Ông Lê Hùng Dũng từng tuyên bố: "Tôi là Phó Chủ tịch tài chính thành công nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Người vượt tôi chỉ có thể là bầu Đức".

Tuyên bố hùng hồn đó làm người ta thấy tin tưởng vào tương lai xán lạn của bóng đá Việt Nam dưới thời của 2 doanh nhân có máu mặt là ông Lê Hùng Dũng và ông Đoàn Nguyên Đức. Và tuy có hơi "nổ" nhưng lời tự khen của ông Dũng khi đó cũng không quá lố bởi ít ra ông đã đem về cho V.League gói tài trợ trung bình 30 tỷ đồng mỗi năm, với thời hạn 3 năm, từ mùa 2011-2013 của Eximbank. Điều mà trước đó những doanh nhân phụ trách công tác tìm kiếm tài trợ cho VFF như Nguyễn Quốc Kỳ hay Lê Văn Thành đều không làm được.

Khi đó lời ông Dũng đề cao ông Đoàn Nguyên Đức có thể vượt được Phó Chủ tịch tài chính thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam cũng được người ta tin là bởi, ông Đức có doanh nghiệp lớn, lại vừa chơi trội chặt bỏ cả cánh rừng cao su đang mùa thu hoạch xây học viện bóng đá. Tâm huyết bao nhiêu năm với bóng đá của ông Đức là cái mà ai cũng có thể nhìn thấy với đội bóng từng 2 lần lên ngôi vô địch HAGL rồi Học viện bóng đá thành công cùng lứa Công Phượng. Vì thế người ta cũng... tin.

{keywords}
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (trái) và Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức.

Khi vận động tranh cử, ông Dũng nhận xét bóng đá Việt Nam đã chạm tới đáy và sẽ công bố kế hoạch chấn hưng bóng đá Việt Nam để sao cho sau 3-4 năm sẽ tốt hơn hiện tại. Ông Dũng cũng tuyên bố sẽ kiếm về cho bóng đá Việt Nam trên 300 tỷ đồng. Xin được nhắc lại khi đó người ta cũng tin ông Dũng bởi mạnh về gạo, bạo về tiền, nói được là làm được, nhất là khi ông Dũng đưa ra dẫn chứng cho thấy chỉ trong vài tháng ông làm Chủ tịch Eximbank, số tiền đã bằng con số cả 20 năm trước và chỉ sau một năm rưỡi đã có thêm được hai Eximbank nữa.

Thế nhưng kể từ ngày 25/3/2014, khi “đôi bạn cùng tiến” Lê Hùng Dũng và Đoàn Nguyên Đức trúng cử chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ cho tới giờ, người ta chưa thấy họ làm được như những gì đã nói.

Cụ thể ngay sau khi nhậm chức, tuyệt đối không thấy Chủ tịch Lê Hùng Dũng công bố kế hoạch chấn hưng bóng đá Việt Nam như trước đó từng nói. Và giờ thì bóng đá Việt Nam như thế nào thì mọi người đã rõ. Sau đó chuyện kiếm tiền của ông Dũng cũng không "nổi" như những gì ông phát biểu trước đó. Eximbank chỉ gia hạn 1 năm tài trợ cho V.League trong mùa giải 2014 ông Dũng trúng cử rồi sau đó là VPF vật vã mãi mới tìm được nhà tài trợ cho mùa giải 2015.

Cho tới giờ sau gần 2 năm nhậm chức, ông Dũng cũng chưa thể thực hiện lời hứa mang về cho bóng đá Việt Nam trên 300 tỷ đồng mỗi năm. Từng có những giai đoạn VFF nợ lương nhân viên, "thắt lưng buộc bụng" vì eo hẹp kinh phí, không tìm được nhà tài trợ.

Và ông Đoàn Nguyên Đức cũng vậy, không chỉ không vượt qua người tiền nhiệm là ông Dũng mà ông Đức đang có nguy cơ... chẳng làm được gì. Trong gần 2 năm qua, người ta chưa thấy vai trò của ông trong chức danh Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ. VFF cũng chưa từng có cuộc họp báo nào công bố nhà tài trợ do ông Đức mang lại.

Giờ thì người ta chỉ thấy ông Đức nổi lên ở những phát ngôn gây sốc về HLV Miura cùng những ấm ức về lứa U19 chưa được trọng dụng. Sau khi bị góp ý về những phát ngôn khiến các CLB khác khó khăn trong việc xin ngân sách, tài trợ cho đội bóng, ông Đức rút kinh nghiệm nên chỉ phát biểu với tư cách cá nhân. Nhưng khổ nỗi, cá nhân ông, giờ đứng trong VFF đang với tư cách của Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ chứ không thể đơn thuần như một người hâm mộ.

Ông Đức từng ấm ức có những người ghen ăn, tức ở ở VFF với lứa U19 rồi nói HLV Miura tệ nhất trong lịch sử các HLV ngoại, rồi đòi thay HLV Miura... Tất cả việc đó là chuyện trong nhà của VFF và cũng là việc trong nhà của người Phó có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam như ông Đức. Nhưng ông Đức cứ hồn nhiên như... người ngoài cuộc và quên mất rằng mình vẫn đang là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ ở VFF.

Và người ta đang đặt câu hỏi không hiểu do đất VFF dữ hay sao mà tình bạn giữa hai ông Dũng và Đức có vẻ không còn như trước. Lẽ ra những chuyện như thế họ có thể nhỏ, to bàn với nhau thay vì "chường" mặt ra giữa bàn dân, thiên hạ?

Theo Zing