Diễn đàn "Làm thế nào để có trường học hạnh phúc?" hiện vẫn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả VietNamNet.

Dưới đây là những chia sẻ của độc giả Nguyễn Tiến Đạt (nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả).

Ảnh: Thanh Hùng

Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Vinh năm 1978, tôi được Bộ Giáo dục điều động vào Lâm Đồng công tác và có nhiều năm dạy THPT tại Đà Lạt. Thời đó, mối quan hệ giữa thầy cô giáo với học sinh, giữa nhà trường với phụ huynh hết sức thân thiện, gắn kết – tạo nên một môi trường giáo dục thật ý nghĩa, không chỉ là niềm vui riêng của đội ngũ “thay Đảng rèn người”, mà còn là lòng tin, hy vọng của thế hệ trẻ học đường, của các bậc sinh thành khi con em đến lớp.

Truyền thống tôn sư trọng đạo là truyền thống lâu đời của người Việt Nam, được cổ nhân răn dạy “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nhắc nhở muôn đời hãy ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của thầy cô giáo, bởi “Không thầy đố mày làm nên”. Hệ thống giáo dục quốc dân thuộc phạm vi điều chỉnh qua mối quan hệ biện chứng “Hội đồng sư phạm – Học sinh - Phụ huynh”, rộng hơn nữa là kết hợp với giáo dục xã hội. Nếu thiếu hoặc lơi lỏng một trong các yếu tố trên, hiệu quả giáo dục toàn diện tác động lên học sinh sẽ suy giảm, thậm chí phát sinh tiêu cực.

Để có trường học hạnh phúc, trước hết, nhân tố quyết định là chuẩn mực người thầy.

Bước chân qua cổng trường, rồi bắt đầu vào giờ học, tâm trạng học sinh có phấn khích, có thanh thản, nhẹ nhàng, hồ hởi hay không phụ thuộc vào hình ảnh, phong cách, thái độ của giáo viên. Từ cử chỉ, lời nói, hành vi suốt quá trình truyền thụ kiến thức trong tiết học sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho học sinh tiếp thu.

Đừng bao giờ có ý nghĩ định kiến với học sinh, cho dù học sinh “cá biệt” đi chăng nữa, đưa các em hòa nhập, tiến bộ mới là mục tiêu mà chúng ta hướng tới.

Ngoài xã hội, thầy cô giáo tất tả mưu sinh, bươn chải tăng thêm thu nhập chính đáng để lo toan cho gia đình là việc ai cũng trân trọng. Tuy nhiên, dù làm thêm gì, dù ở đâu, người thầy cũng luôn nhớ đặt mình vào cương vị “nhà giáo” trong giao tiếp, ứng xử - nghĩa là phải “chuẩn mực”. Đây là điều cần thiết nhất, không phải đòi hỏi khắt khe đâu! Không ai khẳng định vị thế người thầy, không ai trả lại vị thế người thầy bằng chính bản thân chủ thể của bục giảng. 

Thứ hai, là ứng xử của phụ huynh với nhà trường.

Quan niệm của các bậc cha mẹ bây giờ cũng có nhiều thay đổi, điển hình là một bộ phận khá phổ biến nặng về xu thế “con em mình phải hơn con em người”. Đặc biệt, dịp tổng kết năm học phải xuất sắc nhất, nhận nhiều giải thưởng nhất. Vì thế nên dẫn đến ganh đua bằng mọi giá, nhiều gia đình tạo mối liên hệ mật thiết với giáo viên chủ nhiệm, gửi gắm… Không ít trường hợp con em sai phạm về đạo đức, hạn chế về chất lượng kiến thức, khi giáo viên chủ nhiệm trao đổi, thay vì hợp tác thì cha mẹ lại nổi giận, trút hết tội lỗi cho thầy cô giáo, thậm chí sử dụng trang mạng xã hội tung tin, đe dọa, xúc phạm đến cả nhà trường, gây nhiễu loạn dư luận. Quá đau lòng! Phải chi sự việc như vậy, bậc sinh thành hãy bình tĩnh, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân, trực tiếp gặp giáo viên chủ nhiệm trên tinh thần xây dựng, tất cả vì tương lai con em, bàn bạc giải pháp khắc phục, để gột rửa tâm hồn non trẻ, hướng về phía trước, chắc chắn sẽ đạt được mục đích đào tạo, mục tiêu giáo dục để con em đứng vững, trưởng thành.

Một khi dưới mái trường tập hợp đội ngũ thầy cô giáo chuẩn mực, kiến tạo tâm lý học sinh hứng khởi “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Một khi từng phụ huynh cân nhắc, phân tích cặn kẽ bản chất vụ việc nếu con em phạm lỗi, ứng xử hài hòa, nhân văn cùng giáo viên chủ nhiệm, cùng hội đồng sư phạm nhà trường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, thường xuyên quan tâm đến học tập, rèn luyện của học sinh, ắt hệ quả tất yếu là chất lượng giáo dục toàn diện sẽ đáp ứng yêu cầu, phản ánh trung thực kết quả một năm học, một khóa học. 

Cuối cùng, để giáo viên chú tâm vào nghiệp trồng người, để cha mẹ an tâm lao động sản xuất, an tâm công tác khi con em ngồi trên ghế nhà trường, xin Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm thay đổi cách phân loại, đánh giá thi đua của hệ thống giáo dục, kể cả thầy và trò.

Xin đừng lấy số lượng học sinh giỏi, học sinh xuất sắc làm yếu tố quyết định khen thưởng, quyết định “thương hiệu” nhà trường, gây áp lực vô hình nhưng quá nặng nề, cuối năm học cứ đến hẹn lại… lo. Thời chúng tôi đi học những năm 70 thế kỷ trước, mỗi lớp chỉ có vài ba học sinh tiên tiến, được biểu dương khen thưởng, nhưng tình thầy trò, tình bạn, tình cảm phụ huynh với nhà trường luôn toát lên truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong sáng, lành mạnh.

Thầy cô là tấm gương sáng. Cha mẹ hài hòa, ứng xử nhân văn, thực sự tôn vinh những người miệt mài dạy dỗ con em mình. Điểm số phản ánh trung thực chất lượng giáo dục cho học sinh - nền móng bền vững xây đắp, hình thành, củng cố và phát triển thế hệ trẻ học đường chăm ngoan, biết kính trên, nhường dưới, quý trọng tình bạn. Trường học hạnh phúc khi hội tụ đầy đủ các yếu tố biện chứng, khách quan đó.

Nguyễn Tiến Đạt

Ban Giáo dục Báo VietNamNet mở diễn đàn "Làm thế nào để có trường học hạnh phúc?".

Bạn đọc có ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn.

Xin chân thành cảm ơn. 

Khi bạo lực khoác tấm áo 'yêu thương học trò'

Khi bạo lực khoác tấm áo 'yêu thương học trò'

Khi việc dùng đòn roi được ẩn dưới cái áo tình yêu, trách nhiệm, và nhờ đó được cổ xúy, thì tư tưởng dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề, và tư tưởng kẻ có sức mạnh, có vị thế luôn đúng đã được nhen nhóm trong các em học trò.