Nỗi lo của phụ huynh nghèo

Là lao động tự do từ Đắk Lắk xuống TP.HCM kiếm sống, vợ chồng anh chị Thắng - Thanh thuê một phòng trọ nhỏ ở gần chợ Tân Bình (TP.HCM). Khi được hỏi về việc học trực tuyến của hai con, anh chị cười lắc đầu bảo “Chúng tôi không biết gì nhiều đâu”.

Mấy tháng trước, 2 con ở quê gọi điện xin bố mẹ mua cho cái điện thoại thông minh với lí do "phải có mới học được", anh chị đành mua cho một cái hết hơn 2 triệu. Nhắc tới, chị Thanh bỗng lo lắng “Chúng nó còn bảo nếu có máy tính học mới tốt. Máy tính thì cả chục triệu, mà dạo này công việc ít hơn, vợ chồng tôi cũng khó”.

{keywords}
 

Chị Thanh Lan (Ba Đình, Hà Nội) thì ngần ngại khi nói về khả năng các con có thể học trực tuyến bất cứ lúc nào.

“Đợt học trực tuyến hồi đầu năm, vợ chồng tôi phải thay phiên nhau hỗ trợ con. Sau con quen rồi, chúng tôi vẫn dành thời gian ngồi học cùng con bởi bé không tập trung. Cứ nhãng đi là con loay hoay nghịch nọ nghịch kia, quay trái quay phải. Bài cô giảng cháu cũng tiếp thu không ổn, nhiều khi chúng tôi phải giảng lại”.

Chị Lan bảo khi đó anh chị được luân phiên nhau đi làm từ xa theo các phương án giãn cách của công ty nên mới có thời gian ngồi học cùng con.

“Tất nhiên nếu vì dịch bệnh thì đành phải chịu. Nhưng nếu phải học thật thì nhà trường sẽ phải cân nhắc rất nhiều chuyện như giờ học như thế nào? Nếu học ban ngày phụ huynh đi làm, không có ai hỗ trợ sát sao đối với các bé nhỏ sẽ ít hiệu quả. Nếu học tối, chúng tôi đi làm về đã rất mệt mà vẫn phải ngồi xem con học thì ngại thật đấy”.

Hơn nữa, chị Thanh Lan nói nếu phải học trực tuyến hay như quy định mới của Bộ GD-ĐT cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp, anh chị sẽ phải mất một khoản “mua một cái điện thoại tử tế cho con”, bởi việc dùng thiết bị điện tử để học nếu không tốt sẽ ảnh hưởng tới thị lực của con.

Không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại

Trước những thay đổi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tại Điều lệ trường THCS và THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học Bộ GD-ĐT ban hành tháng 9/2020, thay vì cấm hoàn toàn sử dụng điện thoại trong giờ học thì Bộ quy định học sinh sẽ chỉ không được “sử dụng điện thoại và thiết bị khác trong giờ học khi đang học trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT thì định này nằm trong Điều 37 của Điều lệ, quy định về những hành vi học sinh không được làm, trong đó nêu rõ học sinh không được “sử dụng điện thoại và thiết bị khác trong giờ học khi đang học trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Quy định cũ trước đây là cấm hoàn toàn học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

Ông Thành giải thích ở quy định mới, vẫn ghi là những hành vi học sinh không được làm, và về cơ bản thời gian trong giờ học, học sinh vẫn không được phép sử dụng điện thoại. Các em chỉ được sử dụng điện thoại khi giáo viên thấy thật sự cần thiết và cho phép thôi.

“Với sự phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, ở một giờ học cụ thể hay một hoạt động học cụ thể, nếu giáo viên thấy việc sử dụng điện thoại đáp ứng tốt cho việc khai thác các tư liệu học tập để học sinh thực hiện các hoạt động học ấy thì giáo viên có thể cho phép” – ông Thành nói.

Trước những băn khoăn của không ít phụ huynh có kinh tế còn khó khăn trong việc lo phương tiện học tập cho con, tới tháng 12, Bộ GD-ĐT ban hành văn bản về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên xây dựng các Kế hoạch bài dạy để tổ chức dạy học phù hợp. Nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động để phục vụ học tập thì phải thiết kế bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại.

Đồng thời, các trường phải có hướng dẫn những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại.

Học sinh chỉ được sử dụng điện thoại di động như thiết bị hỗ trợ theo sự điều hành của giáo viên, phù hợp với mục đích học tập.

Phương Chi

Chính phủ yêu cầu có hướng dẫn việc HS dùng điện thoại trong giờ học

Chính phủ yêu cầu có hướng dẫn việc HS dùng điện thoại trong giờ học

Thông tin được nêu trong Nghị quyết 178/NQ-CP, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020.