XEM VIDEO:
Tại phiên khai mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước.
Mặc dù nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước và đặc biệt, từ cuối năm 2018, với trọng trách Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, trong mọi thời điểm, Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng |
“Trong công tác và sinh hoạt luôn phấn đấu thể hiện trách nhiệm, gương mẫu, giản dị, gần dân, trọng dân, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khẳng định vị thế của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại”, Chủ tịch nước chia sẻ.
Trong thời gian sức khỏe không tốt, Chủ tịch nước đã có phương cách để làm sao hoạt động của Chủ tịch nước không bị gián đoạn như phân quyền cho Phó Chủ tịch hoặc ủy quyền cho các cơ quan có thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan có liên quan để không ngừng trệ công việc.
"Kể cả những lúc công việc dồn dập, khó khăn như Covid-19, lũ lụt miền Trung. Đặc biệt là thời gian tiến hành Đại hội XIII với bao nhiêu công việc cả về nhân sự, văn kiện... Và cũng rất may là mọi việc trôi chảy", Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…
Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế
Khái quát kết quả công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt theo phương châm: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn.
Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ.
Về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực lập pháp, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố 72 Luật, 2 Pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua; chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các cơ quan liên quan sớm đưa văn bản pháp luật vào cuộc sống.
Với trách nhiệm là ĐBQH khóa XIV, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã tham gia các kỳ họp của Quốc hội, các hoạt động của Đoàn đại biểu nơi ứng cử, tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trò chuyện cùng các cử tri |
Ngoài ra, Chủ tịch nước luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ. Trong nhiệm kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã 4 lần dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tiếp và trực tuyến của Chính phủ với các địa phương.
Trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính; nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn; không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước bị thất thoát, tham nhũng…
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, công tác xét đơn xin ân giảm án tử hình là vấn đề liên quan đến sinh mệnh của con người và tính nghiêm minh của pháp luật, vì vậy việc xét đơn xin ân giảm án tử hình được thực hiện hết sức thận trọng.
Không được để bất ngờ về quốc phòng an ninh
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã chủ trì, chỉ đạo các phiên họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương.
Chủ tịch nước làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc…
"Không được để bất ngờ về vấn đề quốc phòng an ninh cả các hướng, với các nước ở xa, nước ở gần, nước lớn, nước nhỏ", Chủ tịch nước lưu ý.
Trên cương vị là Nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Nhà nước ta đi thăm nhiều quốc gia trên thế giới; đón tiếp, hội đàm với nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia thăm Việt Nam; dự 3 hội nghị quốc tế và chủ trì 1 hội nghị quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam (APEC 2017).
Vị thế, uy tín của nước ta tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch AIPA, Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Những con số ấn tượng trong báo cáo đầy đủ của Chủ tịch nước: - Bổ nhiệm 5 Phó Thủ tướng, 21 Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. - Bổ nhiệm một số Bộ trưởng, Thủ trưởng có thay đổi về nhân sự như cá Bộ trưởng: GTVT, TT&TT, Y tế, KH-CN, Tổng Thanh tra Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. - Phong hàm Đại sứ cho 55 cán bộ Bộ Ngoại giao, bổ nhiệm 112 Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại các nước trên thế giới. - Quyết định thăng quân hàm cấp tướng 400 sĩ quan Quân đội; thăng cấp bậc hàm cấp tướng 174 sĩ quan Công an; tước danh hiệu Công an nhân dân 4 sĩ quan cấp tướng, giáng cấp bậc hàm 2 sĩ quan cấp tướng. - Quyết định tặng thưởng: 370.896 Huân, Huy chương; 27.249 danh hiệu vinh dự Nhà nước, trong đó phong tặng và truy tặng 20.472 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 314 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 84 danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. - Quyết định cho 1.598 người được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam; 24.370 công dân Việt Nam được thôi quốc tịch Việt Nam. - Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 4.384 phạm nhân; bác đơn xin ân giảm của 295 bị án; ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 94 bị án. |
Thu Hằng
570 chuyến “lên rừng, xuống biển” của Thủ tướng, Phó Thủ tướng
Giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.