Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và lãnh đạo một số bộ, ngành, TP. Đà Nẵng.
Trước buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình bà Đỗ Thị Thanh Hoa, thôn Thạch Nham Đông, xã Hoà Nhơn, huyện Hòa Vang, một trong những nhà bị sập, lũ cuốn mất toàn bộ đồ đạc trong nhà, thiệt hại tài sản rất nặng nề. Khi nước dâng lên đột ngột rất nhanh, một số thành viên trong gia đình may mắn thoát chết vì kịp thời leo lên mái nhà.
Chia sẻ với những mất mát của người dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và TP. Đà Nẵng, Hội chữ Thập đỏ Việt Nam tập trung hỗ trợ nhân dân khôi phục chỗ ở.
Mỗi người dân phát huy tinh thần chủ động, nỗ lực khắc phục khó khăn để cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Đặc biệt, Chủ tịch nước yêu cầu các địa phương phải nhanh chóng khắc phục hư hỏng các trường học, đảm bảo trẻ em trở lại trường sớm nhất.
Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đoàn công tác đã kiểm tra thực địa công tác khắc phục thiệt hại các công trình hạ tầng tại điểm sạt cuối đường Lê Văn Lương, Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Đây là 1 trong số 21 điểm sạt lở nặng nề của quận Sơn Trà.
Sau khi nghe báo cáo phương án khắc phục hậu quả, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đơn vị thi công nhanh chóng triển khai, đáp ứng hoạt động đi lại và sản xuất của nhân dân, nhất là khi các phương án, vật liệu đã được chuẩn bị đầy đủ.
Ngay sau kiểm tra thực địa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo TP. Đà Nẵng cho biết, bão số 5 gây mưa lớn diện rộng, nhiều nơi lượng mưa cao lịch sử hàng trăm năm, cộng thêm triều cường, dẫn đến ngập lụt lớn.
52/56 xã, phường thuộc 07 quận, huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, nhiều nơi ngập từ 0,5-1,0 m, thậm chí có nơi ngập đến 2,0 m.
Bão, mưa lũ lớn đã khiến 4 người thiệt mạng; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng số nhà bị ngập gần 70.000 nhà; hư hỏng 74 ha rau màu; gần 60.000 gia cầm và gia súc chết trôi; 14 trường học bị ngập, hư hỏng nặng; trên 2.000 ô tô và 30.000 xe máy của người dân, doanh nghiệp bị ngập.
Hiện nay, TP. Đà Nẵng đang tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống.
Đà Nẵng đề nghị Trung ương hỗ trợ các hộ gia đình thiệt hại về người và tài sản; hỗ trợ sách giáo khoa và thiết bị học tập cho các trường học để đưa học sinh trở lại trường. Cùng với đó là đề nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình khẩn cấp để ổn định lâu dài.
Thành phố đề nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư sớm 3 dự án là Dự án kiên cố hóa đường Hoàng Sa – khu vực bán đảo Sơn Trà; Dự án chống ngập nước khu vực Sân bay và Dự án Đầu tư, gia cố hệ thống kè dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Trường Sa – Võ Nguyên Giáp.
Nước rút tới đâu, khắc phục ngay tới đó
Phát biểu tại cuộc làm việc, cho biết về chuyến công tác kiểm tra việc khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung trong 2 ngày qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chia sẻ, đợt mưa này có ảnh hưởng rất lớn tới các địa phương, trong đó có Đà Nẵng.
Tuy nhiên, sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, là một trong những yếu tố giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
"Chúng tôi đi kiểm tra ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thì thấy nhiều nơi bị ngập nặng, có nơi ngập tới 1m, nhiều diện tích hoa màu bị mất".
