Đồng bào dân tộc thiểu số ở Kiên Giang chủ yếu sinh sống ở nông thôn, các vùng sâu, xa và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như biên giới và hải đảo. Đây là địa bàn gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Do đó, chính quyền tỉnh luôn quan tâm và triển khai các chính sách để phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Điển hình nhất là nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018 - 2025, tỉnh đã triển khai tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, với những giải pháp cụ thể nhằm phát triển giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu trong tình hình mới.

dan toc thieu so.jpg
Nâng cấp trang thiết bị giáo dục cần thiết để đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập.

Cụ thể, hệ thống giáo dục đào tạo được đầu tư và phát triển, với 6 trường phổ thông dân tộc nội trú và một Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang. Hiện nay, chất lượng giáo dục tại vùng dân tộc thiểu số đã được nâng cao đáng kể. Môi trường học tập được đầu tư và chính sách hỗ trợ học tập, miễn giảm học phí cho học sinh dân tộc thiểu số được thực hiện đúng quy định. Tỷ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số từ 6 - 14 tuổi đến trường đạt trên 90% mỗi năm.

Từ các dự án, chính sách dân tộc đầu tư, hệ thống trường và lớp học ở vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được nâng cấp trang thiết bị giáo dục cần thiết để đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập. Kết quả thi tốt nghiệp của học sinh dân tộc thiểu số hàng năm đều đạt kết quả tốt ở cả 3 cấp học phổ thông, từ tiểu học đến trung học phổ thông.

Trên địa bàn tỉnh, việc dạy và học chữ Khmer đã nhận được sự quan tâm từ các cấp quản lý và cộng đồng dân tộc Khmer. Hiện có 43 điểm trường dạy song ngữ với 223 lớp, hơn 5.900 học sinh dân tộc Khmer tham gia.

Ngoài ra, có 31 chùa dạy chữ Khmer vào dịp hè, với 297 lớp và hơn 7.000 học sinh dân tộc Khmer tham gia mỗi năm. Tỉnh Kiên Giang cũng hỗ trợ ngân sách để mua sách Khmer ngữ và đảm bảo việc dạy chữ Khmer trong dịp hè.

Ông Danh Phúc, Tỉnh uỷ viên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, để đảm bảo giáo viên có đủ chất lượng và khả năng dạy tiếng dân tộc thiểu số, tỉnh Kiên Giang đã triển khai kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng Khmer. Các trường đại học được kết hợp để đào tạo giáo viên đạt chuẩn trình độ theo quy định và đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số theo các phương thức phù hợp. 

Điều này cũng bao gồm việc bố trí đủ biên chế để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy tiếng Khmer và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng dân tộc thiểu số về các phương pháp đổi mới trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và nâng cao năng lực.

Việt Hùng và nhóm PV, BTV