Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chiều nay (16/9) đã có cuộc tiếp thân mật với 51 nhà khoa học tham dự hội nghị “Khoa học, Đạo đức và Phát triển con người” thuộc chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”.
Tham dự buổi gặp mặt có lãnh đạo Bộ KH&CN, lãnh đạo bộ ngành và tỉnh Bình Định.
Phó Bí thư tỉnh uỷ Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, Hội thảo “Khoa học, đạo đức học và phát triển con người” là hội thảo thứ 3 trong chuỗi hội thảo liên ngành “Vai trò khoa học và xã hội” được tổ chức trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”.
Hội thảo tổ chức tại Quy Nhơn (Bình Định) được ghi nhận là sự kiện châu lục tại châu Á trong khuôn khổ “Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững”.
Ông Phạm Anh Tuấn cảm ơn các nhà khoa học đã chọn Bình Định làm nơi tổ chức hội thảo, và mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý sẽ quay lại không chỉ tham dự các hội thảo khoa học mà còn chung tay giúp đỡ tỉnh Bình Định phát triển khoa học, giáo dục, KT-XH.
Tại cuộc gặp nhiều nhà khoa học hàng đầu đã có những phát biểu, góp ý, kiến nghị gửi tới Chủ tịch nước cùng các bộ, ngành Việt Nam về mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm dựa trên KHCN.
GS Michel Spiro (Chủ tịch Hội đồng Năm quốc tế Khoa học Cơ bản cho phát triển pền vững, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Vật lý Quốc tế) thay mặt các nhà khoa học cảm ơn Chủ tịch nước đã dành thời gian tiếp đoàn các nhà khoa học quốc tế.
Ông Michel Spiro nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học cơ bản, vì khoa học cơ bản sẽ dẫn tới các khám phá sau này là những ứng dụng để phát triển bền vững, là “những hạt giống, mầm mống phát triển cho tương lai không chỉ 10-20 mà 50 năm nữa”.
Ông cho rằng, việc giáo dục không chỉ gói gọn trong KHCN mà còn trong các lĩnh vực, ngành nghề khác hướng tới phát triển bền vững nói chung. Tuy phát triển bền vững là quá trình nhiều thách thức nhưng đây là góc độ để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống, đạo đức cho người dân… GS Michel Spiro cho rằng, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng, hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu trong phát triển bền vững.
GS Munasinghe Mohan, nguyên Phó Chủ tịch UB Liên chính phủ (Tổ chức được trao giải Nobel Hòa Bình 1997) đến từ Srilanka cho biết, ông là người bạn lâu năm và rất ngưỡng mộ Việt Nam.
“Việt Nam là điểm đến ưa thích của tôi và vợ mình, chúng tôi đến cách đây 20 năm, chúng tôi cảm phục sự đón tiếp ấm áp, hiếu khách cũng như nể phục bản lĩnh kiên cường của người Việt Nam” - GS Mohan chia sẻ với Chủ tịch nước.
Theo ông, phát triển bền vững là đường hướng quan trọng đã được thể hiện trong chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030. Tại hội nghị thượng đỉnh Trái Đất của Liên Hợp Quốc năm 1992, ông Mohan đã đề xuất “tam giác phát triển kinh tế hài hoà”, đây chính là tiền đề cho phát triển kinh tế xanh, bền vững, bao trùm.
Ông đánh giá Việt Nam có đầy đủ có đầy đủ điều kiện tài nguyên, môi trường, con người…cần thiết để trở thành hình mẫu, tiên phong trong phát triển bền vững. Ông cho biết các nhà khoa học luôn sẵn sàng cùng đồng hành với những nhà lãnh đạo như lãnh đạo Việt Nam khi hướng tới tăng trưởng xanh, bao trùm.
