Hai phương án là xây dựng bãi cát dưới chân Tháp Rùa để “cụ” rùa tự bò lên và
dùng lưới mềm đưa “cụ” lên bờ chữa trị vết thương đang được triển khai, nhưng
theo Giáo sư Hà Đình Đức – người đang trực tiếp chỉ huy chiến dịch này, chưa thể
đưa “cụ” rùa lên bờ trong một vài ngày tới. Báo QĐND Online đã có cuộc trò
chuyện với Giáo sư về những vấn đề liên quan đến “cụ” rùa đang được dư luận quan
tâm. VietNamNet xin trích đăng lại bài phỏng vấn này.
- Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tải
hình ảnh vết thương trên thân “cụ” rùa, Thành phố Hà Nội cũng đang ráo riết vào
cuộc để cứu một cá thể rùa mai mềm gắn với văn hóa tâm linh của Hà Nội. Theo ông
hai phương án đưa “cụ” rùa lên bờ như trên liệu có khả thi?
Tôi cho rằng phương án xây dựng bãi cát dưới chân Tháp Rùa để “cụ” rùa tự bò lên là khả thi hơn cả bởi làm như vậy, “cụ” không bị chấn động, ảnh hưởng đến sức khỏe. Phương án này không thể một sớm một chiều là hoàn thành mà quan trọng là làm sao xây dựng thật tốt khu vực “bãi đáp” để “cụ” dừng chân. Còn biện pháp dùng lưới mềm để đưa cụ lên bờ chỉ là biện pháp bất khả kháng, không an toàn. “Cụ” rùa không đơn thuần là một cá thể rùa mà gắn với văn hóa tâm linh của người Hà Nội, bởi vậy tôi tin rằng khi xây dựng xong bãi cát tự nhiên thì “cụ” rùa sẽ tự bò lên và lúc đó các bác sĩ thú y sẽ vào cuộc để chữa trị.
Theo Giáo sư Hà Đình Đức, chưa thể
đưa “cụ” rùa lên bờ trong một vài ngày tới - Ảnh: Hoàng Long
Gần 60 năm gắn bó với Hà Nội và 20 năm chuyên nghiên cứu về rùa hồ Gươm nên tôi hiểu khá rõ về cá thể rùa này. Trong sổ theo dõi của tôi ghi cụ thể những lần “cụ” rùa nổi, từ năm 2006 đến 2009 “cụ” rùa nổi trung bình 72 lần/năm; năm 2010 nổi 134 lần; tháng 1-2011 “cụ” nổi 14 lần, tháng 2-2011 “cụ” nổi 24 lần, có ngày nổi tới 4 lần; ngày 1 đến 3-3-2011, “cụ” nổi 9 lần. Điều này chứng tỏ rằng “cụ” rùa đang bị đau đớn quá và muốn lên bờ lắm rồi. Tôi vô cùng xót xa khi chứng kiến những vết thương nham nhở trên chân, mai “cụ” trong lần “cụ” nổi ngày 3-3.
Nước ta có nền y học rất phát triển, nhiều bác sĩ
thú y giỏi, tâm huyết với nghề. Vì vậy không nhất thiết phải mời chuyên gia nước
ngoài tham gia vào việc này. Tôi nghĩ mấy vết thương trên thân thể “cụ” rùa là
do trong quá trình di chuyển trong hồ đã va vào các chướng ngại vật. Những vết
lở loét này tiếp tục bị rùa tai đỏ tấn công. Rùa tai đỏ là một trong 100 loài
động vật nguy hiểm xâm hại rùa bản địa bởi nó gây xáo trộn môi trường sinh thái,
ăn hết thức ăn của rùa hồ Gươm. Vì vậy, việc tiêu diệt rùa tai đỏ, làm sạch hồ
Gươm là việc làm rất cần thiết trong lúc này.
Những vết thương của “cụ” rùa là những vết thương cơ học, bị nhiễm trùng. Trong
quá trình chữa trị, các bác sĩ thú ý sẽ lấy bệnh phẩm để phân tích và đưa ra
phác đồ điều trị đúng hướng. Sau khi hoàn thành các công đoạn chữa trị sẽ gắn
chíp định vị để theo dõi “cụ” rùa và lấy tế bào da xét nghiệm ADN để xác định độ
tuổi của “cụ”.
- Sinh, lão, bệnh, tử, là quy luật của tạo hóa, có ý kiến cho rằng nên nhân giống rùa hồ Gươm để lưu truyền cho muôn đời sau, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Nhiều người cho rằng rùa hồ Gươm có ở Trung Quốc, Đồng Mô… nhưng tôi khẳng định “cụ” rùa là động vật quý hiếm chỉ có duy nhất ở hồ Hoàn Kiếm. Tôi đã chụp nhiều hình ảnh về loài rùa mà một số người cho rằng cùng “họ” với rùa hồ Gươm thì thấy “cụ” rùa của chúng ta hoàn toàn khác. Hiện nay các nhà khoa học trong nước và thế giới mới chỉ nhân bản một số động vật khác chứ chưa có nhân bản rùa.
Trong quá trình thi công làm sạch hồ Gươm, chúng tôi đã tháo 48 hệ thống đèn trang trí dưới chân Tháp Rùa. Sau này khi lắp điện vào khu vực này phải có sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng chứ không thể mắc đèn điện bữa bãi, ảnh hưởng đến “cụ” rùa. Thời gian tới sẽ hạn chế tối đa việc đi lại ra Tháp Rùa.
Hiện chưa có một văn bản nào khẳng định rùa hồ
Gươm là động vật được bảo vệ và “cụ” rùa đang phải sống “ngoài vòng” pháp luật.
Vì vậy, sau khi hoàn thành việc cứu chữa “cụ” rùa phải áp dụng những biện pháp
bảo vệ loài động vật này khỏi những tác nhân gây hại.
(Theo QĐND)
Cận cảnh dựng "phòng bệnh" cho cụ rùa
Hình ảnh cụ rùa gác chân lên bờ
Ra giữa Hồ Gươm xem “nhà mới” cụ rùa
Hơn 10 sở, ngành tham gia cứu cụ rùa