Nhà đầu tư cá nhân rút 6.000 tỷ khỏi chứng khoán

Tại tọa đàm về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sáng 27/9, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, cho hay, hàng chục nghìn người sử dụng các sản phẩm tài chính của đơn vị này đang có sự thay đổi về nhận thức cũng như động thái đầu tư.

Theo đó, khoảng 3-4 tháng qua, người dùng quan tâm nhiều tới những dải dữ liệu, biến số vĩ mô. Từ những dữ liệu này, nhà đầu tư tìm kiếm thông số liên quan đến các ngành kinh tế có cổ phiếu tiềm năng. Không phải cứ DN làm ăn tốt sẽ có giá cổ phiếu tăng ở thời điểm này. Kiến thức của nhà đầu tư F0 được nâng lên nhiều so với trước. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu thêm tài chính DN để nắm bối cảnh và cơ hội đầu tư ngắn hạn, 6 tháng hay 1-2 năm.

Bàn về diễn biến thị trường, ông Đào Minh Châu - Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research - nhận định, TTCK từ đầu năm 2022 đến nay có xu hướng điều chỉnh, sau khi tăng trưởng rất tốt vào năm 2020-2021.

Tính đến cuối tuần trước, VN-Index đã giảm khoảng 21% so với đầu năm. Các ngành đóng góp chính vào sự sụt giảm chung của thị trường là vật liệu cơ bản, ngân hàng, bất động sản - những ngành rất nhạy cảm với chu kỳ của nền kinh tế. Trong khi đó, những ngành phòng thủ như tiện ích, tiêu dùng, CNTT đang duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định, ít phụ thuộc vào chu kỳ hơn.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân đã rút tiền khỏi thị trường chứng khoán (ảnh minh họa: Hoàng Hà)

Thanh khoản trung bình 9 tháng đầu năm của VN-Index đạt khoảng 19.000 tỷ, giảm 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thanh khoản của tháng 9/2022 đạt 13.000 tỷ, giảm rất mạnh, khoảng 60% so với mức đỉnh đạt được vào tháng 11/2021.

Thanh khoản thị trường giảm do nhiều yếu tố, quan trọng nhất là dòng tiền thuyên giảm từ nhà đầu tư cá nhân, lượng tiền mới đổ vào ít hơn giai đoạn trước. Mặt khác, nhà đầu tư cá nhân cũng đang có xu hướng rút tiền ra. Dẫn chứng, từ tháng 4-8/2022, nhà đầu tư cá nhân liên tục rút ròng với tổng giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng. Lý do là bởi nhiều yếu tố cùng xảy ra một lúc, như bối cảnh dòng tiền thắt chặt, lãi suất tăng dẫn đến chi phí đầu tư tăng; kênh đầu tư chứng khoán đang kém hấp dẫn hơn so với trước; nhà đầu tư rút tiền ra để quay lại sản xuất kinh doanh. 

Nhiều rủi ro, nên rót tiền vào đâu?

2021 là một năm đầy biến động của thị trường chứng khoán, mà chính những nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng không thể lý giải được. Bên cạnh cá nhân tham gia đầu tư bình thường, xuất hiện những tổ chức tạo sóng để trục lợi. Điển hình là nhóm Louis tạo nhiều tài khoản chứng khoán, tự mua tự bán, đẩy giá lên nhằm lôi kéo nhà đầu tư cá nhân rót tiền vào, rồi nhóm này lại bán ra trục lợi.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, khá nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm đã mất tiền trên TTCK. Thời điểm hiện tại, những biến số vĩ mô từ trong và ngoài nước khiến thị trường càng trở nên khó đoán định. Nhiều câu chuyện đầu tư được quan tâm đang diễn biến không như kỳ vọng, chứng khoán Việt thiếu vắng những thương vụ lớn, nâng hạng thị trường còn nhiều việc phải làm.

Nhà sáng lập FIDT - ông Huỳnh Minh Tuấn phân tích, thời điểm này, tùy khẩu vị từng người, đầu tư thì rủi ro cao hơn. Đối với những khách hàng đã về hưu, gửi tiền tiết kiệm là lựa chọn siêu an toàn, ngủ ngon. “Giờ này mà để các cô chú, các bác tim đập loạn xạ theo thị trường chứng khoán thì không ổn”, ông Tuấn chia sẻ kinh nghiệm quản lý dòng tiền.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên điều chỉnh lại kỳ vọng, không thể nào cổ phiếu cứ đòi 5-7 phiên nhân đôi giá như trước, “cần quay lại mặt đất”. Trong 1 năm, DN tăng trưởng hiệu suất lắm cũng chỉ được 25% lợi nhuận, giờ chi phí đầu vào tăng, may ra đạt 15% lợi nhuận là mừng. Nhà đầu tư chỉ nên kỳ vọng thị giá cổ phiếu tương tự tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của DN. Không thể có DN một năm tăng trưởng lợi nhuận 15% mà giá cổ phiếu tăng 50-100% hay gấp 2-3 lần.

Đối với chứng khoán, đây là lĩnh vực đầu tư của sự kỳ vọng, tức là sẽ đi trước nền kinh tế vĩ mô từ 1-3 quý. Nếu thực sự muốn phòng thủ, ăn no ngủ kỹ thì giai đoạn này, tiền gửi tiết kiệm là hợp lý cho tới cuối quý I/2023. Lúc đó, các chính sách tiền tệ đã đi qua quý IV/2022 đầy giông bão. 

Theo quan điểm của ông Tuấn, ngành bán lẻ cũng như xây dựng thời điểm này khá “chua”. Đối với bán lẻ, nên lựa chọn các DN có chất xúc tác riêng, ví dụ mở ra lĩnh vực kinh doanh mới mà nhu cầu đang tốt. Đối với xây dựng, cần lựa những mã cổ phiếu an toàn, không nợ hoặc nợ rất ít, tài chính lành mạnh, đơn vị nào có năng lực đàm phán các dự án lớn. Lúc này, gánh nợ nghìn tỷ mà chỉ cần nhích 0,5% lãi suất đã đủ đau đầu DN.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, nên chọn các ngân hàng có NIM (Net Interest Margin - biên lãi ròng) tốt, mức độ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu hoặc các đơn vị đang có hệ sinh thái chuyển đổi số.

Còn Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research cho rằng, nhà đầu tư cần quan tâm nhóm ngành cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công, như xây dựng hay vật liệu xây dựng. Chú ý lưu tâm những nhóm cổ phiếu có ngành nghề liên quan chặt chẽ đến đầu tư công, ít phụ thuộc vào các kênh dự án bất động sản, do thanh khoản cũng như triển vọng của thị trường địa ốc sẽ tiếp tục khó khăn trong cuối năm nay và kéo dài cho đến hết năm 2023.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu liên quan tới các khu công nghiệp cũng dự báo lợi nhuận đạt mức tăng trưởng cao trong nửa cuối năm nay và ít nhất nửa đầu năm sau. Bên cạnh đó, cần lưu ý tới những mã cổ phiếu có vị thế tiền mặt lớn, nhóm này không bị ảnh hưởng nhiều bởi lãi suất tăng, thậm chí có thể hưởng lợi khi thu nhập thêm từ hoạt động gửi tiền tăng.