Thời gian qua, công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN), cứu hộ trên biển đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, triển khai nhanh chóng, kịp thời, giúp ngư dân cũng như chủ tàu giảm thiệt hại về người, phương tiện, yên tâm bám biển mưu sinh; góp phần bảo vệ an ninh, trật tự an toàn khu vực ven biển và trên biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong năm 2023, Cục Hàng Hải Việt Nam đã xử lý 264 vụ việc báo nạn, điều động 35 lần phương tiện chuyên dụng TKCN trực tiếp tại hiện trường. Theo đó, tổng số người và phương tiện được cứu và hỗ trợ là 849 người bị nạn và 51 phương tiện.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, ngành Hàng hải đã phối hợp với các cơ quan chức năng TKCN trên biển 99 vụ; 532 người và 23 phương tiện được cứu và hỗ trợ.
Mới đây, tại hội nghị toàn quốc về công tác Phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn TKCN năm 2024, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP cho biết, năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, tính riêng ở khu vực biên giới, vùng biển, đảo của cả nước đã xảy ra 1.845 vụ/4.023 người/754 phương tiện bị sự cố, thiên tai, tai nạn, hỏa hoạn; trong đó, thiên tai, tai nạn trên biển xảy ra 1.111 vụ/3.700 người/626 phương tiện.
Để giảm thiểu sự cố và tai nạn trên biển giúp ngư dân yên tâm bám biển, lực lượng BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 280.280 lượt phương tiện/1.300.077 lượt người biết diễn biến, hướng đi của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm...
Khi có sự cố, các đơn vị Biên phòng cũng đã kịp thời tổ chức lực lượng, tìm kiếm và ứng cứu. Đồng thời, chủ động phối hợp, nâng cao công tác TKCN, cứu hộ trên biển.
Tại khu vực Nam Trung Bộ, theo báo cáo của lực lượng BĐBP 6 tỉnh gồm Bình Định, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải đoàn 48, thời gian qua, các đơn vị này đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải khu vực II, đã tiếp nhận, hỗ trợ người bị nạn và tổ chức, điều hành hoạt động TKCN trên biển với hơn 156 lượt phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn; đài trực canh thông tin TKCN của BĐBP các tỉnh, các đài duyên hải khu vực tiếp nhận xử lý 341 tin liên quan đến công tác TKCN. Cùng với đó, các bên đã thực hiện nghiêm túc việc trao đổi, chuyển giao thông tin sự cố trên biển liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn...
Nhờ khai thác tốt các mạng, kênh thông tin TKCN; thường xuyên, chủ động nắm tình hình tai nạn, sự cố trên biển nên công tác thông tin giữa lực lượng BĐBP các tỉnh, thành phố và Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải khu vực II trong hoạt động TKCN thông suốt, phối hợp triển khai hoạt động TKCN đạt kết quả cao. Công tác kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển có diễn biến thời tiết xấu kịp thời trú tránh an toàn, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển lao động sản xuất.
Từ đầu năm 2024 đến nay, liên tiếp nhiều vụ ngư dân tàu cá đang hoạt động sản xuất trên biển thì gặp nạn, rất may đã được các lực lượng chức năng tổ chức TKCN kịp thời.
Mới đây nhất, ngày 12/6, trong quá trình khai thác hải sản trên vùng biển gần đảo Trường Sa, ngư dân Phạm Khắc Sáu (54 tuổi, ở phường Hoài Hảo, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), là lao động trên tàu cá BĐ 99005 TS, bất ngờ bị tai nạn lao động trên biển. Rất may, ông Sáu đã được đưa vào đảo Trường Sa cấp cứu kịp thời.
Trước đó, trong quá trình lao động tại âu tàu đảo Thuyền Chài thuộc đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), ngư dân Nguyễn Văn Nhân (59 tuổi, quê ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bất ngờ bị đột quỵ. Ngay lập tức, quân y trên đảo đã thăm khám và cấp cứu kịp thời rồi chuyển đến đảo Trường Sa để điều trị.
Và vào giữa tháng 4/2024, các lực lượng chức năng cũng đã liên tiếp ứng cứu kịp thời các ngư dân gặp vấn đề về sức khoẻ khi đang hành nghề trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Không chỉ nâng cao hoạt động, phối hợp hiệu quả, các lực lượng còn thường xuyên phối hợp hợp luyện xử lý tình huống tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
Mới đây, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực I (Trung tâm khu vực I) phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển I đã tổ chức phối hợp hợp luyện xử lý tình huống tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
Theo ông Bùi Hoàng Tiệp, Giám đốc Trung tâm khu vực I, việc tổ chức hợp luyện tìm kiếm, cứu nạn, là một hoạt động hết sức cần thiết, cần tổ chức thường xuyên để vận hành hiệu quả cơ chế hoạt động chỉ đạo, chỉ huy và đặc biệt là khả năng sẵn sàng ứng phó, phối hợp chỉ đạo giữa các lực lượng, trong xử lý các tình huống cứu nạn xảy ra trên vùng biển phụ trách; quản lý, khai thác có hiệu quả phương tiện, trang bị kỹ thuật; bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu khi có sự việc xảy ra.
Nhờ đó, không chỉ nâng cao hoạt động TKCN, cứu hộ trên biển giúp ngư dân yên tâm bám biển hoạt động sản xuất, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đồng thời góp phần bảo vệ và gìn giữ chủ quyền đất nước trên biển.
Hải Yến