Dù được giảm thiểu nhưng thiệt hại vẫn còn lớn, cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp danh mục các công trình hạ tầng lớn bị thiệt hại như kè sông Thạch Hãn (Quảng Trị), các tuyến đê biển ở huyện Phú Quang (Thừa Thiên Huế)… để gửi các bộ, ngành nhằm bố trí nguồn vốn khắc phục. Các công trình này có thể sử dụng nguồn vốn dự phòng về phòng chống thiên tai để triển khai nhanh.
Liên quan đến vấn đề an sinh, đời sống người dân, các cơ sở như điện lực, bệnh viện, theo Phó Thủ tướng, các địa phương cũng cần khẩn trương thống kê thiệt hại, để bố trí nguồn lực triển khai ngay việc hỗ trợ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần nước rút tới đâu thì khắc phục ngay tới đó.
Thời gian tới, dự báo sẽ còn một số cơn bão, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, không được chủ quan.
Tập trung hỗ trợ cho người dân, không để người dân thiếu đói, chỗ ở
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cơn bão số 5 gây mưa lũ lớn ở nhiều tỉnh miền Trung, đặc biệt tại Đà Nẵng có nhiều nơi lượng mưa lịch sử, gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng của địa phương. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung đã nỗ lực ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
"Tôi chuyển lời thăm hỏi ân cần của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng lời thăm hỏi ân cần đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung. Bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định. Đặc biệt là chia sẻ với thành phố Đà Nẵng, địa phương bị ngập sâu nhất thiệt hại lớn nhất về người và tài sản trong phạm vi rộng lớn của thành phố.
Trung ương Đảng, Nhà nước các cơ quan chức năng của Trung ương chia sẻ những khó khăn của người dân bị thiệt hại, nhất là gia đình người bị tử nạn.
Đồng thời Trung ương cũng biểu dương, đánh giá cao hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, chính quyền, nhân dân, các lực lượng vũ trang đã chủ động nhanh chóng, kịp thời ứng phó với mưa lũ, trận lũ lịch sử hàng trăm năm chưa có. Chúng ta đã hạn chế tối đa số người bị nạn. Đây là một cố gắng rất lớn", Chủ tịch nước nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đà Nẵng vẫn bừa bộn sau lũ lụt, cuộc sống của nhân dân còn đang bị xáo trộn. "Do đó, cần tập trung hỗ trợ cho người dân, không để người dân thiếu đói, chỗ ở, đảm bảo yêu cầu thiết yếu của cuộc sống. Các cấp, ngành phải lo cho người dân trở lại cuộc sống bình thường. Yêu cầu tăng cường 4 tại chỗ, nhất là cấp phường. Nhanh chóng khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Trong đó có đảm bảo sách vở, trang thiết bị học tập cho các cháu. Khắc phục sạt lở do vùi lấp đất đá, trong đó có nghĩa trang lớn nhất Đà Nẵng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Thành phố Đà Nẵng tổ chức tiếp nhận phân phối tiếp nhận nguồn lực cứu trợ, không để xảy ra tiêu cực. Về lâu dài, Thành phố cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, trong đó phải đầu tư bài bản hệ thống thoát nước. Đặc biệt là cần kết hợp làm tốt công tác dự báo, thực hiện tốt hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra do đặc thù địa phương ven biển, tiềm ẩn nhiều thiên tai.
Về các đề nghị của Thành phố Đà Nẵng tại buổi làm việc, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết theo thẩm quyền, chú ý đến những vấn đề ổn định, lâu dài bằng những nguồn lực phù hợp, từ đó hỗ trợ Thành phố ứng phó thiên tai hiệu quả, đảm bảo đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.
Hoan nghênh, biểu dương các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ các tỉnh, thành cả nước gặp thiệt hại do thiên tai, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nhà hảo tâm tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ vật chất, tinh thần cho người dân.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, ngay sau bão, mưa lũ, đã kịp thời hỗ trợ gần 10 tỉ đồng cho 10 nghìn hộ dân một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ hỗ trợ Thành phố Đà Nẵng 4.000 bộ sách giáo khoa cho học sinh.
Theo Báo Chính phủ