Những bài học kinh nghiệm của Trung Quốc, có ý nghĩa thực tiễn đối với nước ta trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

LTS: Vừa qua, Tạp chí Cộng sản đăng tải bài viết “Tham nhũng ở Trung Quốc và bài học kinh nghiệm về cải cách chế độ cán bộ”. Tuần Việt Nam giới thiệu lại cùng bạn đọc.

Tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự ra đời của giai cấp và nhà nước. Tham nhũng tồn tại ở tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, chế độ kinh tế, xảy ra ở mọi lĩnh vực liên quan đến hoạt động quản lý xã hội. Tham nhũng đã gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và nguy cơ làm mục ruỗng bộ máy nhà nước.

Theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc: “Tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực nhà nước để trục lợi cho mục đích cá nhân”(1). Do đó, xét từ góc độ pháp luật, tham nhũng là những hành vi phạm pháp của các quan chức, lãnh đạo nhà nước. Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, buôn lậu. Gần đây nhất là những vụ án có liên quan đến nhiều cán bộ trung, cao cấp, trong đó có cả các Ủy viên Bộ Chính trị và quan chức cấp cao như: Lệnh Kế Hoạch, Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai…

Tham nhũng là một trong những chủ đề đáng chú ý nhất của quá trình phát triển kinh tế - chính trị thời cận đại. Bản chất của tham nhũng là sự “lạm dụng quyền lực”. Các quan chức trong bộ máy nhà nước dùng quyền lực được nhân dân ủy quyền cho mình để thực hiện các hành vi buôn lậu, nhận hối lộ, trốn thuế, mua quan bán chức, bòn rút công quỹ hoặc tài sản công dân… Những hành vi đó không chỉ là những hành vi phạm tội kinh tế mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Tham nhũng nhẹ thì làm xói mòn dần tính hợp pháp và sự công tâm của Chính phủ, còn tham nhũng nặng thì rõ ràng làm vô hiệu hóa Chính phủ, làm tan rã trật tự quốc gia, dẫn đến nguy cơ sụp đổ chế độ.

Tham nhũng đang trở thành một thứ bệnh dịch nguy hiểm xâm nhập vào nền tài chính của mỗi nước, làm mất ổn định nền kinh tế thế giới… Nó là một thứ “ung nhọt tệ hại, cần phải loại bỏ không thương tiếc”. Việc lạm dụng quyền lực để tham nhũng không tuân theo một quy trình quy phạm nào cả, do đó biểu hiện của tham nhũng cũng muôn hình, vạn trạng, không trường hợp nào giống trường hợp nào. Tuy nhiên, qua các vụ án lớn ở Trung Quốc thời gian gần đây cho thấy ba vấn đề:

Một là, trong quá trình cải cách thể chế, Trung Quốc còn nhiều “lỗ hổng”. Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, trải qua nhiều thời đại, chế độ tập quyền ở Trung ương không đủ sức vươn đều tới mọi vùng xa xôi hẻo lánh. Chính vì vậy, dẫn tới tình trạng “trên có chính sách, dưới có đối sách”. Thứ “văn hóa quan trường” này đã bộc lộ tính cách phong kiến địa phương, nếu không cảnh giác loại trừ thì Trung Quốc khó mà thành công trong quá trình phát triển của mình.

Hai là, muốn cho đất nước giàu mạnh thì Chính phủ phải dựa vào đội ngũ cán bộ và phải có cơ chế quản lý cán bộ. Trải qua mấy chục năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội, của cải vật chất ngày càng tăng, nhưng thiếu quan tâm chính sách tiền lương, thiếu bồi dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ nên đã hình thành thế “mất cân bằng”, khiến nảy sinh tham nhũng.

Ba là, qua các vụ án lớn, ngoài việc nghiêm trị, loại bỏ một số cán bộ thoái hóa, biến chất, nó còn để lại nhiều “di chứng” không thể coi nhẹ làm cản trở sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế tài chính, gây thất thu ngân sách, làm chậm bước tiến của Trung Quốc trên con đường hội nhập thế giới.

