"TP.HCM có gần 10 triệu dân, để quản lý chúng ta chia nhỏ ra thành quận rồi phường. Chính cách chia nhỏ, "xẻ thịt" gây ra những chuyện buồn cười".

Bài 1: Sài Gòn có nên mặc chung áo

LTS: Ông Võ Văn Thôn, nguyên giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM được xem là người đầu tiên ở TP.HCM đưa ra đề xuất xây dựng chính quyền đô thị (CQĐT) từ rất sớm, lúc còn là Chủ tịch một quận của thành phố.

{keywords}
Ông Võ Văn Thôn. Ảnh: Duy Chiến

Ông Thôn chia sẻ: "Lâu nay tất cả tỉnh thành trong cả nước đang chung một mô hình chính quyền, dùng chung luật Chính quyền nhân dân cho cả đô thị và nông thôn. Thực chất mô hình chính quyền như vậy phù hợp với nông thôn hơn là đô thị.

Ngay trong đề án ban đầu hồi tôi còn làm chủ tịch UBND Q.3 tôi đã nói rõ, đô thị và nông thôn rất khác nhau cho nên chính quyền đô thị (CQĐT) và chính quyền nông thôn (CQNT) cũng phải khác nhau, cũng như đàn ông phải khác đàn bà, quần áo ăn mặc và sinh hoạt phải khác...

Ông có thể nói rõ hơn, bởi phân biệt sự khác nhau về tổ chức mô hình nhà nước cũng nhằm mục đích phát huy tối đa nội lực của các địa phương?

Dễ hiểu thôi, đô thị luôn phát triển hơn nông thôn, văn minh và hiện đại hơn. Xu hướng chung trên toàn thế giới là nông thôn phát triển lên một mức độ nào đấy sẽ thành đô thị. Nhiều nước đã không còn chính quyền nông thôn nữa ngay trên vùng nông thôn. Về nông thôn nhưng quản lý là mô hình chính quyền đô thị hết. Họ làm như vậy là để thúc đẩy nông thôn phát triển nhanh hơn.

Ở ta, sau một thời gian dài "mặc chung" chiếc áo và làm kìm hãm sự phát triển của đô thị.

CQĐT cũng phải khác, mới quản lý phù hợp chứ. Bắt CQĐT cũng như nông thôn chẳng khác chi anh bắt cơ thể phát triển mạnh mẽ phải gò mình lại, kìm hãm chính mình.

Ông có thể nêu ra những khác biệt cụ thể hơn từ bản chất của đô thị và nông thôn?

Thực chất, đơn vị của nông thôn là ấp. Trong đề án "Dân chủ cơ sở" đã xác định cộng đồng dân cư chính là ấp, thôn, bản làng. Còn ở cấp cao hơn là tỉnh, huyện, xã là tập hợp của nhiều cộng đồng dân cư chứ tỉnh, huyện, xã không phải là cộng đồng dân cư. Vì vậy, quản lý phải khác. Anh quản lý một cộng đồng dân cư phải khác với quản lý một tập hợp của nhiều cộng đồng dân cư.

Trong khi đó, đô thị về bản chất là một cộng đồng dân cư. Dù lớn cách mấy như TP.HCM gần 10 triệu dân cũng là một cộng đồng dân cư. Về nguồn gốc đô thị hình thành từ một cái ấp. Do thuận lợi làm ăn nên dân cư đến ở đông, nó phát triển ra. Dù lớn khổng lồ đến mấy nó cũng là một cơ thể thống nhất.

Trong cộng đồng dân cư người ta sinh sống gắn bó với nhau, có quan hệ với nhau. Ban đầu TP.HCM hình thành từ một cộng đồng nhỏ, dần dần đông lên nhưng cũng là một cộng đồng, chứ không phải lồng ghép nhiều cộng đồng khác nhau. Trong quá trình lớn dần lớn, cộng đồng dân cư TP có khi đã "nuốt" và trùm lên một cộng đồng dân cư gần đó.

Vấn đề là phải tổ chức quản lý cộng đồng lớn khổng lồ này như thế này chứ không thể làm như lâu nay.

Nếu hình dung đô thị là cơ thể thống nhất, to lớn, nặng cả ngàn kg và ấp là cơ thể bình thường, nặng 60 kg, chúng ta đã "xẻ thịt" anh lớn cả ngàn kg ra từng mảnh nhỏ 60 kg. Vậy là sai rồi. Như TP.HCM có gần 10 triệu dân, để quản lý chúng ta chia nhỏ ra thành quận rồi phường.

Chính cách chia nhỏ, "xẻ thịt" ra thế này mới có những chuyện buồn cười. Một thằng ăn trộm ở quận này, bị công an phát hiện, hắn ta chạy qua bên kia đường là quận khác. Anh công an không dám chạy qua bắt vì anh chỉ có quyền và trách nhiệm trên địa bàn quận mình!

Đó là hậu quả của việc chia nhỏ một cộng đồng lớn để quản lý mà không thấy sự khác biệt lớn giữa đô thị và nông thôn.

{keywords}

Hình ảnh các khu đô thị mới ở Sài Gòn. Ảnh: Đinh Tuấn

Ngoài khác biệt về cấu trúc cộng đồng dân cư như ông vừa nói, còn có sự khác biệt nào nữa, thưa ông?

Cái khác thứ hai là về hình thức, cấu trúc hạ tầng kỹ thuật. Đô thị có một hệ thống đường ôtô tráng nhựa, điện nước, cống thoát nước liên hoàn duy nhất, nhà ở, nhà phố liền kề. Nông thôn gắn liền với vườn cây, đồng ruộng, vườn rau - ao cá, gia súc gia cầm và bóng tối... Hạ tầng kỹ thuật đơn sơ, thiếu thốn. Nhà cách nhà bởi các vườn cây, ao cá, sân vườn...