Ý thức về trách nhiệm đạo đức trong mỗi quyết sách vì phát triển bền vững
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước chào mừng các nhà khoa học tham dự hội thảo “Khoa học, đạo đức học và phát triển con người”, trong số này có các nhà khoa học với nhiều công trình đóng góp cho thế giới, đặc biệt có nhiều nhà khoa học là nữ.
Hội thảo lần này là một sự kiện đặc biệt nằm trong chuỗi hoạt động của Bộ KH&CN, hưởng ứng Năm Quốc tế Khoa học Cơ bản vì Phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc thông qua 12/2021 và UNESCO công bố chính thức 7/2022.
Chủ tịch nước đánh giá, hội thảo vừa qua đã phân tích sâu sắc vai trò của khoa học, đạo đức trong phát triển với các chủ đề gắn kết thiết thực với đời sống, KT-XH về: Y tế đời sống; Môi trường và đa dạng sinh học; Phát triển bền vững và tài nguyên; Giáo dục khoa học, thử thách, cơ hội và đạo đức; Thông minh nhân tạo và Nâng cấp con người; Công nghệ mới nổi, công nghệ nano, công nghệ sinh học; Khoa học, hòa bình và giải trừ quân bị.
Hội thảo cũng mở ra trao đổi về vai trò của các Nghị viện trong hoạch định chính sách và đề cao giám sát thực thi...
Chủ tịch nước cho biết ông đã lắng nghe phát biểu của những giáo sư, chuyên gia với nội dung đều thể hiện tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ sâu sắc cùng Việt Nam. Ông yêu cầu Bộ KHCN sẽ tiếp thu, tổng hợp các trao đổi tại Hội thảo để tham khảo cho việc xây dựng chính sách, điều hành...
“Các giáo sư đã nêu các vấn đề rất thời sự”, Chủ tịch nước nhận định và nêu một số nội dung quan trọng về đường lối phát triển của Việt Nam gần với chủ đề hội nghị mà các nhà khoa học đã tham dự.
Việt Nam coi “khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt” cho phát triển công nghiệp hiện đại; tăng trưởng cao, bền vững...
Người đứng đầu Nhà nước bày tỏ vui mừng khi chủ đề hội thảo lần này có những nội dung gần với một số quan điểm trong tầm nhìn và Chiến lược phát triển của Việt Nam. Đó là sự gắn kết hài hòa giữa khoa học, nền tảng đạo đức và phát triển với người dân là trung tâm của quá trình phát triển nhân văn – phát triển vì con người.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Việt Nam chú trọng phát triển con người toàn diện, phát huy sức sáng tạo to lớn của người dân, bảo đảm an ninh xã hội, chăm lo sức khỏe, sự an toàn và môi trường sống, nâng cao mức sống người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời tập trung xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người văn hóa mới trong CMCN 4.0”.
“Chúng tôi luôn ý thức về trách nhiệm “đạo đức” trong mỗi quyết sách phải thực sự vì phát triển bền vững, vì lợi ích của người dân khi ứng dụng KHCN hay phân bổ các nguồn lực, tài nguyên, không vì tăng trưởng cao mà hạ thấp lợi ích người dân, phá hủy môi trường...”, Chủ tịch nước nói.
Dẫn chứng trong bão xoáy của dịch Covid-19, Chủ tịch nước cho biết, bên cạnh sự nỗ lực, chung tay của người dân cả nước, Quốc hội Việt Nam đã kịp thời có một số Nghị quyết cho phép Chính phủ ban hành các quy định có nội dung khác với quy định của luật để linh hoạt trong phòng, chống dịch. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm “đạo đức” cao vì người dân, doanh nghiệp của Nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2045 là nước phát triển, vì vậy Chủ tịch nước cho biết đất nước rất cần nguồn lực để phát triển hơn nữa nhất là nguồn lực con người.
“Với ý chí và quyết tâm cao, chúng tôi luôn nỗ lực, vững tin vào con đường đi lên của mình, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và rất mong nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế và của tất cả các bạn thân mến, đặc biệt là các nhà khoa học”, Chủ tịch nước kết luận.