Chuyến thăm chính thức kéo dài từ ngày 15-19/5, theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Chuyến thăm sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt như chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, du lịch…, đưa quan hệ song phương hai nước đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Đúng 9h30, đoàn xe lễ tân dưới sự hộ tống của xe dẫn đường, xe cảnh vệ đưa Tổng thống Hy Lạp và đoàn tiến vào Phủ Chủ tịch.
Đoàn xe dừng tại thảm đỏ, trong tiếng nhạc chào mừng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bắt tay, chào đón Tổng thống Hy Lạp.
Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng mời Tổng thống bước lên bục danh dự. Quân nhạc cử quốc thiều hai nước. Sau đó, hai nhà lãnh đạo cùng bước tới chào Quốc kỳ Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mời Tổng thống Katerina Sakellaropoulou duyệt Đội danh dự QĐND Việt Nam.
Sau đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hy Lạp cùng tới chào thành viên đoàn hai nước dự lễ đón. Kết thúc lễ đón chính thức, hai nhà lãnh đạo trở lại bục danh dự, cùng chứng kiến phần diễu binh chào mừng của Đội danh dự.
Ngay sau lễ đón, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành hội đàm.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, sáng nay, Tổng thống Katerina Sakellaropoulou cùng đoàn đại biểu Hy Lạp đến đặt hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Theo lịch trình dự kiến, Tổng thống Hy Lạp sẽ chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ngoài ra đoàn còn có một số hoạt động bên lề khác như thăm Văn miếu Quốc tử giám, và thăm TP.HCM…
Việt Nam và Hy Lạp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/4/1975. Hai nước có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa lâu đời, có vị trí địa chính trị quan trọng. Tháng 3/2007, Hy Lạp mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Tháng 12/2010, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Athens. Ngày 26/3/2012, Việt Nam chính thức khai trương Đại sứ quán.
Theo Bộ Ngoại giao, trong thời gian qua, mặc dù phải giải quyết khủng hoảng nợ công với nhiều vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội, đối phó với khủng hoảng di dân và tị nạn, tập trung vào quan hệ với châu Âu và các định chế tài chính, Hy Lạp vẫn rất coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Quan hệ kinh tế Việt Nam-Hy Lạp còn khiêm tốn. Tuy nhiên, trao đổi thương mại song phương tăng trưởng khá nhanh trong 5 năm gần đây. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang Hy Lạp tăng mạnh và Việt Nam luôn xuất siêu ở mức cao.
Về thương mại, theo số liệu thống kê năm 2021 các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Hy Lạp, các mặt hàng chủ lực như giày dép (18 triệu USD) và dệt may (3,6 triệu USD), là thủy sản (5,8 triệu USD ) và đồ gỗ (2,6 triệu USD). Thời gian gần đây, hạt điều, cà phê và sản phẩm sắt thép là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Hy Lạp khá cao. Đặc biệt, từ năm 2013, xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động sang Hy Lạp tăng đột biến đạt từ 73.9 triệu USD năm 2014 lên 116 triệu USD năm 2020, trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất vào thị trường này. Ngoài ra các mặt hàng rau quả, cao su... tuy có giá trị thấp nhưng cũng có tiềm năng.
Theo chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Hy Lạp còn thấp, tập trung vào một số mặt hàng chính bao gồm giấy và bìa, nguyên liệu sản xuất thuốc lá… với khối lượng nhỏ.
Cộng đồng người Việt tại Hy Lạp có khoảng 300 người, tập trung chủ yếu tại Athens và một số đảo lớn. Đa số kiều bào làm nghề kinh doanh ăn uống, buôn bán thực phẩm, may mặc, trồng trọt. Người Việt tại Hy Lạp có quan hệ cộng đồng chặt chẽ và khá bền vững, đa số có tinh thần yêu nước, gắn bó với quê hương.
Trần Thường - Phạm Hải