Sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (07/11/1981 - 07/11/2021) với chủ đề 40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam hội nhập và phát triển cùng đất nước; đồng thời đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Đại lễ diễn ra trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội kết nối với các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là đại lễ kỷ niệm đặc biệt nhất trong chặng đường lịch sử phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tinh thần tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên; đồng thời thể hiện tinh thần nhập thế theo phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội - sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường 40 năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cùng dự có các Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương. Cùng dự, qua các điểm cầu có các chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự; Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni tại nhiều địa phương trong cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các chư tôn đức giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể quý tăng ni, phật tử trong và ngoài nước.
Chủ tịch nước nêu rõ, lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận những đóng góp to lớn của Đạo Phật đối với dân tộc, trong đó có sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay, dựa trên nền tảng giáo lý mang tính nhân văn sâu sắc của tư tưởng từ bi, hỉ xả, “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị thư”. Lấy phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác”, “hộ quốc, an dân” cho đường hướng hành đạo, Phật giáo luôn luôn là thành viên tin cậy, có nhiều đóng góp quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phật giáo đã góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống và tư tưởng độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam. Giáo lý Phật giáo về đề cao giá trị con người, hướng thiện, đoàn kết, hòa đồng với cộng đồng, xây dựng xã hội an bình đã thấm đượm trong tư tưởng, ứng xử của đông đảo người dân Việt Nam, góp phần hun đúc nên những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Tín ngưỡng và ngôi chùa Phật giáo đã trở thành tín ngưỡng và nơi gắn bó, thân thuộc của nhân dân ta.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Có thể nói lịch sử hơn 2.000 năm Phật giáo Việt Nam là lịch sử của những người Phật giáo yêu nước. Tiếp nối dòng chảy của Phật giáo yêu nước cho tới tận thời đại Hồ Chí Minh ngày nay, ở thời kỳ nào, dù trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay hòa bình phát triển đất nước, Phật giáo Việt Nam cũng gắn liền với lịch sử dân tộc và đều có rất nhiều tấm gương điển hình giúp đời, “hộ quốc, an dân”. Đặc biệt, từ khi có Đảng lãnh đạo cách mạng nước ta, Phật giáo luôn nêu cao truyền thống đi đầu trong đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc và tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã có hàng nghìn tăng ni, Phật tử trở thành những chiến sĩ yêu nước, sát cánh cùng toàn dân đánh giặc. Nhiều ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng. Nhiều nhà sư đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong kháng chiến, góp phần vào thắng lợi chung của cả đất nước. Những tấm gương tiêu biểu, điển hình như năm 1947, Hoà thượng Thích Thế Long đã làm lễ "cởi áo cà sa khoác chiến bào" cho 27 vị tu sĩ Phật giáo tham gia kháng chiến chống Pháp; năm 1963, Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chế độ Mỹ - Diệm và rất nhiều tấm gương cao quý khác, đã tô thắm thêm màu cờ của Tổ quốc trong ngày thống nhất, độc lập và hoà bình".
Từ khi được thành lập, thống nhất đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đoàn kết tăng ni, phật tử, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thực hiện tinh thần "Phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật" và kiên trì phương châm: "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát triển mọi mặt cả về tổ chức giáo hội và công tác đào tạo tăng tài, đội ngũ tăng, ni tăng nhanh về cả số lượng và chất lượng. Hoạt động tôn giáo ổn định, tuân thủ chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, với sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan chức năng, Giáo hội đã 3 lần đăng cai và tổ chức thành công rực rỡ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Phát huy tinh thần từ bi, hỉ, xả, vô ngã vị tha trong nhà Phật, bên cạnh các hoạt động từ thiện nhân đạo, an ninh xã hội, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hưởng ứng lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gương mẫu chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh; ủng hộ nguồn kinh phí lớn cho Quỹ vắc xin, hỗ trợ mua trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm... Phong trào “cởi áo nâu, khoác áo blue” đã thu hút được hàng ngàn tăng ni, Phật tử cùng với các chức sắc, tín đồ của các tôn giáo bạn đăng ký tham gia ở tuyến đầu chống dịch, nhất là tâm dịch TP Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, những hành động cao đẹp, đầy tình thân ái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tăng ni, phật tử thực sự đã làm lay động hàng triệu trái tim đồng bào cả nước, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành và toàn dân phòng chống dịch bệnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến tôn giáo và công tác tôn giáo, ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo. Trong đó khẳng định “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung.
Đặc biệt, Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa qua tiếp tục khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”, “Phát huy các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc, tôn vinh những người có công với đất nước và nhân dân, không ngừng chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc."
Với truyền thống tốt đẹp Phật giáo Việt Nam trong hơn 2.000 năm qua, Chủ tịch nước mong muốn và đặt nhiều niềm tin vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tăng ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo. Tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa đồng bào Phật giáo ở trong và ngoài nước trong ngôi nhà chung Giáo hội; thực hiện đoàn kết giữa đồng bào Phật giáo với đồng bào các tôn giáo khác và nhân dân cả nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng. Đồng thời, tiếp tục chung tay đóng góp để xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đề nghị các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo. Hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động tuân thủ pháp luật, tạo một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh trong cả nước.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng Giáo hội Phật giáo Việt Nam./.
Chủ tịch nước thăm một số mô hình hợp tác xã có sản phẩm sáng tạo cao tại Ninh Bình
Sáng nay, 2/11, tại Ninh Bình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm HTX sản xuất, dịch vụ gốm thương mại Bồ Bát, huyện Yên Mô và HTX Sinh Dược huyện Gia Viễn.
Theo vov.vn