Sáng 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nhiều ý kiến quan tâm đến quy định giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm được hưởng lương hưu cũng như câu chuyện rút BHXH một lần.

Giảm đóng BHXH xuống 10 năm, mức lương hưu thấp quá

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh bày tỏ ủng hộ việc sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 năm. 

Ông cho biết qua khảo sát, việc này tạo điều kiện cho người lao động hưởng lương hưu sớm hơn trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng BHXH từ 15 năm trở lên là phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và được người lao động ủng hộ.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh 

Tuy nhiên ông cũng bày tỏ băn khoăn với một số trường hợp đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu 33,75%.

“Đây là điều mà nhiều người lao động băn khoăn và đề nghị xem xét ở khía cạnh chia sẻ để hỗ trợ với những người khi nghỉ hưu có thu nhập thấp không đảm bảo cuộc sống”, ông Phan Văn Anh nói.

Cùng góp ý về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, một trong những lý do được nêu ra về rút BHXH một lần là do thời gian đóng để hưởng quá dài. Thực tiễn cũng dài và so với thông lệ quốc tế cũng dài.

Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, hiện nay đóng BHXH 20 năm, người lao động đi làm trong lúc khó khăn, thời kỳ đại dịch, họ sẽ tính toán và đôi khi bắt buộc họ phải chọn cái trước mắt bởi thấy 20 năm dài quá.

Do đó, Nghị quyết 28 của Trung ương hướng lộ trình tới 10 năm đóng - hưởng nhưng có đoạn trung gian là 15 - 20 năm.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung bày tỏ: “Chúng tôi cũng mong muốn điều này, nhưng thực sự là rất khó. Nhiều quốc gia, như Hàn Quốc, họ quyết định 10 năm ngay, nhưng nếu chúng ta giảm xuống 10 năm thì e rằng mức lương hưu thấp quá”.

Hiện Chính phủ đang cân nhắc và đương nhiên là theo thông lệ “đóng ít, hưởng ít” nhưng trước hết, trong nhiệm kỳ này sẽ giảm xuống 15 năm cho phù hợp.

Chưa có phương án tối ưu về BHXH một lần

Về BHXH một lần, Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự thảo luật sửa đổi đã đưa ra 2 phương án và cơ quan thẩm tra đã đưa ra 5 quan điểm. Mỗi phương án theo tờ trình phân tích có ưu điểm và các ý kiến, trong đó, phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.

Qua nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội đề xuất một phương án có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của 2 phương án để ra một phương án.

Cụ thể, đối với những người tham gia sau khi luật có hiệu lực không được rút BHXH một lần khi đang trong độ tuổi lao động.

Với người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực được rút, nhưng chỉ rút phần đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

"Việc này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng. Khi đó mạng lưới an sinh sẽ không bị thủng", Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu 5 quan điểm của cơ quan thẩm tra nêu ra.

Ông Phan Văn Anh cũng bày tỏ, đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, xu hướng rút BHXH một lần tăng thời gian qua là thực tế đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp người lao động mà còn tới tình hình kinh tế, an sinh xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động, hai phương án dự luật đưa ra đều theo hướng nhằm hạn chế người lao động rút BHXH một lần. 

“Mỗi phương án đều có ưu, khuyết điểm nhưng chúng tôi đề nghị có nhóm giải pháp đồng bộ hơn nữa hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để đảm bảo cuộc sống như tín dụng ưu đãi, đào tạo, việc làm…”, ông Phan Văn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, vấn đề rút BHXH một lần rất phức tạp, nhạy cảm.

“Trong Bộ luật Lao động nhạy cảm nhất là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, và luật này có lẽ là nhạy cảm nhất. Nếu làm không tốt về tư tưởng, về vận động, thuyết phục và có phương án phù hợp thì dễ xảy ra những điều có thể chúng ta không hình dung hết”, Bộ trưởng nói.

Vì thế, lúc đầu Bộ tính 3 phương án khác nhau, sau ra Chính phủ thảo luận gom lại còn 2 trên cơ sở đảm bảo hài hòa giữa an sinh xã hội lâu dài của đất nước với việc giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt của người lao động. 

Bộ trưởng cho biết thêm, 72% người rút BHXH một lần là ở khu vực phía Nam và miền Trung, tuyệt đại bộ phận là công nhân. “Chúng ta nhìn nhận vấn đề đó để thấy nguyên nhân ban đầu là khó khăn, nên phải tính toán giải pháp”, ông Đào Ngọc Dung phân tích.

Trong 2 phương án trình lên, Bộ trưởng nhìn nhận “chưa có phương án tối ưu”, nhưng ít ra có phương án tạm thời có thể chấp nhận được. Nếu đúng tinh thần Nghị quyết 28 thì phải chọn phương án 2, và cũng là phương án hài hòa với người đóng góp đã, đang và sẽ tham gia.

Nhưng phương án 2 cũng cho người tham gia sau khi luật này có hiệu lực được rút thì cũng không trọn vẹn  

“Ban soạn thảo vừa qua ngồi với rất nhiều cơ quan, tính toán xem trong trường hợp nếu không rút, có thể thay hình thức này bằng cơ chế, hình thức khác để người lao động không phải rút hay không. Ví dụ giải pháp về tín dụng, chúng tôi đã làm việc với ngân hàng nhưng cũng chưa đến tận cùng vấn đề, cần tiếp tục bàn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm.

Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.

Nhóm 1 là người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần, sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung.

Nhóm 2 là người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) không được nhận BHXH một lần.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Nguyễn Thị Thu Hằng, Lê Hồng Hạnh, Trần Quang Ninh, Lê Bích Thủy