Ba là khác về nghề nghiệp. Cư dân đô thị, thành phố, thị xã, thị trấn đa số không làm nghề nông (làm ruộng, trồng trọt, đánh bắt hải sản, đốn củi làm rừng...). Phần đông họ sinh sống bằng buôn bán hàng hóa hoặc ăn uống, dịch vụ lao động, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, chế biến thực phẩm, ngân hàng tài chính, dạy học...

Bốn là khác về lối sống, sinh hoạt. Cư dân đô thị thường có đời sống văn hóa cao hơn nông thôn, văn minh tiến bộ hơn. Đô thị luôn luôn là những đầu tàu văn hóa cho những khu vực lân cận. Các phong tục tập quán, tôn giáo đan xen, lẫn lộn nhau trong các khu dân cư. Lối sống cư dân đô thị kín đáo, giữ kẽ, cẩn thận nhưng tinh thần tương trợ, đoàn kết mở rộng hơn lối sống ở nông thôn. Tinh thần chấp hành luật pháp của cư dân đô thị tốt hơn ở nông thôn.

Trong đô thị, dân cư lao động, hưởng thụ văn hóa không phân biệt địa bàn, trái với ở nông thôn thường khép kín trong một xã hay một huyện. Ngoài ra còn nhiều cái khác nữa như diện tích, mật độ dân cư; ý thức chính trị; khác về tốc độ cuộc sống và hoạt động. Những vấn đề này cần được phân tích kỹ lưỡng hơn.

Vậy, sự thay đổi lớn nhất khi áp dụng mô hình quản lý nhà nước kiểu chính quyền đô thị ở Sài Gòn là gì thưa ông?

Tôi nêu ra các nội dung chính thế này. Thứ nhất, chỉ độc nhất một cấp chính quyền.

Từ những đặc điểm của đô thị nên tổ chức bộ máy của chính quyền đô thị luôn luôn chỉ có một cấp và chỉ có một HĐND và một UBND dù lớn hay nhỏ. Đô thị là một cộng đồng dân cư đơn nhất, thống nhất. Do đó không thể phân chia theo chiều dọc thành nhiều cấp từ trên xuống để quản lý. Ngược lại do dân số đông, đô thị thường được phân nhỏ theo chiều ngang thành quận - phường.

Các quận - phường này là những đơn vị hành chính địa phương, là những cánh tay nối dài của UBND đô thị. Các quận - phường không phải là cấp chính quyền địa phương, chỉ được phân công, không được phân cấp như huyện - xã. Phụ trách các đơn vị hành chính này là những viên chức, được bổ nhiệm trực tiếp từ UBND đô thị (dù là quận hay phường).

Thứ hai, một qui tắc chung toàn đô thị. Cách tổ chức này bảo đảm mệnh lệnh được chấp hành triệt để, tức khắc, không chậm trễ, không thêm bớt, đều khắp đô thị - thành phố. Đây là mệnh lệnh hành chính, viên chức cấp dưới phải chấp hành tuyệt đối.

Trong một đô thị, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, phải được hưởng mọi qui định như nhau và cùng một thời điểm. Trong đô thị không thể có phong tục, tập quán nào được quyền cản trở việc thực thi qui định hành chính. Hương ước không thể có và tồn tại trong đô thị, hương ước chỉ tồn tại ở nông thôn mà thôi. Trong đô thị mọi người đều phải sống theo một chuẩn mực, qui tắc chung.

Đô thị là một cộng đồng dân cư thuần nhất cho nên không có kinh tế, văn hóa quận - phường. Mọi sự việc tốt - xấu xảy ra trong đô thị đều là trách nhiệm của UBND, các quận - phường có trách nhiệm thực thi công vụ được phân công để hoàn thành nhiệm vụ chung toàn đô thị - thành phố. Bộ máy hành chính đô thị luôn luôn tinh gọn, trình độ cao, nhạy bén, đối phó kịp thời với các tình huống, diễn biến v.v...  Hy vọng với cách tổ chức như vậy sẽ góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo của cư dân đô thị.

Tôi nhấn mạnh, đô thị là mô hình chính quyền tương lai cho cả nước. Khi nền kinh tế cả nước phát triển tiến lên công nghiệp hóa, chắc chắn mô hình quản lý tiên tiến sẽ được áp dụng.

Duy Chiến (thực hiện)

Xem thêm các bài trong mạch Chính quyền đô thị của Tuần Việt Nam:

 

Dân đủ sáng suốt để bầu thị trưởng

Khi phải chịu trách nhiệm lớn hơn, trực tiếp hơn trước dân, đến lượt  thị trưởng được bầu trực tiếp sẽ phải thúc ép bộ máy hành chính của mình hoạt động hiệu quả, giảm thiểu hiện tượng nhũng nhiễu nhân dân.

Xem mô hình thị trưởng ở Mỹ

Các thành phố ở Mỹ đều có Hiến chương thành phố, là văn bản pháp lý quy định cơ cấu tổ chức, quyền hạn, chức năng và các thủ tục cần thiết của chính quyền thành phố.

Thị trưởng: Quyền to nhưng phải dám từ chức

Người dân sẽ đánh giáthị trưởng trên sự phát triển của thành phố… Ông Thị trưởng phải dám từ chức khi tình hình không được cải thiện. 

Chỗ đứng của thị trưởng ở đâu?

Ưu điểm của “chế độ thủ trưởng” là quyền lực được tập trung gần như tuyệt đối về tay thị trưởng.

Người đô thị cần dân chủ thực chất

Dân chủ xét về thực chất là được thực hiện hiệu quả như thế nào chứ không tỷ lệ thuận với số lượng cấp HĐND.