- Tôi phải chờ cả tháng nhưng xin nói rõ ngay là tôi không mổ cấp cứu và tôi đợi vì tin tưởng vị bác sỹ (đã kín lịch). Nhưng kinh nghiệm đi viện của tôi cũng như người nhà cho thấy có nhiều trường hợp nếu ngành y tế tổ chức tốt hơn thì bệnh nhân tai nạn, bệnh hiểm nghèo không cần phải chờ mổ quá lâu như vậy.

Xem lại quy trình

Trường hợp chờ 9 ngày mới được mổ và tử vong sau đó ở BVĐK Đà Nẵng dù vì lý do gì cũng thật sự đáng tiếc. Câu chuyện của bệnh nhân này được bác sỹ giải thích là ‘đã được mổ đúng quy trình, thậm chí sớm hơn các ca khác”.

Lý do vì bệnh nhân bị gãy liên lồi cầu xương bên phải, vết thương kín nên sẽ mổ chương trình (không phải mổ cấp cứu). Do đó bệnh viện phải thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra trước phẫu thuật rồi xếp lịch mổ.

{keywords}
Bệnh nhân Trần Thị Là tại BVĐK Đà Nẵng.

Tôi xin không bình luận về chuyên môn cũng như các quy định của nghiệp vụ của ngành y, nhưng bản thân tôi nghĩ rằng một người bị gãy xương chân do tai nạn (dù vết thương kín hay hở) mà phải chờ 9 ngày mới được mổ thì có điều gì đó không được ổn. Nếu làm như vậy vẫn đúng quy trình, thì tôi nghĩ quy trình này cần phải xem lại.

Cái chết của bệnh nhân Là thực sự đáng tiếc (dù với lý do gì đi nữa). Đọc kĩ các thông tin tôi thấy bệnh viện giải thích bệnh nhân không phải chết vì đợi 9 ngày mà vì tai biến sau mổ (thuyên tắc mạch phổi). Nhưng phải ở trong tình cảnh của người nằm viện và người nhà bệnh nhân thì mới hiểu được rằng lý do đó rất khó thuyết phục được người khác.

Ngồi trên đống lửa

Việc mổ phiên (mổ chương trình) phải chờ đợi là bình thường, người bệnh chấp nhận. Nhưng nếu là mổ tai nạn, mổ những trường hợp bệnh hiểm nghèo, thời gian sống tính bằng ngày, giờ (như ung thư) thì cần xem lại để tránh phải chờ đợi.

Tôi có mẹ bị ung thư. Các bạn biết đấy, tế bào ung thư tăng lên cấp số nhân hàng ngày, thời gian là vàng với bệnh nhân ung thư, xử lý sớm ngày nào càng tốt ngày đó. Nhưng cũng mất hơn 10 ngày từ khi đặt chân đến viện thì mẹ tôi mới được chỉ định mổ (vì thăm khám, xét nghiệm, chụp chiếu, sinh thiết rất lâu).

Việc mổ này không phải để cắt khối u (phẫu trị) mà chỉ để giải phóng đường tiêu hóa, đề phòng tác dụng phụ sau này của việc xạ trị. Và từ lúc được chỉ định đến ngày mổ lại là quá trình chờ đợi trong thấp thỏm, vô vọng suốt 1 tuần nữa. Lý do bệnh viện đưa ra là vì quá đông bệnh nhân, mẹ tôi buộc phải chờ đợi. Cả nhà tôi ngồi trên đống lửa. Mỗi ngày chờ đợi là đống lửa đó lại lớn dần.

{keywords}
Cảnh xếp hàng phổ biến ở bệnh viện tuyến trên tại Hà Nội.

Có những cái đợi là tất yếu, do yêu cầu chuyên môn, không thể khác được. Nhưng có những trường hợp nếu tổ chức tốt hơn, người làm việc hiểu được cái đau, cái khổ của người bệnh thì có lẽ người bệnh cần phải được mổ sớm đã không phải đợi lâu như vậy.

