Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến thời điểm hiện tại chưa nhận được bất cứ đề nghị nào của các cơ sở bảo dưỡng, bảo hành cũng như gara ô tô về đăng ký cấp phép thành lập trạm kiểm định mới theo Nghị định 30.
"Vuờn hồng có lối... nhưng chưa ai vào"
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/2023/NĐ-CP (Nghị định 30), sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Nghị định mới đã mở ra cơ chế cho nhiều đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ đăng kiểm khi đủ điều kiện.
Cụ thể, đơn vị đăng kiểm xe cơ giới có thể là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã; các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, các đơn vị vận tải có thể tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới; các đơn vị đăng kiểm của công an, quân đội cung cấp dịch vụ kiểm định khi được sự cho phép của Bộ trưởng bộ Công an, Bộ trưởng bộ Quốc phòng.
Theo các chuyên gia, việc Nghị định 30 cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, các đơn vị vận tải có thể tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới là rất kịp thời, góp phần giảm tải tại các trung tâm đăng kiểm hiện có, giúp người dân thuận tiện hơn khi mang phương tiện đi đăng kiểm.
Ngoài ra, việc "mở toang" cánh cửa cho các đơn vị đủ điều kiện làm đăng kiểm phương tiện cũng giúp thu hút nguồn lực xã hội, tăng minh bạch trong công tác đăng kiểm vốn không ít những "ồn ào" trong thời gian vừa qua.
Dù được đánh giá là một cơ hội tốt giúp các đơn vị bảo hành, bảo dưỡng hay gara ô tô có thể tham gia sâu vào đăng kiểm, qua đó thu hút thêm nhiều khách hàng, song nhiều doanh nghiệp, gara ô tô tư nhân vẫn khá "lấn cấn", chưa mạnh dạn mở cửa kiểm định dù cơ chế đã có.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ khi Nghị định 30 ban hành đến nay là gần 1 tháng, cơ quan này vẫn chưa nhận được bất cứ một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới nào.
"Có nhiều người cũng hỏi thủ tục để thành lập trạm đăng kiểm mới, tuy nhiên người nộp hồ sơ đăng ký thì chưa. Theo phân cấp, hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận của các doanh nghiệp sẽ gửi cho các sở GTVT địa phương. Tuy nhiên, từ nay đến hết 2025, Cục Đăng kiểm vẫn hỗ trợ các tỉnh, thành phố về chuyên môn nghiệp vụ cũng như công tác quản lý nhà nước về việc này", đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam nói.
Gara ô tô, cơ sở bảo dưỡng vẫn đang cân nhắc thiệt - hơn
Ghi nhận của VietNamNet cho thấy, đối với các đại lý của hãng xe có xưởng dịch vụ 3S, 4S, việc "lấn sân" sang đăng kiểm hay không phụ thuộc nhiều vào chiến lược của tập đoàn hoặc công ty mẹ với định hướng rất khác nhau.
Chị Phương Thị Thơ - Giám đốc Mitsubishi Bắc Giang cho biết, ngay khi Nghị định 30 ban hành, chi nhánh đã lập tức rà soát các tiêu chí và quyết định làm ngay hồ sơ đề nghị gửi lên Tập đoàn (Công ty CP Tập đoàn Hoà Bình Minh) để tổng hợp, gửi Cục Đăng kiểm hướng dẫn và phê duyệt.
"Chúng tôi rất háo hức tham gia kiểm định xe bởi điều này vừa có lợi cho khách hàng lại có lợi cho cơ sở bảo dưỡng. Theo tôi biết là cả 18 chi nhánh thuộc tập đoàn đều đã và đang làm hồ sơ để xin cấp phép. Tập đoàn cũng rất khuyến khích các chi nhánh có đủ điều kiện thực hiện công việc kiểm định phương tiện này", chị Thơ chia sẻ với VietNamNet.
Tuy vậy, không phải chi nhánh, cơ sở bảo dưỡng chính hãng nào cũng "máu lửa" như vậy.
Là một cơ sở nằm ở vị trí đắc địa với đầy đủ hệ thống nhà xưởng cơ bản đảm bảo yêu cầu theo Nghị định 30, thế nhưng khi trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo của Ford Thanh Xuân cho biết, doanh nghiệp chưa có định hướng, kế hoạch gì về việc sẽ tham gia công tác kiểm định phương tiện trong thời gian tới.
Câu trả lời tương tự cũng đến từ đại diện của một chi nhánh Honda lớn tại Hà Nội.
"Chúng tôi đã nghe nói đến quy định mở cho các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng 3S, 4S có thể tham gia vào công tác đăng kiểm, tuy nhiên bản thân tôi chưa có thời gian nghiên cứu sâu. Tạm thời, ban lãnh đạo chưa có ý định sẽ làm kiểm định xe, ít nhất trong khoảng 1 năm tới", vị này cho hay.
