Đại diện Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn nói đa số người dân ủng hộ quy định buộc ô tô phải có bình chữa cháy.

“Từ khi Thông tư 57/2015 có hiệu lực, đa số người dân cùng các cấp ngành đều ủng hộ. Khi mua một bình cứu hỏa, nếu trong nhà xảy ra sự cố có thể lấy ra để dùng hoặc đang đi trên đường, khoảng chục người cùng dùng bình để chữa cháy cho một xe thì rất hiệu quả”. Chiều 12-1, Thượng tá Đỗ Thanh Hải - Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn (C66) trả lời ngắn gọn với Pháp Luật TP.HCM về các ý kiến trái chiều liên quan đến tính khả thi của việc bắt buộc các loại ô tô từ bốn chỗ trở lên phải trang bị bình cứu hỏa, nếu không sẽ bị xử phạt.

Cấm dừng xe chỉ để kiểm tra bình chữa cháy

Trước đó, Đại tá Đoàn Hữu Thắng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ khẳng định với Pháp Luật TP.HCM sẽ không đề xuất dừng hoặc điều chỉnh quy định tại Thông tư 57.

Đại tá Thắng cho rằng ý kiến nêu khi cháy thì chủ xe sẽ chạy để bảo đảm an toàn thay vì chữa cháy là chủ quan, phiến diện. Thực tế nhiều vụ cháy được dập kịp thời là nhờ xe có bình chữa cháy. Trước ý kiến lo sợ nổ bình do khí hậu nắng nóng, Đại tá Thắng cho hay sẽ khảo sát cụ thể.

Ngày 12-1, ông Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật, Cục CSGT (C67) Bộ Công an cũng cho hay ngay sau khi Thông tư 57 có hiệu lực, C67 đã có chỉ đạo lực lượng CSGT trên toàn quốc tuyệt đối không được dừng xe chỉ để kiểm tra thiết bị PCCC của xe. Việc xử phạt hành vi không có thiết bị chữa cháy sẽ được tiến hành kèm theo khi chủ phương tiện có các vi phạm khác.

{keywords}
Kiểm tra, nhắc nhở tài xế trang bị thiết bị PCCC trên ô tô. 

Không có quy định phạt bình sai chuẩn

Theo khoản 2 Điều 41 Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông, các xe không có thiết bị chữa cháy sẽ bị phạt 300.000-400.000 đồng. Khoản 3 điều này có quy định mức phạt 3-5 triệu đồng đối với hành vi trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện phòng cháy không đúng chuẩn. “Mức xử phạt này là áp dụng cho các công trình, nhà xưởng chứ không áp dụng cho phương tiện giao thông. Nghĩa là không phải các loại ô tô trang bị bình chữa cháy không đúng chuẩn sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng” - Thượng tá Nhật giải thích.

Theo ông Nhật, hiện chỉ có duy nhất quy định về mức phạt 300.000-500.000 đồng đối với phương tiện giao thông không có thiết bị PCCC. “Việc trang bị không đúng chủng loại, mẫu mã theo quy định hoặc chưa được kiểm định cũng là vi phạm nhưng chưa có quy định xử phạt cụ thể về hành vi này” - ông Nhật nói.

Tuy nhiên, theo ông Nhật, hiện tại lực lượng CSGT mới chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền và nhắc nhở người dân chấp hành thông tư này chứ chưa xử phạt.

Một kỹ sư cơ khí đang làm việc ở một hãng ô tô có tiếng của Nhật Bản cho biết nhiều mẫu xe dưới chín chỗ không thiết kế chỗ để bình chữa cháy. “Các hãng sản xuất trước khi xuất xe ra đều kiểm tra chặt chẽ về an toàn. Cạnh đó, trước khi xe lăn bánh còn đăng kiểm nên khi xe đạt chuẩn thì việc cháy nổ rất hiếm xảy ra” - kỹ sư này nói.

Thông tư 57 chỉ quy định dung tích, khối lượng tối đa của bình cứu hỏa mà không quy định mức tối thiểu nên nhiều người sẽ đối phó bằng cách trang bị bình chữa cháy mini. “Nếu xe cháy, chưa hẳn có ai đủ can đảm lấy bình xịt để chữa cháy. Tôi nghĩ lúc này hầu hết đều sẽ chạy nhanh, thoát thân. Việc còn lại thì để… bảo hiểm lo” - ông Lê Hoàng Đệ (quận 7, TP.HCM), người có chiếc ô tô bốn chỗ, nói.

Theo ông Đệ, điều quan trọng là cần phòng ngừa từ việc quy định các tiêu chuẩn an toàn đối với các loại phương tiện giao thông. Kế đến là việc kiểm soát, đăng kiểm chứ không cần phải buộc “mỗi xe có một bình chữa cháy mini”. Thứ nữa, nhiều đô thị thiếu bãi giữ xe có mái che nên ô tô phải đậu nhiều giờ giữa trời nắng dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Theo Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT (có hiệu lực từ 1-1-2015), các loại xe ô tô kinh doanh vận tải (xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe đò, xe buýt, xe tải, xe container) phải có bình chữa cháy mới được cấp phép kinh doanh. Một chủ xe chạy ở Bến xe Miền Đông cho biết từ đầu năm 2015 dàn xe khách 30-45 chỗ của đơn vị đã được gắn bình chứa bột chữa cháy 4-6 kg. Nhưng theo Thông tư 57 thì mỗi xe khách này phải gắn thêm một bình dưới 4 kg và thêm một bình trên 4-6 kg; ngoài ra mỗi xe phải có thêm hai bộ găng tay chữa cháy, hai khẩu trang lọc độc.

“Thông tư 57 buộc lắp thêm bình, thêm găng tay, khẩu trang là quá nhiêu khê. Theo lẽ thường, khi xe bị sự cố cháy thì cả lái, phụ xe phải lo thoát ra, đưa hành khách ra khỏi xe trước, còn thời gian đâu mà cứu xe. Cứu được người, dù xe cháy rụi là phước lớn lắm rồi” - vị này nói.

Theo PL TP.HCM