Mình đã già, để anh em cán bộ trẻ lên thay thế. Họ trẻ, có khát vọng, có ý chí và có trình độ nữa. Nhiều lúc phải thừa nhận mình không bằng họ - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Đào Xuân Quý lý giải lý do ông viết đơn xin từ nhiệm sớm đến 2 năm. 

Cơm vợ nấu là ngon nhất

Biết ông từ những ngày đầu vào nghề nhưng câu chuyện quá nhạy cảm khiến chúng tôi không biết bắt đầu như thế nào. Gọi trực tiếp đăng ký một cuộc gặp, ông đồng ý vào buổi chiều.  

Trong suốt buổi nói chuyện, ông là người chủ động bởi chất “lửa” trong con người này chưa hề “cạn” dẫu luôn nói mình “đã già”.

{keywords}

Ông Quý (giữa) kiểm tra công trình thủy điện Thượng Kon Tum

Ông Quý chia sẻ: “Đơn xin nghỉ thì mình đã gửi lên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy rồi. Các anh bên ấy đã gửi ra Ban Bí thư nguyện vọng của mình, đang còn chờ ý kiến. 

Kon Tum còn nghèo, năm vừa rồi thu ngân sách của tỉnh đạt trên dưới 2.000 tỉ đồng nhưng phải chi đến 5.000 tỉ. May nhờ có Trung ương quan tâm hỗ trợ nên cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng khang trang hơn. 

Mình đã già, để anh em cán bộ trẻ lên thay thế. Họ trẻ, có khát vọng, có ý chí và có trình độ nữa. Nhiều lúc phải thừa nhận mình không bằng họ. Với lại mình về nghỉ, ai lên thay sớm sẽ có điều kiện tiếp cận công việc thuận lợi hơn”.

Rồi ông Quý bộc bạch: “Có nhiều lúc cả nửa tháng không ăn cơm ở nhà. Con thì đứa đi học, đứa theo việc, vợ ở nhà ăn cơm một mình. Mình thì đi công tác, khách khứa suốt nên ít có thời gian ở nhà. Chỉ mong được ở nhà trồng rau, nuôi gà. Lương hưu nhà nước trả, sống tiết kiệm cũng đủ. Cơm vợ nấu là ngon nhất!”.Mừng vì cán bộ đoàn kết.

Thà ăn cơm rau mà đoàn kết 

“Điều gì khiến ông trăn trở và tâm đắc nhất trong quá trình công tác, đặc biệt là ở cương vị người đứng đầu chính quyền một tỉnh?” - chúng tôi hỏi.

“Mình còn nhiều day dứt vì Kon Tum vẫn còn nghèo, cuộc sống người dân vẫn khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa... Những ngày chiến tranh, họ che chở, nuôi giấu cán bộ để có được hòa bình như ngày hôm nay. Công của họ lớn lắm. 

Mình không chỉ làm với chức trách của mình mà đó là sự tri ân hiệu quả đối với đồng bào "chia từng tấm áo, sẻ từng bát cơm" cho cán bộ ngày chiến tranh. Điều mình tâm đắc, mừng nhất là ở Kon Tum luôn thể hiện được sự đoàn kết, chăm lo bồi dưỡng cho cán bộ trẻ để họ đủ nhận thức, bản lĩnh kế vị thế hệ đi trước” - ông Quý trả lời.

Thực tế, nhiều năm qua công tác bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Kon Tum đã làm rất tốt. Hiện nhiều cán bộ giữ nhiều trọng trách quan trọng nhưng tuổi đời mới trên dưới 40. 

“Anh em đoàn kết, thẳng thắn, đồng lòng là vui nhất. Thà ăn cơm rau mà đoàn kết còn hơn cao lương mỹ vị mà cứ suốt ngày hằm hè nhau. Có việc cứ cùng xắn tay vào mà làm” - ông Quý nói.

{keywords}

Một góc xã Hà Mòn, Kon Tum - xã đạt chuẩn Nông thôn mới đầu tiên của Tây nguyên

Nhiều người cùng công tác với ông Quý đều nói đến sự nhiệt huyết, hiệu quả trong công việc và lối sống rất hòa đồng. 

