- Quy định cho lấy khoản vay mới để trả nợ gốc đến hạn dễ dẫn đến ngân sách nợ nần triền miên.

ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) tại phiên thảo luận về dự thảo luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) của QH sáng nay chỉ ra mâu thuẫn trên. 

{keywords}
ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương)

ĐB phân tích, khi đi vay, phải tính toán, nếu không chắc hiệu quả là không vay. Chưa kể chi đầu tư phát triển lại tạo ra nguồn tăng thêm. Có nghĩa sử dụng nguồn vay phải tạo ra nguồn thu tăng thêm về thu nhập và tăng thêm thu ngân sách, có khoản dư.

Điều đó dẫn đến khi nợ phải lấy ngay nguồn thu tạo ra từ khoản vay đó để trả, tức là lấy từ nguồn thu ngân sách để trả nợ.

"Chúng ta quy định lấy khoản vay mới để trả nợ gốc, khi đến hạn thì dẫn đến mấy vấn đề đáng lo lắng. Tôi rất quan ngại ở chỗ không thấy hiệu quả sử dụng vốn vay, che lấp sử dụng yếu kém của vốn vay. Chúng ta nói là lấy khoản vay mới trả nợ gốc, không có quan hệ nào giữa trả nợ gốc này với kết quả sử dụng khoản vay trước đây, nó che lấp hoàn toàn yếu kém sử dụng nợ vay trước đây" - ông phân tích.

ĐB cũng cho rằng, theo dự thảo, chủ thể đi vay hiện nay không phải chỉ có QH mà 63 tỉnh, thành. Cứ vay nợ mới để trả nợ gốc, vừa làm cho chủ thể đi vay ít quan tâm đến hiệu quả và rất dễ tùy tiện, vay rất nhiều.

"Quy định này sẽ tạo ra một cơ chế cho việc đi vay ít để ý đến sử dụng hiệu quả của nguồn vốn vay. Quy định này dẫn đến ngân sách nợ nần triền miên và không bao giờ cân đối được ngân sách. Lấy vay mới trả nợ cũ, năm này qua năm khác, quyết định ngân sách như thế thì có bao giờ chúng ta thoát ra được khỏi nợ nần ngân sách, cứ nợ nần triền miên" - ông Mạo nói.

ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cũng nhắc lại quy định của luật trước là vay bội chi ngân sách chỉ để bù đắp thiếu hụt do đầu tư phát triển, không có chuyện làm vào việc khác. Trong quá trình đó đã có một lần dùng bội chi vào việc trả nợ, đã phá rào quy định của luật, tất nhiên QH cho phép.

"Kỳ này chúng ta đưa hẳn vào luật để trả nợ lãi vay đến hạn, đi vay nợ mới về để đảo nợ, quy định tại khoản 3, điều 7 này rõ ràng là một bước thụt lùi. Nên chăng ta quay trở lại như quy định cũ, chỉ vay để đầu tư phát triển. Nếu chúng ta thu được ít ngân sách, một nền kinh tế vĩ mô không thể ổn định vững chắc khi thu không đủ chi" -  ĐB Khánh nói.

Ông cũng phản ánh vấn đề ngân sách, đầu năm giao dự toán phải cân đối đến từng đồng, từng xu. Nhưng có khi vượt thu hàng ngàn tỷ ở một địa phương cũng chỉ do vài người quyết định.

"Chuyện này là chưa hợp lý. Tôi cho rằng cơm không ăn gạo còn đó, nên chăng chúng ta để cho năm sau phân bổ đưa vào dự toán của năm tới những khoản vượt thu đó sẽ hợp lý hơn, để mọi người bàn bạc. Tất nhiên, không thể thường xuyên triệu tập HĐND hay QH họp. Nhưng tiền vẫn còn đó, chúng ta đưa vào dự toán năm sau sẽ công khai minh bạch hơn, tránh dị nghị trong dư luận" - ông phát biểu.

{keywords}
ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng)

Ngân sách lồng nghép, dưới chỉ thích nhận hỗ trợ

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) chỉ ra, tính chất lồng ghép của hệ thống ngân sách nhà nước mà nhiều chi, tiêu, thu, chi của ngân sách cấp dưới do cấp trên ấn định. Điều này đã không khuyến khích cấp dưới cân đối thu, chi, lập dự toán tích cực mà thường xuyên có xu hướng lập dự toán thấp, dự toán chi cao để được nhận hỗ trợ nhiều hơn. Trên thực tế chính quyền địa phương mới chỉ được ban quyền về tổ chức thực hiện chi ngân sách còn thẩm quyền quyết định vẫn thuộc về Trung ương.

ĐB cho rằng, chừng nào còn duy trì tính chất ngân sách nhà nước lồng ghép, trong phạm vi có thể cần minh bạch hơn về quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi ngân sách được phân quyền.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đồng tình: "Xuyên suốt luật này chỉ có cơ chế phân cấp, không có cơ chế phân quyền. Có nghĩa HĐND, chính quyền địa phương không biết quyền mình ở đâu về ngân sách. Chúng ta vẫn trong cơ chế phân cấp rất nhập nhằng kể cả nhiệm vụ, kể cả ngân sách mà chỗ này là chỗ thiếu minh bạch, tôi đề nghị làm rõ" - ĐB TPHCM phát biểu.

ĐB Đỗ Thị Hoàng, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đồng tình hệ thống ngân sách nhà nước mang tính lồng ghép, dẫn đến thẩm quyền giữa các cấp chồng chéo, quy trình ngân sách phức tạp, phạm vi thu, chi chưa thật rõ ràng, các nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp còn nhiều điểm chưa thật phù hợp...

H.Nhì - L.Thư - Ảnh: M.Quang