“Chúng ta có văn chương và có cả rác rưởi, rác văn chương đang hơi
nhiều, rác phá nhà văn, phá độc giả, tấn công cả ban giám khảo nhưng
chưa thấy ai lo dọn rác”, nhà thơ Vũ Quần Phương.
Ngày 28/5, Viện văn học Việt Nam tổ chức Hội thảo sáng tác văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới: Thực trạng và triển vọng. Hội thảo thu hút được nhiều gương mặt ưu tú trong làng văn học Việt Nam.
Với hơn 70 tham luận, trọng tâm của hội thảo lần này tập trung phân tích, đánh giá thực tiễn sáng tác văn học đổi mới, vì hơn lĩnh vực nào khác của đời sống văn học. Đây là lĩnh vực năng động nhất, dấu ấn đổi mới hiện lên rõ nét nhất.
Nhìn từ lực lượng viết
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học nhận định văn học thời kỳ đổi mới đạt được nhiều thành tựu quan trọng, gắn liền với sự đổi mới tư duy và tinh thần đối thoại, về chiều sâu nhận thức và ý thức đổi mới diễn ngôn nghệ thuật, về sự đa dạng của các khuynh hướng và giọng điệu.
Tuy nhiên, văn học thời kỳ này cũng còn nhiều hạn chế, trong đó đáng lo ngại nhất là xu hướng thương mại hóa, đơn giản trong miêu tả hiện thực, thiếu những kết tinh nghệ thuật tầm cỡ, văn hóa tranh luận còn nhiều vấn đề.
GS Phong Lê, Viện Văn học lưu ý rằng, đổi mời và hội nhập là hai thời kỳ khác nhau. Cần đặt văn học đổi mới trong tổng thể văn học Việt Nam hiện đại để thấy tính kế thừa và tính chuyển đổi (hoặc đứt đoạn) của nó.
GS Phong Lê đưa ra những quan sát bộ phận trong từng khu vực nhìn từ lực lượng viết từ sau năm 1995 tới 2000 thì sự xuất hiện một thế hệ mới bên cạnh 4 thế hệ cũ đang đóng vai trò chủ lực, với những đặc trưng riêng và những khoảng cách giữa họ với tất cả những thế hệ trước.
Không ăn đời ở kiếp với nghề
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp nhấn mạnh so với thế hệ trước các nhà văn trẻ có nhiều ưu thế hơn về các phương diện như học vấn, trình độ cập nhật thông tin, khả năng tham dự giao lưu văn hóa toàn cầu, điều kiện xuất bản, nhưng họ lại thiếu sự trải nghiệm, sự say mê “ăn đời ở kiếp” với nghề.
“Khi mà cái gọi là văn học mạng đã là một thực tế, không ít cây bút viết xong là ngay lập tức đưa lên mạng, hoặc, sau một thời gian “viết chơi”, hết hứng, bèn bỏ bút đi làm nghề khác. Cái gọi là sinh nghề tử nghiệp xem ra không còn quá quan trọng đối với nhiều cây bút trẻ”, ông Điệp nói.
PGS.TS Võ Văn Nhơn, Đại học quốc gia TP.HCM cho hay vài năm gần đây cụm từ “văn học thị trường” xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông để chỉ những sáng tác văn học nặng tính giải trí, được số đông độc giả ưa chuộng nhưng ít có giá trị nghệ thuật.
Nhà thơ Vũ Quần Phương thì lo ngại cho rằng từ sau năm 1975, nền văn chương không còn phải đấu tranh định hướng nữa, đất nước đã liền thành một dải, nhưng văn chương về với văn chương thế nào đây? “Chúng ta có văn chương và có cả rác rưởi, rác văn chương đang hơi nhiều, rác phá nhà văn, phá độc giả, tấn công cả ban giám khảo nhưng chưa thấy ai lo dọn rác”.
Các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có xếp vào là văn học thị trường?
Tuy nhiên, nhà thơ Vi Thùy Linh lại cho rằng văn học đã mở cửa nhưng rất ít nhà văn dám là mình, dám sáng tác solo mà chỉ đi đồng bước trong dàn đồng ca. Rất ít người dám đổi mới bởi lệ thuộc vào các cơ chế xin cấp phép xuất bản. "Tôi xin hỏi như trường hợp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì chúng ta xếp vào đâu? Sách của ông luôn luôn bán chạy nhất, bản thảo chưa có nhưng nhà xuất bản đã đặt trước tiền, vậy ông có phải nhà văn thị trường hay không? Các nhà văn phải đổi mới mình, thị trường đang sôi động ngoài kia nên các nhà văn cần phải xung kích, náo động, quyến rũ và bớt hèn nhát hơn", Vi Thùy Linh nói.
Đổi mới chính là hơi thở
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Hội nhà văn Việt Nam cho rằng, đổi mới là bản chất của nghệ thuật, là nhu cầu tự thân của hầu hết các nhà thơ và như là hơi thở. Vì là hơi thở nên nó vừa là một quy luật vừa là lẽ tự nhiên.
Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: "Dù khó tính đến đâu, vẫn phải thừa nhận giữa văn học thời kỳ đổi mới và văn học giai đoạn trước đó có sự khác biệt rõ nét với nhiều bứt phá theo hướng hiện đại, khả năng hội nhập quốc tế của văn học được tăng cường. Nhưng văn học thời kỳ đổi mới cũng còn nhiều hạn chế, trong đó, đáng lo ngại nhất là xu hướng thương mại hóa, đơn giản trong miêu tả hiện thực, thiếu những kết tinh nghệ thuật tầm cỡ, văn hóa tranh luận còn nhiều vấn đề