Còn các doanh nghiệp tư nhân đang sở hữu các gara ô tô lớn cũng không mấy mặn mà với việc tham gia làm đăng kiểm bởi họ cần phải cân đối giữa bài toàn thiệt-hơn.
Anh Lê Tiến Hiếu, quản lý gara ô tô Bảo Tín (đường Chiến Thắng, Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: "Việc cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, thậm chí gara ô tô tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới là một cơ hội để giúp các đơn vị gara ô tô thu hút thêm nhiều khách hàng mới, có thể bổ trợ cho hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng rất tốt".
Tuy nhiên, anh Hiếu cho rằng, để thành lập được một trạm đăng kiểm cần mặt bằng rất lớn, đầu tư ban đầu nhiều. Thế nên dù gara này đang có tới khoảng 1.500 m2 nhà xưởng, nhiều hơn yêu cầu tối thiểu là 1.250 m2 cho trạm có 1 dây chuyền, nhưng ban lãnh đạo cũng chưa dám nghĩ tới việc sẽ làm đăng kiểm xe.
"Hiện, mặt bằng cũng chỉ đủ bảo dưỡng, sửa chữa và làm các dịch vụ chăm sóc xe. Chúng tôi đang cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ khách hàng chứ chưa nghĩ đến việc "lấn sân" sang đăng kiểm", anh Hiếu chia sẻ.
Phân tích sâu về vấn đề này, kỹ sư Dương Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kiên Phong (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, việc các gara, cơ sở bảo dưỡng ô tô chuyển sang làm cả kiểm định xe cơ giới mới nghe có vẻ hợp lý, bởi có thể tận dụng ngay cơ sở vật chất và điều kiện kỹ thuật, con người,... Nhưng thực tế, để các doanh nghiệp đầu tư chuyển hướng sang đăng kiểm là rất khó khăn bởi nhiều lý do.
"Khi làm kiểm định phương tiện, cần tuần thủ các yêu cầu về mặt bằng tối thiểu lên đến hàng nghìn m2, có chỗ đỗ xe, đấu nối giao thông, chưa kể phải layout (sắp xếp-PV) lại nhà xưởng theo dây chuyền khép kín, rồi trang bị thêm thiết bị, phần mềm, đào tạo con người,... chừng đó thôi chắc chắn doanh nghiệp phải bỏ ra cả vài tỷ đồng", anh Kiên nói.
Ngoài ra, một yếu tố nữa cũng được ông chủ hàng loạt gara ô tô này nhắc đến, đó là Chính phủ và Bộ GTVT vừa ban hành một loạt các văn bản gỡ khó cho công tác kiểm định xe như gia hạn, giãn thời gian đăng kiểm, miễn kiểm định lần đầu,... nên nhu cầu cho dịch vụ này hiện đã không còn quá lớn. Xét trên khía cạnh kinh doanh, đây có thể coi là đầu tư thiếu an toàn.
"Tôi nghĩ tham gia đăng kiểm phù hợp với những đại lý lớn, có mặt bằng rộng và vị trí thuận lợi; hoặc các đơn vị quân đội, công an, đơn vị vận tải của nhà nước có sẵn mặt bằng với chi phí thuê rẻ. Còn với doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi thì rất ít người dám mạo hiểm đầu tư như thế", anh Dương Trung Kiên nhận định.
Cơ cấu tổ chức của đơn vị đăng kiểm:
Theo Nghị định 30/2023/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức của đơn vị đăng kiểm phải có tối thiểu các bộ phận sau:
- Bộ phận lãnh đạo: Gồm giám đốc, phó giám đốc hoặc phụ trách đơn vị đăng kiểm để tổ chức quản lý, điều hành đơn vị đăng kiểm; trong đó có tối thiểu 1 lãnh đạo đơn vị đủ điều kiện ký giấy chứng nhận kiểm định.
- Bộ phận kiểm định: Gồm phụ trách bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên để thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của phương tiện.
- Bộ phận văn phòng: Gồm nhân viên nghiệp vụ và các nhân viên khác để thực hiện các công việc văn phòng, hỗ trợ hoạt động kiểm định.
Nhân lực của đơn vị đăng kiểm gồm: Tối thiểu 1 lãnh đạo có đủ điều kiện theo quy định; có tối thiểu 1 phụ trách bộ phận kiểm định; dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 2 đăng kiểm viên bảo đảm thực hiện đủ các công đoạn kiểm định. (Nghị định 139/2018/NĐ-CP trước đây quy định mỗi dây chuyền tối thiểu 3 đăng kiểm viên).
Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi, bài viết cộng tác xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!