{keywords}

Ảnh minh họa. Nguồn: Post-gazette.com

Thực tế tệ nạn tham nhũng những năm gần đây ở Trung Quốc cho thấy những đặc điểm cơ bản sau:

- Quy mô tham nhũng trong bộ máy quan chức của Đảng, Nhà nước đang có xu hướng gia tăng. Hình thức biểu hiện của tham nhũng cũng đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau như tiền bạc, chứng từ có mệnh giá, nhà cửa, ruộng đất, công trình kiến trúc và cả trên lĩnh vực của đời sống chính trị, văn hóa, xã hội… Có không ít những tiêu cực mang tính tập thể, phát triển ở mức độ cao. Số người liên quan mỗi vụ án ngày càng tăng; số tiền của bị xâm hại cũng càng ngày càng nhiều, từ vài tỷ đến vài chục tỷ nhân dân tệ.

- Những kẻ tham nhũng phần lớn là “các cán bộ chủ chốt” trong Đảng và Chính quyền, trong đó cán bộ từ cấp huyện đến Trung ương ngày càng chiếm tỷ lệ cao. Phần lớn các vụ án tham nhũng là “xuyên án”, “ổ án”. Án tham nhũng nếu phát hiện thường kéo theo một vụ án khác, nếu bắt một người sẽ dẫn tới nhiều người khác.

- Quan chức tham nhũng “người trước ngã, người sau tiến”. Thực tế cho thấy, những kẻ đi sau không phải rút kinh nghiệm chuyện vi phạm kỷ cương, luật pháp của những kẻ đi trước để răn mình, mà họ rút kinh nghiệm để lại “dấn sâu” vào tội lỗi. Điều đó chứng tỏ tính tham lam của những phần tử thoái hóa, biến chất.

- Chợ đen quyền lực, bán quan có giá. Hồ Kiến Học - nguyên Bí thư Thành ủy Thái An (tỉnh Sơn Đông), trong nhiệm kỳ 5 năm của mình đã lợi dụng chức quyền để nhận hối lộ tổng cộng trên 600.000 nhân dân tệ từ việc “phong quan, bán chức”. Trịnh Nguyên Thịnh - Nguyên Bí thư huyện Quảng Phong (tỉnh Giang Tây) chỉ trong vòng 3 năm, bằng việc “phong quan, bán chức” đã thu của cấp dưới trên 300.000 nhân dân tệ(2)… Nguyên tắc trao đổi hàng hóa trong nền kinh tế thị trường đã xâm nhập vào đời sống chính trị và tổ chức của Đảng, Nhà nước làm cho một số cán bộ lãnh đạo mờ mắt vì tiền, ngang nhiên vi phạm nguyên tắc tổ chức cán bộ.

Nhận thức rõ về sự nguy hiểm của tham nhũng đối với sự tồn vong của Đảng và Nhà nước, kể từ sau Hội nghị Trung ương III Khóa XI, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng quan tâm đến công tác cải cách chế độ cán bộ và phát triển nó theo chiều sâu, coi đây là một trong những giải pháp có tính chất quyết định về phòng, chống tham nhũng. Có thể khái quát một số nội dung cơ bản về cải cách chế độ cán bộ ở Trung Quốc như sau:

Thứ nhất, nâng cao trình độ dân chủ và công khai trong công tác tuyển chọn, đề bạt cán bộ

Gần đây, nhiều địa phương ở Trung Quốc đã sửa đổi tình trạng “để một nhóm người tuyển chọn người, tuyển chọn người trong một nhóm người”. Việc duy trì tiền đề Đảng quản lý cán bộ, duy trì nguyên tắc công khai, dân chủ, cạnh tranh, nhằm nâng cao khả năng quần chúng tham gia vào công tác cán bộ đã làm tăng một cách đáng kể tính khoa học trong công tác tuyển chọn, đề bạt cán bộ. Việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo không qua bầu cử phải áp dụng phương thức công khai chức vụ và điều kiện, kết hợp quần chúng đề cử với cá nhân ứng cử; kết hợp kiểm tra, sát hạch để công khai tuyển chọn đề bạt cán bộ trước. Những năm gần đây, việc áp dụng phương thức này ngày càng phát triển theo chiều rộng và chiều sâu. Dân chủ nhận xét cán bộ lãnh đạo thông qua ý kiến của đa số quần chúng nhân dân, từ đó có thể “thăng, giáng, lưu giữ” hoặc “bãi nhiệm” cán bộ. Một số địa phương đã và đang hình thành mô thức mới của chế độ tuyển chọn đề bạt cán bộ lãnh đạo Đảng và chính quyền như: Trưởng đầu ngành phải được công khai lựa chọn, cấp phó “vừa đề bạt vừa thi tuyển”, cán bộ thường phải thi đua phấn đấu vươn lên, tất cả cán bộ đều phải thi nâng bậc, nâng cấp. Như vậy, phát huy dân chủ, giữ vững đường lối quần chúng là phương hướng cơ bản của nhiệm vụ cải cách chế độ cán bộ, là một thứ “đặc sắc” chủ yếu của chế độ cán bộ đặc sắc Trung Quốc.

