- Năm 2011, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời một cách thần tốc, với sự góp mặt của hàng loạt đại gia. Song, nhiều người nghi ngờ đây chỉ là cuộc chơi của một nhóm nhà giàu, và liệu VPF có giúp nền bóng đá Việt Nam khởi sắc?

Nơi hội tụ dàn "sao"

Sự xuất hiện của vị khách không mời Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) cùng với cú "cướp diễn đàn", tung một loạt các phát biểu nhắm vào những tiêu cực, yếu kém của nền bóng đá nước nhà tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tạo ra hy vọng tràn trề về một bước ngoặt lớn trong cách thức tổ chức và chất lượng các giải bóng ở Việt Nam.

Ngay sau sự kiện hy hữu này, một đề án thành lập công ty cổ phần tổ chức sự kiện bóng đá đã được soạn thảo và được đại diện của 6 CLB bóng đá chuyên nghiệp là những đại gia lừng lẫy đã ký tên vào.

Dưới áp lực của xã hội, chỉ một thời gian ngắn sau đó, cuối tháng 11/2011, VPF đã ra mắt với đại diện VFF, 14 CLB đang thi đấu ở V-League và 10 CLB ở Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia với tổng vốn điều lệ 30 tỷ đồng..

{keywords}

Năm 2011, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời một cách thần tốc, với sự góp mặt của hàng loạt đại gia

Giới hâm mộ sau đó đã được diện kiến dàn lãnh đạo của VPF gồm toàn các doanh nhân nổi tiếng như: ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch HĐQT; ông Lê Hùng Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Nguyên Đức là phó chủ tịch... và các cổ đông máu mặt khác như ông bầu Hoàng Mạnh Trường (V.Ninh Bình), bầu Nguyên Văn Đệ (Thanh Hóa), Lê Tiến Anh (K.Khánh Hòa)...

Tham gia vào VPF đều là những người giàu có, những gương mặt quen thuộc trong cộng đồng doanh nhân Việt cũng như làng bóng đá Việt Nam.

Trong đó, bầu Thắng là ông chủ của DN gạch nổi tiếng Đồng Tâm Long An và cũng đã gắn bó với bóng đá gần 20 năm.

Bầu Đức khi đó là đại gia giàu thứ 2 trên TTCK với hàng loạt các dự án nổi bật trong lĩnh vực BĐS, thủy điện, cao su, mía đường... Ông cũng gắn bó nhiều năm với bóng đá, với đội bóng Hoàng Anh Gia Lai và là người thành lập Học viện bóng đá HAGL Arsenal.

"Người khơi mào" Nguyễn Đức Kiên khi đó cũng được biết đến là ông trùm nhà băng, sở hữu nhiều DN quy mô nghìn tỷ.

Ông Lê Hùng Dũng là "sếp" của ngân hàng Eximbank và là Chủ tịch Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)...

Với dàn doanh nhân nổi bật, đang điều hành các DN có quy mô lên tới cả hàng nghìn tỷ đồng, nhiều người kỳ vọng họ sẽ làm thay đổi bộ mặt nền bóng đá nước nhà.

{keywords}

Nhiều người kỳ vọng họ sẽ làm thay đổi bộ mặt nền bóng đá nước nhà.

Cuộc chơi vì bóng đá?

Tuy nhiên, thực tế hơn 2 năm rưỡi qua, các giải đấu vẫn còn đối mặt với rất nhiều vấn đề. Giải đấu chuyên nghiệp có tuổi đời cả chục năm trời dường như vẫn đang loay hoay trong việc quản lý các đội bóng. Tình trạng bạo lực, cá độ, bán độ, rồi hàng loạt các khiếu nại, khiếu kiện từ việc sắp xếp lịch thi đấu cho tới các quyết định xử phạt... vẫn diễn ra tràn lan.

Gần đây, tại V-League, thậm chí có một trào lưu đáng ngại là các đội bóng thi nhau bỏ và dọa bỏ giải đấu khi cảm thấy không vừa ý, không hài lòng.

Gần đây nhất, chỉ vì án phạt treo giò một cầu thủ chơi thô bạo, lãnh đạo CLB Hải Phòng đã phản ứng rất quyết liệt, dọa bỏ giải và cuối cùng VFF cũng phải xuống nước, giảm án. Hồi cuối tháng 4/2014, cả HLV trưởng và giám đốc điều hành đội bóng Hùng Vương An Giang cho biết An Giang sẽ rút khỏi V-League. Lý do: đội bóng có thành tích thi đấu nghèo nàn và có thể mất tài trợ từ các DN. Họ phản đối quyết định để đội đứng thứ 12 phải đá play-off với đội đứng thứ 3 ở giải hạng Nhất, qua đó tranh suất trụ hạng. An Giang đồng thời cho rằng VPF đã có một số điều chỉnh theo hướng có lợi cho đối thủ Đồng Tâm Long An - đội bóng của chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng. 

{keywords}

Thực tế hơn 2 năm rưỡi qua, các giải đấu vẫn còn đối mặt với rất nhiều vấn đề

Trước đó, người hâm mộ bóng đã cũng khá sốc khi bầu Trường của V.Ninh Bình rút thẳng cánh khỏi giải đấu chuyên nghiệp này sau khi phần lớn các cầu thủ của ông tham gia vào một vụ "làm độ" nổi tiếng cả khu vực.

Hội chứng bỏ giải còn được nhắc đến với khá nhiều cái tên như NaviBank Sài Gòn, Kienlongbank Kiên Giang...

Nhìn vào những thành tích của bóng đá nam quốc gia gần đây cũng như diễn biến và chất lượng các giải đấu trong nước, nhiều người hâm mộ bóng đá tỏ ra khá lo lắng. Thậm chí, ngay trong đánh giá của mình, VPF cũng từng cho rằng, chất lượng các đội bóng thấp, trong số 20 đội bóng ở giải vô địch và giải hạng nhất, chỉ có 5-6 CLB thực sự đạt tiêu chí chuyên nghiệp.

Sự thiếu chuyên nghiệp ở các giải, của các đội bóng, của các ông bầu, của các cầu thủ... khiến nhiều người đặt ra các câu hỏi: Bóng đá nước liệu có khởi sắc được không? Vai trò quản lý của VFF, VPF ở đâu? Và cũng có câu hỏi về sự đóng góp, tâm huyết thực sự của các DN, của các doanh nhân đối với bóng đá?

Xét một cách công bằng, một số doanh nhân thực sự tâm huyết với bóng đá nước nhà. Họ có tiềm lực tài chính, đầu tư một cách bài bản từ bóng đá trẻ cho tới công tác quản lý... Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, vẫn có những đại gia dường như chỉ coi bóng đá là một bước dừng chân trong cuộc dạo chơi của mình. Cũng có người do khó khăn nên đã tìm cách rút lui khỏi một kênh đầu tư không hiệu quả cho họ.

Huấn Tú