Cuộc sống vẫn còn bộn bề khó khăn

Cuộc khảo sát bỏ túi diễn ra trong 1 tuần đã thu hút gần 5.000 lượt độc giả bình chọn và hàng ngàn bình luận đi kèm. Tựu chung có 4 nhóm lí do chính khiến con cái chưa thể báo hiếu cha mẹ như: Tôi không ở gần cha mẹ (33%); Tôi rất muốn chăm lo cho cha mẹ nhưng không sắp xếp được thời gian (10%); Tôi không có đủ khả năng tài chính (35%) và Tôi không có cả thời gian lẫn tài chính (22%).

57% độc giả bình chọn do khó khăn về tài chính nên chưa thể báo hiếu được cha mẹ. 

Nhìn vào cuộc khảo sát dễ thấy, vấn đề khó khăn về tài chính chiếm tới 57% số lượt người bình chọn. Những lí do cụ thể được độc giả đưa ra dưới bài khảo sát là do kinh tế của bản thân còn nhiều khó khăn, con cái vẫn còn nhỏ đang phải nuôi dưỡng, cuộc sống chưa ổn định khi thu nhập thấp, đi làm ăn xa nhưng chi tiêu quá lớn mà chẳng có tiền tích lũy khiến những dự định cho bản thân như mua nhà, mua xe còn chưa làm được chứ nói gì đến chuyện báo hiếu.

Đặng Văn Hân (39 tuổi, quê Kiến Xương, Thái Bình) làm kĩ sư cho một Công ty hóa chất ở Hưng Yên chia sẻ: Bố mẹ anh năm nay đã ngoài 70 tuổi. Nhà có 2 anh em, em gái 35 tuổi, lấy chồng ở quê gần nhà bố mẹ nhưng cuộc sống khó khăn nên cũng chẳng giúp được mẹ cha gì nhiều vì còn phải bận bịu với gia đình nhà chồng và tổ ấm riêng. “Bản thân tôi lấy vợ được 13 năm, nhưng 2 vợ chồng vẫn đang ở nhà thuê tại Hà Nội cho vợ tiện đi làm giáo viên mầm non. Thu nhập của hai vợ chồng có tháng còn không đủ chi tiêu khi tiền học và sinh hoạt của cả gia đình ngày một nhiều”, anh Hân tâm sự.

Cũng theo anh Hân, bố mẹ anh ở quê không có lương hưu. Thu nhập chính từ mấy sào ruộng nhưng giờ già yếu cũng không thể làm được mà phải đi thuê. “Tôi đi làm kĩ sư gần 20 năm nhưng thu nhập cũng chỉ trung bình, dù có ý thức tiết kiệm nhưng chi phí cho sinh hoạt của bản thân, gia đình ngày một lớn cùng trăm thứ phải tiêu khiến hai vợ chồng khá căng kéo nói gì đến chuyện báo hiếu. Mỗi khi về quê mua được cho bố mẹ lọ thuốc, gói bánh mà cứ thấy chạnh lòng và xấu hổ với công dưỡng dục của các đấng sinh thành. May mắn bố mẹ vợ có các anh chị em lo chu toàn nên vợ tôi cũng nhẹ gánh. Về phía nhà chồng, dù rất muốn phụng dưỡng nhưng vợ tôi rất sợ gia đình không kham nổi nếu đưa bố mẹ ở quê lên Hà Nội để tiện chăm sóc”, anh Hân cho biết thêm.

Sự ân hận muộn màng của những đứa con?

Trái ngược với khó khăn về tài chính, 10% số người được hỏi chưa thể báo hiếu đến từ lí do quá bận bịu với công việc và đôi khi là quá đỗi vô tâm với mẹ cha để rồi khi nhận ra thì đã muộn. Lê Trung Hiếu (37 tuổi, quê ở Hải Dương đang là giám đốc một công ty kinh doanh các sản phẩm máy tính tại Hà Nội lại chia sẻ về cảm giác ân hận vì không kịp báo hiếu.

Hiếu kể, bố mẹ anh sinh được 3 người con và anh là út nên được chăm chút hơn khi được học đại học và tạo những điều kiện thuận lợi để làm ăn. Bản thân anh cũng là người con hiếu thảo, ngoan ngoãn từ nhỏ đúng như cái tên bố mẹ anh đặt cho. Tuy nhiên, do quá bận bịu với công việc cộng với sự vô tâm của đàn ông với mẹ cha khiến đấng sinh thành dù không một lời trách móc nhưng cũng có chút muộn phiền. Cách đây 5 năm, mẹ anh mất đột ngột vì căn bệnh ung thư và mới đầu năm vừa rồi cha anh cũng tiếp bước mẹ ra đi khi bất ngờ bị đột quỵ.

“Có lần tôi chạy xe theo sau một người từ Nhà hát lớn ra đến tận cầu Chui (Long Biên, TP.Hà Nội) chỉ vì người này mặc áo và đi xe giống bố, dù thực tế ông đã qua đời được 6 tháng rồi. Có rất nhiều điều tôi muốn nói với bố mà những lần về thăm vội vàng đã không có thời gian ngồi lại để nói, để lắng nghe. Nhà có 3 anh chị em, bố mẹ quý tôi nhất và luôn lo lắng cho tôi, ấy vậy mà đôi khi tôi cứ nghĩ chạy tạt qua nhà, mang những món quà về tặng bố mẹ để dành phần chăm sóc cho 2 anh chị ở quê làm thay là đủ. Nhưng giờ bố mẹ đi xa rồi, tôi lại thèm cảm giác được ở bên họ”, anh Hiếu ân hận kể lại.

Kiều Nga và nhóm PV, BTV