Tôi đã chứng kiến cảnh bệnh nhân tai nạn giao thông nằm chờ 4 ngày không được mổ (tất nhiên là có được xử lý ban đầu), nằm băng bó chờ đợi bất tỉnh, gia đình sốt xình xịch gọi khắp nơi để nhờ ‘người quen’. Có bệnh nhân chờ 10 ngày mới được làm 1 tiểu phẫu để chuẩn bị điều trị, người nhà ở quê ra ăn dầm nằm dề vạ vật khắp nơi cùng chờ.

Trong khi đó, hệ thống y tế đâu phải chỗ nào cũng quá tải. Ngay cả bệnh viện tỉnh cũng không hoạt động hết công suất, đừng nói đến các bệnh viện huyện. Các bệnh viện tư nhân lớn ở các thành phố có cơ sở vật chất hạ tầng đầy đủ nhưng ít bệnh nhân vì chưa có thương hiệu, chưa có bác sỹ giỏi.

Người bệnh chẳng ai muốn khổ nhưng tại sao cứ phải đổ dồn lên trên và tất cả đều lao vào một cuộc chờ đợi vô cùng mệt mỏi, căng thẳng? Ngành y tế có chính sách luân phiên bác sỹ giỏi ở tuyến trên về tuyến dưới, nhưng đã phát huy hiệu quả đến đâu? Tại sao đến bây giờ vẫn còn phân tuyến bệnh viện để ngay cả bác sỹ cũng chán không có tâm lý muốn về tuyến dưới?

Tôi thấy ngành y tế đang được đầu tư xây nhiều bệnh viện mới làm cơ sở 2 cho các bệnh viện đầu ngành như Bạch Mai, Việt Đức, Nhi đồng, … Nhưng nếu không có giải pháp đồng bộ để giải quyết toàn diện vấn đề thì ‘đống lửa’ này sẽ lại lan rộng từ cơ sở cũ sang cơ sở mới.

“Bệnh nhân có quyền chọn nơi mổ”

TS.BS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ở các bệnh viện lớn thì đâu cũng có trường hợp mổ phiên phải xếp hàng. Việc người bệnh vẫn chấp nhận chờ 1 tuần đến 1-2 tháng là vì quá tin tưởng. Đây là mặt trái nhưng cũng có mặt phải. Vấn đề là quyền lựa chọn của bệnh nhân.

Trong chuyện mổ, có thể cùng một bệnh nhưng không phải tất cả kíp mổ đều có kết quả và trình độ như nhau do trình độ khám chữa bệnh giữa các bệnh viện, giữa các tuyến không đồng đều.

Như vậy nguyện vọng muốn được người giỏi nhất lĩnh vực đó mổ cho là hoàn toàn chính đáng vì lý do sức khoẻ. Cũng giống như hàng phở ngoài phố, có quán khách phải xếp hàng để được ăn, có hàng mở ra chèo kéo vẫn không có khách.

Giờ bệnh nhân cứ muốn bác sĩ A mổ, nhưng bác sĩ ấy không thể phân ra 1 ngày 48 tiếng được nên họ chấp nhận chờ. Đấy là chuyện bình thường. Mỗi ngày 1 bác sĩ mổ 3-4 ca đã là quá sức lắm rồi, mỗi ca mổ tổn hại nơron kinh khủng, máy còn mòn, chưa kể bác sĩ phải làm việc năm này qua năm khác.

Đứng về mặt nguyên lý, bao giờ bác sĩ cũng sẽ phân cái là tối cấp cứu, cái nào phải ưu tiên mổ sớm, cái nào có thể mổ trì hoãn. Tại bệnh viện chúng tôi, hiện có rất nhiều bệnh nhân mổ phiên, mổ có kế hoạch đang chờ nhưng không ai kêu ca vì bệnh viện đã đặt lịch.

Đã đến lúc người Việt Nam phải quen với việc xếp hàng và đặt lịch hẹn chứ không phải cứ đến cái là đòi mổ ngay nếu không phải các trường hợp tối cấp cứu. Quan trọng là chuyện tổ chức như thế nào để bệnh nhân có thể đặt lịch hẹn điện tử cho thuận tiện.

Thúy Hạnh

Hiền Minh