Tôi thấy nhiều bạn bè thường đặt mua thịt nọng lợn, má đào, thịt lõi u vai bò… đắt tiền, thậm chí gấp đôi các loại thịt thông thường. Xin chuyên gia tư vấn ăn những loại thịt này có tốt hơn các phần khác không? Xin cảm ơn chuyên gia! (Nguyễn Thị Vân - Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Tiến sĩ Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam - tư vấn:
Quan niệm thực phẩm ngon, đắt sẽ tốt cho sức khỏe không hoàn toàn đúng. Tôi cho rằng ăn phần thịt nào do thói quen và sở thích của mỗi người.
Đơn cử, tôi chỉ ăn các loại cá nhỏ để ăn cả con, nhai được xương. Các loại cá này rất rẻ nhưng tôi thấy ngon, tận dụng được cả protein, canxi và các khoáng chất khác trong cá.
Nếu bạn thích ăn phần thịt nọng, lõi u vai và có điều kiện kinh tế, bạn có thể mua cho gia đình. Ngược lại, bạn có thể chọn phần thịt vai, mông, chân giò, bắp bò… cũng đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng bữa ăn hơn.
Ngoài ra, phần thịt nọng thường chứa nhiều mỡ nên ăn nhiều cũng không tốt cho sức khỏe, nhất là người bị rối loạn mỡ máu, mỡ nội tạng.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Hà Nội) - tư vấn thêm:
Về mặt dinh dưỡng, mỗi thực phẩm phù hợp với những người khác nhau. Một người béo phì, tăng cholesterol ăn thịt gia cầm nên bỏ da, không ăn thịt mỡ, tăng cường thịt trắng. Người bình thường vẫn có thể ăn da, mỡ nếu cảm thấy ngon. Các phần thịt lợn, thịt bò đều có lợi ích riêng với sức khỏe nếu sử dụng hợp lý.
Những loại thịt này chứa nhiều năng lượng và chất béo bão hòa. Việc hấp thụ quá nhiều axit béo bão hòa không có lợi cho sức khỏe tim mạch. Mỗi 1g chất béo cung cấp tới 9 kcal, trong khi 1g chất đạm hay đường chỉ cung cấp 4 kcal. Bởi vậy, đối với người ăn kiêng hoặc thừa cân, béo phì, mỡ heo chính là kẻ thù.
Vì vậy, các thực phẩm đắt tiền không phải là tốt hơn phần giá rẻ. Điều quan trọng, bạn chọn thịt đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ tốt hơn.
Ngoài ra, việc chọn loại thịt nào còn phụ thuộc vào món ăn chế biến. Nếu là món hầm, bạn chọn phần thịt bắp nhiều cơ, món nướng chọn thịt mềm.
Theo tôi, bạn có thể chọn thực phẩm phù hợp khẩu vị, sở thích và cân bằng dinh dưỡng. Một bữa ăn cần đa dạng thực phẩm, luân chuyển thực đơn hằng ngày. Bạn cần lưu ý cân bằng năng lượng với tổng kcal nạp vào từ chế độ ăn với năng lượng tiêu hao.
Bảng thành phần chất đạm trong 100g thực phẩm phổ biến như sau:
Tên thực phẩm | Hàm lượng chất đạm | Tên thực phẩm | Hàm lượng chất đạm |
Thịt lợn | 16,5g | Trứng gà | 14,8g |
Thịt bò | 21g | Đậu phụ | 13g |
Thịt ếch | 20g | Hạt lạc | 27,5g |
Thịt vịt | 17,8g | Lươn | 20g |
Tôm đồng | 18,5g | Cá chép | 16g |
Cá thu | 18,2g |