Quản trị cung cấp 3 dòng dữ liệu thực tế phục vụ công tác theo dõi, quản lý của chính quyền số nhằm kịp thời ứng phó với những diễn biến trong đời sống hàng ngày và đạt được một số lợi ích.
Cuốn sách giúp độc giả nắm được một số lợi ích từ quá trình chuyển đổi số bộ máy hành chính như sau:
Về phía chính quyền: Chính quyền trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chủ động tiếp cận người dân theo cách nhanh nhất. Xử lý thủ tục hành chính liên quan đến người dân nhanh, gọn, không mất thời gian di chuyển của người dân. Xây dựng hình ảnh chính quyền trở nên minh bạch, tạo được niềm tin của người dân. Tiết giảm chi phí công, kiện toàn bộ máy hành chính trở nên chuyên nghiệp và kết nối với quốc tế.
Về phía người dân: Niềm tin của người dân liên quan đến mức độ tham nhũng của một quốc gia cụ thể. Do đó, khi thủ tục hành chính, mua sắm công được công khai minh bạch, phát huy được quyền giám sát của người dân sẽ giúp cải thiện lòng tin của người dân vào chính quyền. Người dân chủ động tiếp cận và sử dụng dịch vụ công, không phân biệt vị trí địa lý, ngày nghỉ, lễ, sự kiện… Từng người dân sẽ cảm thấy an toàn và được cập nhật thông tin dự báo, sự kiện sắp diễn ra hoặc một số lưu ý từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Có thể định nghĩa "Chính quyền số" là một tập hợp các quy tắc chính trị và dân sự khi ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để cung cấp và quản lý thủ tục hành chính mang tính pháp lý. Nghĩa là, công nghệ sẽ trao quyền cho người dân để họ có cơ hội tiếp cận sâu, rộng các loại dịch vụ công theo cách hiệu quả, linh hoạt; tham gia vào các hoạt động của chính quyền thông qua các hoạt động tương tác giữa chính quyền với người dân.
Chính quyền quản lý mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế, chính trị, pháp lý để thúc đẩy mọi khu vực phát triển, chính quyền còn có ảnh hưởng rất lớn về mặt xã hội. Vì vậy, chính quyền số có tiềm năng làm thay đổi sâu sắc và toàn diện nhận thức của người dân nói chung và hoạt động tương tác của nội bộ tổ chức chính quyền nói riêng.
Nguyễn Đức Dũng