Hôm nay (13/5), Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ bằng nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 và 2022 theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 89).

Ba hình thức đào tạo

Theo Bộ GD-ĐT, có ba hình thức đào tạo thuộc Đề án 89 là: Đào tạo toàn thời gian ở Việt Nam; Đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; Đào tạo toàn thời gian theo hình thức liên kết giữa cơ sở đào tạo của Việt Nam và cơ sở đào tạo của nước ngoài (chỉ dành cho đào tạo ở trình độ tiến sĩ).

Về ngành đào tạo, đối với trình độ tiến sĩ là tất cả các ngành theo nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học và chiến lược phát triển nhân lực trình độ cao của đất nước trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Học bổng ở trình độ thạc sĩ chỉ được cấp cho các ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao.

Đối với đào tạo toàn thời gian ở Việt Nam, người học được hỗ trợ học bổng và học phí, hỗ trợ chi phí đi dự hội thảo hoặc thực tập ở nước ngoài.

Đối với đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, người học được hỗ trợ học bổng và chi phí đào tạo bao gồm học phí, sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, vé máy bay một lượt đi và về, các loại phí bắt buộc khác theo quy định của cơ sở tiếp nhận (nếu có).

Đối với đào tạo toàn thời gian theo hình thức liên kết giữa cơ sở đào tạo của Việt Nam và cơ sở đào tạo của nước ngoài: người học được hỗ trợ tùy theo thời gian học ở Việt Nam hay nước ngoài.

Học bổng và chi phí đào tạo hỗ trợ người học không quá 2 năm đối với người được cử đi đào tạo thạc sĩ; không quá 4 năm đối với người được cử đi đào tạo tiến sĩ, trong đó kinh phí thực tập, nghiên cứu và tham gia hội thảo ở nước ngoài đối với người được cử đi học toàn thời gian ở Việt Nam tối đa không quá 6 tháng. 

Hai đối tượng dự tuyển 

Theo hướng dẫn này, đối tượng dự tuyển gồm có: Giảng viên và những người có nguyện vọng trở thành giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học trong nước có dự định học tiến sĩ trong năm 2021 hoặc 2022, hoặc hiện đang là nghiên cứu sinh năm thứ nhất hoặc năm thứ hai nhưng không thuộc đối tượng thụ hưởng của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ;

Giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học đào tạo lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao có dự định học thạc sĩ trong năm 2021 hoặc 2022, hoặc đang học năm thứ nhất chương trình thạc sĩ.

Đối tượng dự tuyển phải dưới 40 tuổi tính đến ngày đăng ký dự tuyển, cam kết quay về làm việc tại cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam sau khi tốt nghiệp.

Những người chưa phải là giảng viên phải có thỏa thuận ký với một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam về việc tiếp nhận làm giảng viên của cơ sở đó sau khi tốt nghiệp.

Người được cử đi đào tạo phải dành toàn bộ thời gian để hoàn thành việc học tập, nghiên cứu khi đã được công nhận trúng tuyển và tham gia khóa học.

Người được cử đi đào tạo có trách nhiệm bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo theo quy định hiện hành trong các trường hợp sau: tự ý bỏ học; không hoàn thành chương trình đào tạo và không được cấp văn bằng tốt nghiệp; đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng không quay trở lại làm việc tại cơ sở cử đi (hoặc tại cơ sở có ký thỏa thuận cam kết tiếp nhận giảng viên) hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết.

Cơ sở cử giảng viên đi đào tạo có trách nhiệm thu hồi học bổng và chi phí đào tạo đã cấp khi người được cử đi đào tạo vi phạm quy định.

Căn cứ vào năng lực, điều kiện đảm bảo chất lượng, uy tín và kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết phê duyệt danh sách những cơ sở trong nước và nước ngoài tham gia đào tạo theo Đề án 89 và công bố danh sách này trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT trước ngày 1/6/2021.

Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và thông báo số lượng ứng viên trúng tuyển theo học Đề án 89 trước 30/6/2021 để các cơ sở quyết định cử người đi học và cơ sở đào tạo thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Ngày 18/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030 (Đề án 89).

Theo Đề án 89, mục tiêu cụ thể của đề án là đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, trong đó 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài; Phấn đấu 80% giảng viên các trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao đạt trình độ thạc sĩ trở lên, được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài và trong nước đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới, cơ cấu hợp lý.

Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, để thực hiện mục tiêu đề án đặt ra, dự kiến trong 10 năm tới cần đào tạo khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.

Phương Chi

Cử 7.300 giảng viên học tiến sĩ: 'Quản' tiền thế nào nếu không trở về?

Cử 7.300 giảng viên học tiến sĩ: 'Quản' tiền thế nào nếu không trở về?

Phó Hiệu trưởng một trường đại học lớn nhận xét rằng việc yêu cầu các trường đóng vai trò chính cả trong việc bồi hoàn (nếu có) kinh phí đào tạo tiến sĩ cho giảng viên là khó, nhưng nếu Bộ GD-ĐT “ôm” thì cũng khó nốt.

 

Đoạn kết buồn của đề án 322

 Đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (đề án 322) buộc phải dừng đột ngột khi không được tiếp tục cấp kinh phí.