Cho đến nay, nhìn lại giai đoạn 2016-2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành công nghiệp và chiếm 4,5% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của cả nước. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực giữ được nhịp độ tăng trưởng khá, trong đó, sản xuất linh kiện điện tử chiếm gần 48% giá trị sản xuất công nghiệp và dẫn đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh.

Công nghiệp hỗ trợ được hình thành, phát triển, nhất là công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo và điện tử – tin học, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, đưa tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước/GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 30,38%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Sản xuất của công ty Denko ở Vĩnh Phúc (ảnh: Thu Ngân)

Tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận thức rõ thu hút đầu tư có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tỉnh đã và đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp mới thành lập và đi vào hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, may mặc.

Với vị trí địa lý thuận lợi, các cơ chế, chính sách thông thoáng, những năm qua, Vĩnh Phúc tiếp tục là một trong những tỉnh dẫn đầu về thu hút đầu tư, có ngành công nghiệp phát triển, đứng thứ 12 về tỷ lệ doanh nghiệp trên bình quân đầu người và nằm trong top 20 tỉnh, thành có số doanh nghiệp lớn nhất cả nước. Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Honda, Toyota (Nhật Bản); Piaggio (Italia); Patron Vina, Heasung Vina, Jahwa, Sindoh (Hàn Quốc), Prime Group (Thailand)… 

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được nội lực của nền công nghiệp còn có một số hạn chế nhất định, còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trình độ công nghệ có phần còn lạc hậu, chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm, năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp; phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác; quá chú trọng vào lao động giá rẻ...

Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ; việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp thực hiện còn chậm; năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn rất hạn chế, sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỉ lệ nội địa hoá của các ngành công nghiệp ở mức thấp; tình trạng ô nhiễm môi trường từ phát triển công nghiệp ngày càng trầm trọng... Để khắc phục các vấn đề nêu trên, thu hút đầu tư là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững.

Sản xuất của công ty Thiện Mỹ tại Vĩnh Phúc (ảnh: Thu Ngân)

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã xác định cần tập trung tạo đột phá trong thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển công nghiệp bền vững. 

Vĩnh Phúc chuẩn bị rất tốt các điều kiện như nguồn đất sạch, chủ động quy hoạch các khu công nghiệp, hệ sinh thái công nghệ... Tư duy mới: sử dụng ít tài nguyên, suất đầu tư cao, công nghệ tiến bộ. để thay đổi được thì phải có những nhà đầu tư lớn, mang đến nguồn lực, công nghệ. Muốn tìm được nhà đầu tư nước ngoài thì phải quan tâm đến kinh tế đối ngoại”. Đặc biệt là tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp nội, tạo chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cuối năm 2016, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 01 và UBND tỉnh ban hành Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 57 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Nghị quyết số 45 về một số biện pháp hỗ trợ đặc thù cho các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện quy hoạch xây dựng các khu đô thị du lịch, dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021.

Trên cơ sở quy hoạch chung đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh quy hoạch 50 khu, cụm công nghiệp, diện tích trên 5.897ha nằm dọc các trục quốc lộ, thuận lợi về giao thông. Cùng với đó, phê duyệt danh mục 79 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tập trung vào các lĩnh vực: Đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, du lịch – dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tiết giảm về thủ tục, thời gian giải quyết các thủ tục; vận hành tốt Trung tâm hành chính công tỉnh, huyện, bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển theo phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”.

Thu Ngân