Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa đưa ra cảnh báo nhằm giúp khách hàng tránh được những rủi ro từ hành vi mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng.

Vietcombank cho biết, qua quá trình điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an phát hiện các đối tượng gian lận hầu hết sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ (thuê người khác mở, mua tài khoản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của người khác) để thực hiện và che giấu các hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm: Nhận tiền lừa đảo, gian lận, rửa tiền; Chuyển nhận tiền đánh bạc; Tài trợ khủng bố hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Các hành vi nêu trên đã được cơ quan chức năng cảnh báo rủi ro trong thời gian qua.

rua tien usd.jpg
Cảnh báo rủi ro từ hành vi mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng.

Ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), cho biết các đối tượng thuê người đứng tên mở thẻ ATM với mục đích dùng tài khoản mua được để nhận tiền trong các giao dịch lừa đảo.

Do sim được sử dụng đăng ký với ngân hàng là sim rác nên sau khi thực hiện trót lọt các phi vụ lừa đảo, kẻ lừa đảo bỏ luôn sim để xóa dấu tích. Người cho thuê tên mở tài khoản và thẻ cũng không biết có giao dịch xảy ra vì không nhận được thông báo biến động số dư.

"Chỉ vì ham số tiền nhỏ nhưng người cho thuê tên mở thẻ, tài khoản phải đối mặt với những rắc rối về pháp lý khi cơ quan công an điều tra những vụ lừa đảo" - ông Quang nói.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, hầu hết các đối tượng mua lại các tài khoản ngân hàng sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo và chuyển tiền chiếm đoạt qua các tài khoản này. 

Phần lớn các giao dịch mua bán thông tin tài khoản ngân hàng hiện nay là mua bán thông tin tài khoản thanh toán. Do đặc thù tài khoản thanh toán có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch chuyển - nhận tiền để thực hiện những hoạt động phi pháp.

Chặn việc thuê, mượn tài khoản ngân hàng

Theo ông Phạm Anh Tuấn, một giải pháp quan trọng nhất đó là làm sạch dữ liệu trên hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng (CIC). Hiện NHNN đã kết nối với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an để định danh chính xác từ số CMND cũ sang CCCD mới, làm sao đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác. 

Các ngân hàng cũng phối hợp với cơ quan Công an để rà soát lại dữ liệu. Đây chính là cơ hội để ngành ngân hàng làm sạch dữ liệu của mình. Đảm bảo đúng nhân thân là bước đầu tiên, tiếp đến là đối chiếu xem người mở và người dùng tài khoản có khớp không.

Theo ông Tô Đình Tơn, Phó Tổng giám đốc Agribank, ngân hàng đã kết nối dữ liệu và đang triển khai áp dụng công nghệ xác thực khách hàng bằng CCCD gắn chip tại quầy. Khi đến giao dịch, khách hàng chỉ cần mang CCCD gắn chip để thiết bị của ngân hàng đọc và xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Những lần giao dịch tiếp theo, khách hàng không phải mang bất cứ giấy tờ gì mà thiết bị của Agribank sẽ nhận diện qua khuôn mặt và vân tay.

Để bảo vệ thông tin cá nhân của mình, tránh việc phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật, Vietcombank khuyến cáo tới khách hàng, không thực hiện hành vi bán, cho thuê, cho mượn tài khoản cá nhân. Không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng, số thẻ tín dụng, mã CVV, ví điện tử và mã OTP cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào.

Theo các quy định pháp luật, việc tiếp tay cho tội phạm sử dụng lừa đảo thì hành vi cho thuê, mượn, mua bán tài khoản ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật. Mức xử phạt tiền 40 - 100 triệu đồng căn cứ vào các khoản 5, khoản 6 điều 26, nghị định 88/2019/NĐ-CP (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng). Tùy mức độ người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội danh tại điều 291 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.

Trần Chung và nhóm PV, BTV