Triển khai quyết liệt

Thực hiện nhiệm vụ tại khoản 3 Điều 71 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023 Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tiến hành một số cuộc kiểm toán liên quan đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình.

Sau gần 2 năm triển khai, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao.

Theo Báo cáo số 432/BC-CP của Chính phủ, tính đến hết tháng 8/2023 giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã đạt được các kết quả tích cực.

Năm 2022, thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, nhiều chỉ tiêu đạt tốt như: GDP năm 2022 tăng 8,02%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; CPI bình quân tăng 3,15%; thu ngân sách nhà nước (NSNN) 1.815,5 nghìn tỷ đồng, đạt 128,6% so dự toán, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.

ngân hàng.jpg
Chính sách tài khóa, tiền tệ đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn (tỷ lệ nợ công là 38% GDP; nợ Chính phủ là 34,7% GDP; nợ nước ngoài là 36,8% GDP).

Năm 2023, trong bối cảnh nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước, song trong 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ, tạo điều kiện tập trung điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ phục vụ thúc đẩy tăng trưởng.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm, phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu NSNN 1,22 triệu tỷ đồng đạt 75,5% so dự toán. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu giảm so với cùng kỳ do nhu cầu từ các thị trường tiêu thụ bị thu hẹp nhưng có xu hướng hồi phục qua từng tháng. Vốn FDI thực hiện đạt trên 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, giải ngân đầu tư công ước đạt 51,38% cải thiện đáng kể cả về tỷ lệ và số tuyệt đối. 

Chương trình đã góp phần tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Tính đến hết tháng 9/2023, tổng số thuế, phí, lệ phí đã miễn, giảm lũy kế thực hiện theo các chính sách thuộc Chương trình là 109.843/64.000 tỷ đồng (năm 2022 là 60.243 tỷ đồng, 09 tháng năm 2023 là 49.600 nghìn tỷ đồng) bằng 171% dự kiến khi xây dựng Chương trình, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần giảm chi phí đầu 
vào, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao.

"Để triển khai chính sách miễn, giảm thuế theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định về chính sách miễn, giảm thuế GTGT, phí, lệ phí. Trongquá trình triển khai, tuy còn có những vướng mắc về chính sách giảm thuế GTGT song đã được Chính phủ, Bộ Tài chính kịp kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn triển khai để tháo gỡ", Kiểm toán Nhà nước đánh giá.

Giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng 

Về giảm lãi suất cho vay, trong gần 9 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9/2022, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu neo ở mức cao, đồng USD tăng giá mạnh, tạo sức ép lên lạm phát, NHNN đã điều chỉnh tăng 0,8-2%/năm trong tháng 9 và 10/2022.

"Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung tăng lãi suất trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống", báo cáo của Chính phủ cho biết. 

Ngoài ra, kết quả kiểm toán cho thấy, Ngân hàng chính sách xã hội đã hoàn thành việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách, giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng góp phần phát huy hiệu quả của chính sách.

Cụ thể: Kết thúc đợt giải ngân ngày 31/3/2022, NHCSXH đã thực hiện 36 đợt vay tái cấp vốn từ NHNN để cho vay các đối tượng theo quy định tại 63 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố với tổng số tiền 4.787 tỷ đồng cho 3.561 lượt khách hàng (người sử dụng lao động) để trả lương cho 1.218.948 lượt người lao động, với 1.548 doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách.

Đến 31/12/2022, dư nợ chương trình còn là 203 tỷ đồng, với 96 khách hàng còn dư nợ; số vốn thu hồi nợ là 4.584 tỷ đồng, với 1.452 khách hàng đã tất toán. 

Phạm Lương Bằng, Lê Thị Như Quỳnh, Phạm Thị Thiện

Ngọc Cương và nhóm PV, BTV