Thứ hai, từng bước hoàn thiện công tác sát hạch cán bộ lãnh đạo

Hoàn thiện công tác sát hạch cán bộ có nghĩa là trên cơ sở lựa chọn đúng, chính xác cán bộ để thực hiện một khâu quan trọng là cán bộ lãnh đạo “có lên cũng có xuống”. Trước đây, công tác sát hạch cán bộ chỉ được thực hiện trước lúc chuyển giao nhiệm kỳ nhằm đề bạt cán bộ và bổ sung những chức danh còn thiếu. Bắt đầu từ năm 1995, từ địa phương đến Trung ương đều thực hiện công tác sát hạch giữa nhiệm kỳ đối với cán bộ Đảng và chính quyền.

Từ sau ngày chính thức thực hiện chế độ nhân viên công vụ nhà nước, hằng năm hầu hết nhân viên công tác trong các cơ quan Đảng và chính quyền đều phải thông qua sát hạch, đánh giá. Điều đó làm cho chế độ sát hạch cán bộ được hoàn thiện hơn một bước. Trên thực tế, việc sát hạch năng lực chuyên môn của cán bộ đang được tiến triển. Ban Tổ chức Trung ương đã tiến hành thí điểm sát hạch cán bộ lãnh đạo Đảng và chính quyền ở nhiều huyện thị trong cả nước. Bên cạnh đó còn căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ hằng năm để sát hạch cán bộ, việc làm này vừa có tác dụng tạo động lực cho cán bộ lãnh đạo và nhân viên phấn đấu vươn lên, vừa là cơ sở để thực hiện chế độ cán bộ lãnh đạo “có lên có xuống”.

Thứ ba, từng bước mở rộng phạm vi và mức độ giao lưu cán bộ

Những năm gần đây, theo yêu cầu của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, các địa phương đã từng bước mở rộng việc giao lưu cán bộ, đối tượng cán bộ và lĩnh vực giao lưu ngày càng lớn”. Một là, giao lưu cán bộ lãnh đạo Đảng và Chính quyền từ cấp huyện trở lên; đặc biệt là việc giao lưu giữa cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các địa phương khác nhau phát triển khá nhanh. Nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các ban, ngành như tổ chức, kiểm tra, kiểm sát, thanh tra… của các địa phương khác nhau cũng tiến hành giao lưu. Hai là, việc giao lưu giữa cấp trên với cấp dưới diễn ra ngày càng nhiều. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và chính quyền cấp Trung ương giao lưu với cán bộ lãnh đạo địa phương. Việc giao lưu được mở rộng, vượt qua giới hạn địa khu, tỉnh và lan rộng ra cả nước. Ba là, việc giao lưu cán bộ kết hợp với công tác trợ giúp người nghèo, vùng xa xôi hẻo lánh, kết hợp với phát triển giáo dục cũng biểu hiện rõ nét.

Thứ tư, không ngừng tăng cường giám sát công tác cán bộ và cán bộ lãnh đạo

Tăng cường giám sát, điều này có ý nghĩa đối với việc thúc đẩy nâng cao đức tính cần, kiệm, liêm, chính của cán bộ, ngăn ngừa những biểu hiện lệch lạc trong công tác tuyển chọn đề bạt cán bộ. Trước hết là tăng cường giám sát công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo. Ngay từ năm 1993, sau khi “Điều lệ tạm thời về tuyển chọn, đề bạt cán bộ lãnh đạo Đảng” được ban hành cho đến nay, nhiều địa phương đã tiến hành kiểm tra, soát xét lại việc sử dụng cán bộ, đồng thời thực hiện việc giám sát thường xuyên hơn để phát hiện, xử lý những trường hợp trái với điều lệ. Ví dụ, tỉnh Hà Nam đã thực hiện chế độ truy cứu đối với hàng trăm cán bộ lãnh đạo được đề bạt nhưng thiếu kiểm tra chặt chẽ. Tỉnh Hồ Bắc có văn bản quy định rõ ràng về công tác cán bộ, đã xử lý nhiều cán bộ lãnh đạo được cất nhắc do cảm tính cá nhân… Về vấn đề này Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có chủ trương phải thường xuyên giám sát cán bộ lãnh đạo. Nhiều địa phương đã xây dựng và hoàn thiện chế độ kiểm tra đối với cán bộ lãnh đạo xa rời nhiệm vụ. Những cán bộ lãnh đạo có thiếu sót, được quần chúng góp ý phê bình thì đều được nhắc nhở, cảnh báo để khắc phục. Trường hợp nặng thì phải làm bản tường trình…

