Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở Bình Dương qua hơn 4 năm thực hiện đã đạt được những kết quả khả quan. Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 3.806 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,31%. Từ năm 2016 đến cuối năm 2019 toàn tỉnh giảm được 3.102 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh.
Dự kiến cuối năm 2020, toàn tỉnh giảm 4.556 hộ nghèo, đảm bảo giảm tỷ lệ hộ nghèo theo mục tiêu của giai đoạn đề ra, cơ bản không có hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương, không có hộ tái nghèo.
Mô hình trồng hoa cho thu nhập cao ở Bình Dương. |
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 hơn 1.286 tỷ đồng. Tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả thông qua các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: Tín dụng ưu đãi, hỗ trợ y tế, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ giáo dục; dạy nghề, tạo việc làm, phát triển sản xuất… Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, các ngành chức năng đã tư vấn cho gần 30.000 lao động, giới thiệu việc làm cho hơn 12.000 lao động; giải ngân 4.449 tỷ đồng cho hộ nghèo, học sinh, sinh viên… vay vốn; miễn giảm học phí cho trên 54.000 lượt học sinh, sinh viên là con hộ nghèo; hỗ trợ xây và sửa chữa 537 căn nhà cho hộ nghèo; mở 114 lớp dạy nghề cho hơn 2.200 học viên tham gia…
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đầu cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo còn dưới 2,5% theo chuẩn đa chiều mới của tỉnh giai đoàn 2021-2025. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh đề ra những nhóm giải pháp: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ giáo dục và đổi mới hình thức đào tạo nghề cho người nghèo, người cận nghèo…
Bình Dương đã có nhiều mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 cho các hộ nghèo, cận nghèo cũng được sở triển khai đến từng địa phương kịp thời như: Các dự án, chính sách hỗ trợ người nghèo về vốn vay ưu đãi, các mô hình sinh kế, hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động… Cùng với đó, các địa phương cũng tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập.
Các chương trình, mô hình giảm nghèo hiệu quả, đang tích cực để triển khai nhân rộng: Mô hình "Dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo dựa vào cộng đồng"; "Hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, người cận nghèo" hay " Hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo" (ung thư, chạy thận, bệnh tim)… Ngoài ra, sở cũng tích cực phối hợp với các hội, ngành, đoàn thể các cấp và các tổ chức phi chính phủ, hội từ thiện (như tổ chức Holt, Tzu Chi...) tiếp tục khảo sát hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ cây, con giống cho người nghèo, người cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ, phương tiện sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hiện Bình Dương là một trong 06 địa phương của cả nước có chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn chuẩn nghèo Quốc gia (gấp 1,7 lần). Tỉnh cũng đã sửa đổi bộ công cụ đo lường nghèo đa chiều theo hướng cụ thể hóa, sát hợp hơn, phản ánh được thực trạng, mức sống của cư dân, hộ gia đình theo đặc thù của địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Trúc Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 đề nghị các ngành, các cấp, tổ chức chính trị trên địa bàn tỉnh cần đổi mới nhận thức, cách làm vận dụng linh hoạt các chính sách trong công tác giảm nghèo. Đồng thời tập trung rà soát các mô hình sinh kế hiệu quả, triển khai nhân rộng chuyển giao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tăng cường xã hội hóa trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo…
Anh Phương