Đến khi cháu nhận được học bổng và qua Mỹ du học rồi, tôi mới vỡ lẽ mình đã lo gà hóa cuốc.

Gia đình tôi vốn không có truyền thống “vở sạch chữ đẹp”. Hồi còn nhỏ, chỉ cần ngồi luyện chữ một lúc là tôi mất kiên nhẫn. Kết quả là chữ viết tay của tôi khá xấu, nhỏ li ti như con kiến và “ấn tượng” đến nỗi thầy cô không cần nhìn tên, chỉ nhìn chữ cũng nhận ra.

Khi có con, tôi cũng mong các cháu viết chữ đẹp và thường xuyên nhắc nhở con. Tuy nhiên khi thấy các cháu viết không được hoàn hảo cho lắm tôi cũng dễ dàng chấp nhận, bởi điều quan trọng là các cháu vẫn học giỏi và phát triển bình thường.

Tuy nhiên, các thầy cô thì không dễ đồng cảm với quan điểm đó. Mỗi lần họp phụ huynh , cô giáo thường nhắc tôi phải chăm nét chữ cho con, rồi những lời phê “rụng rời” trong vở bài tập của các cháu, những lần tụi trẻ bị phạt tập viết…

Đó là chưa kể tôi lo lắng thót tim khi nghe hôm nào cô sẽ chấm điểm vở sạch, chữ đẹp và phổ biến kỳ thi Nét chữ nết người… Đó là chưa kể cô giáo còn có quy định rất chi tiết cho các cháu cái gì được viết, cái gì không, cái gì phải gạch mấy vạch, cái gì phải bôi đậm… Những quy định này là của riêng từng thầy cô, từng môn nên cháu phải nhớ hết để đáp ứng, để khỏi bị nhắc nhở, phê bình, trừ điểm kiểm tra.

Gia đình tôi phải bàn bạc xem có nên cho con theo học khóa luyện chữ. Tuy nhiên bàn đi bàn lại rồi cũng chẳng cho con học. Bởi vì các cháu đi học bận quá, học bán trú cả ngày chưa kể học thêm, về đến nhà cơm cơm còn ăn vội, thì luyện chữ vào lúc nào. Vả lại, tôi vẫn thấy thời gian còn lại cho con học bơi lội, thể thao, đánh đàn... còn hữu ích hơn.

{keywords}
Viết chữ đẹp có thật sự quan trọng? Ảnh minh họa, nguồn: Ione

Cho đến khi cháu thứ hai thi học bổng trung học Mỹ và chuẩn bị du học, phải viết bài luận nộp cho trường, tôi lại lo thót tim. Lý do vì các trường yêu cầu viết tay. Thế là cháu cặm cụi ngồi viết đến đêm, nhưng dù cố nắn nót đến mấy, chữ cháu vẫn là xấu so với chuẩn vở sạch chữ đẹp long lanh ở Việt Nam.

Đến khi cháu nhận được học bổng và qua Mỹ du học rồi, tôi mới vỡ lẽ mình đã lo gà hóa cuốc. Bởi thầy cô ở trường nói là cháu thuộc hàng viết chữ đẹp (so với các bạn bên Mỹ). Cháu cũng chia sẻ, tại Mỹ viết chữ đẹp, học giỏi các môn học ở trường không phải là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá một học sinh. Học sinh Mỹ luôn được khen ngợi nếu có bất cứ thành tích hay năng khiếu nào, từ thể thao, văn nghệ, hoạt động xã hội cho tới học hành.

Thậm chí, nếu có các thành tích ngoài học hành, học sinh còn được nhà trường và các bạn đánh giá cao hơn. Nước Mỹ không cần các học trò học như con vẹt với thành tích chót vót, mà cần hơn những con người khỏe mạnh, học hành tốt nhưng vẫn tham gia các hoạt động khác tùy năng lực và sở thích, miễn làm sao sống thật với bản thân và phát huy hết tiềm năng của từng cháu.

Và tôi thấy mình đã đúng khi không ép con luyện chữ, vốn không phải năng khiếu của cháu. Bởi mặt trái của viết chữ đẹp có thể làm chậm khả năng tư duy của trẻ, làm các cháu mệt mỏi và chán nản nếu bị gò một chỗ với một hoạt động có thể tạo ra sự nhàm chán. Chưa kể các cháu đã viết xấu càng sợ tập viết khi bị phạt tập viết hàng chục trang mỗi ngày. Hơn nữa, trong thời buổi máy tính được sử dụng mọi lúc mọi nơi như hiện nay, có lẽ chuyện chăm chắm đầu tư cho khoản viết lách của con cái đã thành vô ích.

 Nói như PGS Nguyễn Hữu Hợp[1] trong một bài báo mà tôi khá tâm đắc, thì nên coi chữ đẹp là "phạm trù" thẩm mỹ, không nên coi nó thuộc phạm trù ngôn ngữ. Cần yêu cầu học sinh viết sao cho đủ nét để bản thân và mọi người đọc được là đủ. Ông cũng cho biết, những giáo sư Đức, Australia ông từng trao đổi cho biết nước họ không bắt học sinh viết chữ đẹp, lại càng không có chuyện thi hay "phong trào" viết chữ đẹp.

Bởi vậy, nên chăng chúng ta hãy giảm tải cho học sinh tiểu học ngay từ việc không ép uổng các cháu luyện chữ. Và các cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp” với nhiều phong trào đi kèm tốt nhất nên dành cho các cháu có năng khiếu thẩm mỹ, thay vì cho tất cả học sinh tham gia như hiện nay.

Nguyễn Anh Thi 

>> CÙNG MẠCH BÀI "VIẾT CHỮ ĐẸP CÓ CẦN THIẾT":

---------
[1] Ép học sinh viết chữ đẹp: Được 1 mất 10, VnExpress, 24/2/2014.