Ông Huỳnh Kiên, Phó tổng biên tập phụ trách Báo Gia Lai kể: “Hồi mình còn làm ở Báo Tiền Phong, có dịp đi công tác với anh Quý ở H.Đăk Glei. Tối hôm đó, người trong làng tổ chức cuộc vui nên trong đoàn ai cũng uống hơi nhiều một chút. 

Tàn dư cuộc nhậu vương vãi ở quanh nhà rông. Mới mờ sáng, mình nghe tiếng chổi quét sột soạt trước nhà rông. Bất ngờ là người quét dọn lại là anh Quý. Mình nói rằng anh để đó chút nữa mọi người dọn thì anh nói: Mình thức dậy sớm, tranh thủ dọn dẹp. Bà con đã nhiệt tình thế rồi, mình cùng xắn tay với họ chút”.

Ưu tư vì dân còn nghèo

Ông Quý trăn trở: “Theo tiêu chí mới, tỷ lệ đói nghèo của Kon Tum còn đến 26%. Lo nhất là giá cao su xuống quá. Toàn tỉnh Kon Tum có đến 29.000 ha cao su tiểu điền (diện tích cao su tiểu điền lớn nhất Tây nguyên). Nếu giá lên, nhiều nông dân theo đó cũng có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu. 

Cơn đại hạn vừa qua, tỉnh chúng tôi có hơn 3.000 ha cây trồng bị hạn nặng. Chúng tôi đang chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tuyên truyền vận động người dân chuyển 1.500 ha bị hạn sang mùa tới sẽ trồng mì thay vì lúa nước để vừa có thu lại giảm thiểu do hạn. Rồi đường sá cũng đã được địa phương, trung ương đầu tư. 

Nay từ Sài Gòn, Hà Nội chỉ trong vài tiếng là đến ngay khu du lịch Măng Đen nghỉ dưỡng, thưởng lãm cảnh đẹp. hay con đường từ Kon Tum về Quảng Ngãi cũng đang được đầu tư. 

Đường đi có thuận lợi thì khách du lịch mới tìm đến mình. Đặc biệt là ở Kon Tum, văn hóa bản địa vẫn còn đậm đặc. Đó là vốn quý để cải thiện cuộc sống cho người dân thông qua hoạt động du lịch”.

Ông Quý cũng thẳng thắn nhìn nhận trong cương vị của mình vẫn có những khiếm khuyết, chưa thể giúp Kon Tum tiến nhanh để giảm tỷ lệ người dân đói nghèo. 

Ông nói rằng việc thu hút đầu tư vào Kon Tum còn ít, khu công nghiệp còn quá nhỏ về quy mô lẫn ngành nghề đầu tư. Ông hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư nữa đến tìm hiểu tiềm năng của Kon Tum và đầu tư vào đây.

{keywords}

Thanh bình trên làng quê Hà Mòn, Kon Tum

“Cuộc đời con người hay vị trí công việc cũng vậy. Nó như biểu đồ hình sin. Mình nghĩ là mình đã nằm ở điểm cao của biểu đồ này rồi, nên rút lui để anh em khác đảm trách. 

Con trai lớn của mình đang làm hợp đồng ở Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Kon Tum hơn 2 năm nay. Đứa nhỏ đang học năm cuối đại học. Khi nghe mình nói xin nghỉ sớm, cả nhà đồng ý liền” - ông Quý tâm sự.

Nghỉ sớm để nhường đường cho người trẻ hơn là điều tốt

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cho biết: “Anh Quý luôn thể hiện sự mẫu mực của người cán bộ. Ở cương vị nào anh cũng thực hiện tốt nhiệm vụ. Còn nguyện vọng xin nghỉ sớm trước 2 năm của anh, chúng tôi đang chờ ý kiến của Ban Bí thư để có hướng thực hiện”.

Còn ông Hà Ban - Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khi nhắc đến ông Đào Xuân Quý đã chân thật: “Mình và Tư Quý cùng một cơ quan khi tách tỉnh Gia Lai - Kon Tum và có nhiều thời gian làm việc cùng nhau. 

Tư Quý là người tốt và nhanh nhẹn, nhiệt tình trong công việc. Còn việc Quý có nguyện vọng xin nghỉ sớm để nhường đường cho những người trẻ hơn, theo mình là điều tốt. Còn kết quả thế nào phải chờ ý kiến của Ban Bí thư”.

Theo Thanh Niên