Thách thức của Đông Á là thiếu vắng một tiến trình giải quyết cho những vấn đề tranh chấp. Trong khi đó, quan điểm dân tộc chủ nghĩa, lập trường cứng rắn hơn được các chính khách thay nhau công bố.
Cuộc chiến hộ chiếu ở châu Á
Obama thúc giục châu Á giảm nhiệt tranh chấp
Sự chú ý của phương Tây có thể
tập trung vào "vách đá tài chính" Mỹ hay khả năng sụp đổ của khu vực đồng euro.
Nhưng châu Á, đặc biệt là Đông Bắc Á lại có những thách thức riêng trong năm
2013, những thách thức ấy có thể ảnh hưởng đến ổn định toàn cầu. Với một khu vực
cạnh tranh và thiếu lòng tin, có rất ít lý do để tin rằng, các vấn đề của châu Á
sẽ được giải quyết trong 12 tháng tới.
Tàu Nhật đối đầu tàu Trung Quốc. Ảnh: AP |
Kim Jong Un giờ đây là Chủ tịch Triều Tiên. Hai tháng cuối năm 2012 chứng kiến sự ra mắt của Tổng Bí mới Trung Quốc Tập Cận Bình; ông Shinzo Abe trở lại quyền lực sau năm năm rời bước và Park Geun-hye trở thành nữ tổng thống Hàn Quốc đầu tiên trong lịch sử. Bộ tứ lãnh đạo sẽ phải học cách cùng sống chung.
Cho tới thời điểm hiện tại, mỗi người đều sẽ phải tập trung vào kinh tế nội địa. Ông Kim tiếp tục những tuyên bố cải cách. Ông Tập phải đối phó với nhiều bất ổn trong nước. Cử tri Nhật Bản khiến đảng Dân chủ thất thế sau ba năm cầm quyền do những tranh cãi về thuế, thất bại trong giải quyết lạm phát cũng như phản ứng với hậu quả trận động đất 2011. Còn với bà Park, khi bước lên ghế tổng thống, bà sẽ thừa hưởng một "di sản" là lòng tin của người dân sụt giảm mạnh vì hàng loạt vụ bê bối tham nhũng.
Với nhiều nguyên do, các sáng kiến kinh tế của bộ tứ nói trên cho tới nay không được khuyến khích. Ông Kim thanh lọc tướng lĩnh quân sự trong năm ngoái chỉ đơn thuần tiếp sau những bài phát biểu thúc giục trung thành hơn với chính quyền. Cả ông Tập và ông Abe đều không có những đề xuất cải cách kinh tế quan trọng.
Từ viễn cảnh kinh tế, có rất ít lý do để có thể lạc quan về 2013, nhưng khía cạnh địa chính trị thì thực sự đáng bi quan. Trong bài phát biểu bất ngờ dịp năm mới, ông Kim đã kêu gọi chấm dứt đối đầu với Hàn Quốc, làm gia tăng hy vọng một sự đột phá trong quan hệ hai miền Triều Tiên. Nhưng những người có kinh nghiệm thì lại không kỳ vọng. Có những thông tin đáng tin cậy rằng, Bình Nhưỡng sẽ thử hạt nhân lần ba sau vụ phóng rocket thành công mới đây.
Một vụ thử nghiệm như vậy làm gia tăng quan ngại rằng, Triều Tiên đã tiến gần tới tới sản xuất đầu đạn hạt nhân - thực tế có thể làm thay đổi vĩnh viễn môi trường an ninh châu Á. Nó cũng khiến Mỹ áp lực hơn khi minh chứng khả năng bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc và làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với láng giềng - những bên tin rằng Bắc Kinh ủng hộ chính quyền của Kim.
Tiếp đến là tranh chấp lãnh thổ hàng hải khi ngày càng có nhiều nhà phân tích tin rằng, nó sẽ dẫn tới xung đột thực sự. Nhật Bản gần đây đã công bố một lực lượng hải quân đặc biệt để đối phó với các vụ xâm nhập vào lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo tin rằng, việc Trung Quốc điều máy bay tới không phận quần đảo chỉ làm cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Abe đã khẳng định quan điểm chủ nghĩa dân tộc một cách cứng rắn.
Ông Tập cũng như vậy, khi nói rằng chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc "hồi sinh" trong những ngày này. Bắc Kinh khẳng định không đàm phán giảm căng thẳng cho tới khi Nhật rút lui. Một sự hiểu nhầm tính sai hay sự cố ở vùng biển xung quanh Senkaku/Điếu Ngư có thể dẫn tới xung đột, cho dù khả năng chiến tranh toàn diện là ít xảy ra. Căng thẳng Trung - Nhật đã ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á và có thể gây ra những gián đoạn kinh tế ở một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới.
Căng thẳng ở Biển Đông tiếp tục diễn ra với việc Trung Quốc gần đây tuyên bố "những quy tắc" hàng hải mới mà nhiều người lo ngại rằng, họ tự cho quyền khám xét các con tàu "vô can". Bắc Kinh sau đó đã cố "hạn chế" phạm vi của chính sách đưa ra, nhưng những bất đồng âm ỉ vẫn tồn tại. Nếu Bắc Kinh thành công trong chiến thuật "chia để trị", thì vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Tất cả những vấn đề trên đều đáng lo ngại, nhưng thách thức lớn nhất ở Đông Á là hoàn toàn thiếu vắng một tiến trình hay giải pháp giải quyết vấn đề. Không một sáng kiến ngoại giao nào được đề xuất, không một giải pháp căn bản nào cho thỏa thuận lớn hơn. Thay vào đó, quan điểm dân tộc chủ nghĩa, lập trường cứng rắn hơn được các chính khách thay nhau công bố.
Thái An (theo Wall Street Journal)