Thứ năm, cán bộ lãnh đạo “có lên cũng có xuống”

Trung Quốc thực hiện phương châm cán bộ lãnh đạo “có lên cũng có xuống”, đầu tiên là quan tâm đến khâu đề bạt, cất nhắc cán bộ, tức là phải chọn người xuất sắc nhất trong những người xuất sắc, sau đó việc bãi miễn cũng là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Theo Tạp chí Liễu Vọng, có 4 tình huống “xuống” của cán bộ: một là, cán bộ đến tuổi nghỉ hưu; hai là, cán bộ hết nhiệm kỳ; ba là, cán bộ vi phạm kỷ luật hoặc vì một lý do nào đó; bốn là, những cán bộ không đảm đương được nhiệm vụ, phải điều chỉnh thường xuyên. Đối với ba trường hợp đầu, thì đã có chế độ quy định rõ ràng, cứ thế chấp hành nghiêm túc. Còn trường hợp thứ tư phải điều chỉnh kịp thời những cán bộ lãnh đạo không đảm đương được nhiệm vụ vẫn còn đang là một vấn đề khó khăn, phức tạp hiện nay.

Để “khai thông đường xuống” của cán bộ, nhiều địa phương ở Trung Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp “sáng tạo” như:

- Chế độ thử việc: Đối với cán bộ mới được đề bạt quy định thời gian thử việc từ 1 - 2 năm. Sau khi hết hạn thử việc phải thông qua thi tuyển hoặc dân chủ bình chọn lại để xem xét quyết định.

- Chế độ đào thải: Bất cứ ai, hễ qua thi tuyển hằng năm mà không đạt, hoặc nhiều năm liền thi tuyển chỉ được xếp hạng thấp, làm việc bê bối, không đảm nhiệm được nhiệm vụ thì phải hạ chức, miễn chức, thay đổi chức vụ lãnh đạo hoặc xử lý kỷ luật.

- Chế độ chờ nghỉ công tác: Trong thời gian triển khai nghị quyết về xây dựng hai nền văn minh (văn minh tinh thần và văn minh vật chất), thành phố Kim Đàn (tỉnh Giang Tô) đã xử lý giáng chức và chờ nghỉ công tác đối với 9 cán bộ đã từng là cán bộ chủ chốt.

- Chế độ từ chức: Nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã động viên, cổ vũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, ban, ngành gương mẫu đệ đơn xin từ chức nếu thấy không đảm đương được nhiệm vụ.

Đồng thời với việc quan tâm đến chuyện “xuống” của cán bộ, Trung Quốc luôn chú ý đến cả vấn đề đề bạt lại những cán bộ xét thấy có biểu hiện vươn lên rõ ràng nổi bật được quần chúng công nhận.

Ở Việt Nam, từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nạn tham nhũng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tham nhũng đã trở thành “quốc nạn” và là một trong những thách thức nghiêm trọng hiện nay. Đại hội lần thứ XI, Đảng ta đã chỉ rõ: “…Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”(3).

Kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, cũng chỉ rõ: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách; thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Những bài học kinh nghiệm của Trung Quốc, có ý nghĩa thực tiễn đối với nước ta trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chúng ta có thể nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tế trong nước. Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị Việt Nam kiên quyết chặn đứng, đẩy lùi và từng bước loại trừ tệ nạn tham nhũng, làm cho Đảng trong sạch, Nhà nước vững mạnh, giữ vững niềm tin của quần chúng nhân dân, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta./.

Thượng tá, ThS. Trần Đức Châm (Phó trưởng Bộ môn lý luận chính trị và khoa học xã hội nhân văn Nguyễn Việt Hùng - Học viện An ninh nhân dân)

Theo Tạp chí Cộng sản.  Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại.

-----------------------------------------------------------------

(1) Xem Trần Đức Châm: Phòng, chống tệ nạn xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 101

(2) Trung Quốc được mùa chống tham nhũng, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 17

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 18