Chủ tịch Hà Nội điểm lại diễn biến dịch Covid-19  cả nước, đánh giá giai đoạn này hiện rất phức tạp. Ở giai đoạn trước, ngày cao điểm chỉ có 14 - 15 ca bệnh nhưng hiện nay, ngày cao điểm nhất lên tới 70 - 90 ca.  Hơn nữa, đã có một số ca bệnh tử vong.

Ông Chung cho biết, qua thông báo của cơ quan chức năng, có khoảng 1 triệu người qua lại Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian qua. Hơn 40 nghìn người qua lại 3 bệnh viện ở Đà Nẵng trong 3 tuần vừa qua. Hàng quán xung quanh bệnh viện ở Đà Nẵng như trà đá, bánh mỳ, cà phê đều có dấu hiệu lây lan dịch bệnh.

{keywords}
Ông Nguyễn Đức Chung: Người dân tự giác tham gia phòng chống dịch là quan trọng nhất.

Về tình hình ở Hà Nội, lãnh đạo TP cho biết, mấy ngày trước rà soát chỉ có hơn 21.000 người về từ Đà Nẵng, hôm qua tăng lên hơn 53.000 người, đến nay đã lên tới hơn 72.000 người. “Điều này cho thấy, người dân đã tự kiểm tra, rà soát lại, tự giác chấp hành, ý thức nâng lên. Hai ca bệnh phát hiện ở Hà Nội cũng là tự đến cơ sở y tế xét nghiệm. Chính vì vậy, việc tuyên truyền là quan trọng nhất hiện nay" -  ông Chung nêu quan điểm.

Trước tình hình mới, Chủ tịch UBND TP yêu cầu tổ chức xét nghiệm với tinh thần nhanh, tích cực, đến nay đạt hơn 49.000 người. "Đã rà soát 127 người tiếp xúc F1, kết quả xét nghiệm nhanh và PCR thì đều âm tính. Đây là tin vui, âm tính bước đầu" Chủ tịch TP bày tỏ.

Tuy nhiên, ca bệnh 459 phố Hoàng Hoa Thám mới qua được 6 ngày, ông Chung nhận định những trường hợp F1 của ca bệnh này phải sau 12 - 13 ngày xét nghiệm lại mới yên tâm.

Thần tốc cách ly, xét nghiệm sớm

Hiện nay, thời tiết trên địa bàn mưa ẩm, nhiệt độ giảm nên dịch dễ lây lan, Chủ tịch Hà Nội nói: "Kết quả bước đầu cho thấy có thêm niềm tin vào việc thần tốc phát hiện nhanh, cách ly kịp thời và xét nghiệm sớm".

Chủ tịch UBND TP nêu rõ, việc test nhanh phát hiện kháng thể chỉ là kết quả đánh giá ban đầu. Những trường hợp âm tính ban đầu chưa phải là yên tâm 100% mà vẫn phải tiếp tục cách ly, tự theo dõi sức khỏe, khi có biểu hiện sốt, ho phải báo ngay cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm PCR.

Từ bài học thực tế hiện nay, môi trường bệnh viện vẫn là nơi nguy hiểm nhất.  Vì vậy, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn phải thực hiện đúng quy trình phòng chống dịch. Đó là, phân luồng bệnh nhân, có nước khử khuẩn, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, xác minh, khai báo y tế với các bệnh nhân. Các bệnh viện có các khoa mà bệnh nhân có bệnh nền nặng thì không cho đông người thân vào thăm…

{keywords}
Tất cả các ca F1 ở Hà Nội đều âm tính với Covid-19

Yêu cầu các đơn vị tiếp tục xét nghiệm nhanh ở các quận huyện, nhưng cần xác định rõ người về từ vùng dịch về mới test nhanh; ưu tiên những người về từ ngày 12-15/7 trở lại đây bởi số test nhanh của Hà Nội hiện nay đã phát 78.000/80.000 bộ. Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Y tế liên hệ với Bộ Y tế để khẩn trương mua thêm 20.000 bộ kít nữa phục vụ việc test nhanh.

 Các đơn vị cần làm việc kể cả buổi tối nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch cũng như cần tuyên truyền để người dân chủ động khai báo y tế khi về từ vùng dịch hoặc có dấu hiệu ho sốt, khó thở phải liên hệ ngay với các cơ sở y tế”, Chủ tịch UBND TP nêu rõ. 

Ông Chung nhận định trong công tác phòng chống dịch bệnh “làm bao nhiêu cũng cảm thấy là nhiều nhưng sau đó đều vẫn không thấy đủ” và từ việc như Đà Nẵng phát bệnh, đang gặp rất nhiều khó khăn khi nhiều ca mất dấu F0…

Chủ tịch UBND TP chỉ rõ nguy cơ của Hà Nội khi có số người già đông nhất cả nước (chiếm 19% dân số). Hà Nội có 2,2 triệu học sinh, mật độ dân cư đông, việc đi lại phức tạp. 

“Việc mọi người tự giác công tác phòng chống dịch là quan trọng số nhất, các đơn vị phải nỗ lực không để dịch bệnh lây lan, làm việc liên tục kể cả Chủ Nhật. TP sẽ tổ chức các đoàn đôn đốc kiểm tra”- ông Chung nói.

XEM CLIP:

 

 

Thành Nam

Hai cuộc điện thoại trước chuyến bay tới Guinea Xích Đạo đón bệnh nhân Covid-19

Hai cuộc điện thoại trước chuyến bay tới Guinea Xích Đạo đón bệnh nhân Covid-19

Trước khi lên chuyến bay Việt Nam chưa từng mở đường băng, qua vùng chiến sự, đón 120 đồng bào nhiễm Covid-19 về nước, bác sĩ ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã nhận hai cuộc điện thoại “căng não”.