Trong thế giới phẳng, cơ hội tiếp cận thông tin và kiến thức (gần như) bình đẳng. Ai cũng có thể tìm cơ hội cơ hội ở chính nơi mình ở, thậm chí cả những vùng sâu vùng xa như Hoàng Su Phì (Hà Giang).

Một năm học mới lại sắp bắt đầu, các trường đại học sắp có những sinh viên mới; những mừng vui/thất vọng định kỳ cũng sắp đến. Tôi không phải chuyên gia giáo dục, chỉ bằng những trải nghiệm của mình, tôi xin lạm bàn về vấn đề học, du học và lập nghiệp, như một kênh thông tin thêm để các phụ huynh và các em tham khảo. Xin nói rõ hơn, bài viết này nhắm tới đối tượng bình dân, không có nhiều điều kiện kinh tế và lợi thế thông tin với phương châm: ai cũng có (các) lựa chọn.

Nên bắt đầu từ vấn đề ‘công thức’ và ‘đồng phục’. Đồng phục kiến thức thì nhiều người đã nói, đã thành vấn đề giáo dục Việt Nam, chưa và không biết lúc nào sẽ cải thiện, và có cải thiện được không. Những lứa học sinh ra trường với kiến thức giống nhau, tư duy và hành động giống nhau; không sáng tạo, không riêng biệt và cực kỳ thụ động, cho gì nhận đấy, bảo gì nghe đấy, đọc gì chép đấy, sau này là chỉ đâu làm đấy… đã nhìn thấy rõ hệ quả. Tôi không nói thêm nữa.

Giờ vấn đề ‘công thức’: học học học.. từ 3 năm mẫu giáo, 12 năm phổ thông, 4 năm đại học, sau đó có thể 2 năm thạc sĩ, và vài năm tiến sĩ. Học là phải giỏi, giỏi toàn diện. Công thức này gần như mặc định, có khác chỉ là chỗ ngành nghề, trường top dưới top trên, điểm hay không điểm mà thôi. Tư duy “đóng đinh” như vậy, các gia đình nghèo/nông thôn coi đó là con đường duy nhất để con họ/dòng họ đổi đời; những gia đình trung lưu thành phố coi việc học hết sức, rồi tìm mọi cách đi du học là con đường duy nhất để nên người; hoặc giản đơn hơn là cách duy nhất để con cái họ thoát khỏi những khói bụi, ô nhiễm, thực phẩm bẩn… hay đơn giản hơn là “thiên hạ đều thế” thì mình không thể làm khác.

{keywords}
Học sinh Việt chỉ được đi thẳng một con đường, và phải đến đích (được lập sẵn)? Ảnh minh họa

Thực tế là với lối tư duy được lập trình như vậy, thành ra con đường vào đời/lập nghiệp trở thành con đường độc đạo, chỉ có đi thẳng và đến đích, tuyệt nhiên không được rẽ ngang dọc hay có đường tắt, đường song song nào khác. Chỉ cổng trường, bằng cấp, kiến thức trong nhà trường/giảng đường là duy nhất. Thế nên, nhiều người trẻ đã gục ngã, đã tự tử, đã rơi xuống hố sâu tuyệt vọng trong cuộc tranh đua vào con đường độc đạo đó, và gia đình họ thậm chí còn chung tay đẩy con mình ngã: bằng sự bao bọc lập trình, bằng sự hăm hở thúc đẩy, bằng sự đầu tư thời gian, tiền bạc và trông đợi.

Lùi lại một chút, mấy chục năm trước đây khi chưa có mạng Internet, những người có cơ hội ra nước ngoài học tập đương nhiên là vốn quý. Họ được tiếp cận, thâu nạp và mang về những vốn kiến thức từ những nước phát triển hơn mà trong nước không có. Những người này đương nhiên (nên là) cốt cán phát triển xã hội.

Trong thế giới phẳng, cơ hội tiếp cận thông tin và kiến thức (gần như) bình đẳng. Những người được ra ngoài học đương nhiên có điều kiện tốt hơn, về kiến thức học viện và những cơ hội sống/thực hành chuyên ngành ở quốc gia phát triển. Điều này đúng với những ngành nghề về khoa học kỹ thuật, chính trị, quan hệ quốc tế… với tư duy mở, đa dạng và phổ quát. Nhưng ngược lại, những ngành về phát triển cộng đồng, văn hóa, sắc tộc, đất đai, kinh tế xã hội… bạn hoàn toàn tìm được cơ hội ở chính nơi mình ở.

Ví dụ trong công việc của tôi, ở các hội thảo hay tập huấn quốc tế, các chuyên gia luôn cần bạn đến từ Việt Nam, thì phải là người Việt Nam, bạn đến từ Miến Điện, phải hiểu về Miến Điện.

Cái gì khiến họ đủ kiên nhẫn nghe thứ Tiếng Anh ngô ngọng của bạn? Từ việc bạn chỉ ra chính xác cách trồng lúa của người miền bắc (Đồng bằng sông Hồng) khác người miền nam (ĐBSCL) khác nhau thế nào. Sự khác nhau trong cách sống/suy nghĩ/văn hóa dẫn tới hành động của người hai miền ra sao. Và điều ấy tác động đến quá trình phát triển kinh tế và văn hóa vùng miền thế nào? Hoặc cụ thể hơn một nàng dâu miền bắc khác nàng dâu trong gia đình miền nam thế nào. Từ đó có thể liên kết/suy rộng ra những vấn đề về bình đẳng giới hay vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt Nam…

Một phóng viên đến từ Philippines đã thu hút sự chú ý và trân trọng vì cô ấy biết rõ hành trình đi lên quyền lực, ý chí hành động, đến thói quen sinh hoạt và thậm chỉ lịch sử bồ bịch yêu đương của vị tổng thống đang gây tranh cãi của họ. Đặt trong bối cảnh xã hội mà cô đang sống, cô lý giải khá dễ hiểu vì sao người dân Philippines chọn ông ấy. Điều đó với những người tổ chức hội thảo rất thú vị, vì đó là kiến thức họ đang kiếm tìm.

(Còn nữa)

Hoàng Hường