Chúng ta hay nói vô số vấn đề to tát hoành tráng nhưng đôi khi “kệ đi” những chuyện “rất vặt”, vốn được mặc định là chuẩn mực văn hóa, vốn có thể giúp làm nên tư cách con người.
Đang chạy xe, tôi thấy túi áo khoác một người bên cạnh lòi ra xấp tiền. Tôi báo anh ta biết. Đương sự đút tay sâu vào túi rồi rồ ga vọt mất. Lại gặp người khác lái xe mà chân chống quên gạt, báo cho biết, cũng không nói gì. Lại bị một người húc vào đuôi xe tại ngã tư, không nghe xin lỗi. Lại bị một cô đứng chờ ngã tư đèn đỏ cắn bọc bánh rồi phun mẩu giấy bay trúng mặt mình, chẳng nghe nói chi…
Chúng ta thích nói chuyện “trên trời” nhưng chuyện “dưới đất” thường ít khi để ý. Giờ thì mấy chuyện này, một cách mặc nhiên, đã trở thành chuyện nhỏ như con thỏ.
Nhà tôi thích mời bạn đến chơi. Bày chút thức ăn, uống tí bia (không nhậu), lai rai dăm chuyện. Lần nào họ đến, các bạn tôi (một nhạc sĩ tên tuổi thuộc hàng khủng long, một luật sư tên tuổi thuộc hàng cá voi, một bác sĩ tên tuổi thuộc hàng cá nhà táng, một cây bút tên tuổi thuộc hàng cá mập…) cũng luôn chào vợ tôi, nhỏ tuổi hơn họ nhiều, bằng “chị”. Nghe lịch sự quá! Cách xưng hô này lâu rồi mới nghe lại. Hồi trước bạn bố đến chơi, họ đều chào mẹ tôi như vậy. “Ngày xưa” là như thế: khách của chồng luôn gọi vợ bạn mình là “chị”, bạn (trai) của vợ luôn gọi chồng bạn mình là “anh”, bất kể khoảng cách tuổi tác. Giờ thì có vẻ người ta thích “thân mật”, gọi vợ bạn là “em” ngọt xớt hay gọi chồng bạn là “em” ngọt lịm. Lớn tuổi hơn, gọi vậy có gì không đúng? Có lẽ họ nghĩ vậy. Xưng hô sao cho đúng phép lịch sự dần rồi cũng trở thành chuyện nhỏ như con thỏ.
Một số cô bạn của tôi không chỉ đẹp. Họ giỏi dã man! Toàn dân Tây học. Nói tiếng Anh như gió. Làm công ty nước ngoài, họ “đi Tây” như đi chợ. Nếu không phải làm công ty nước ngoài thì cũng có nhà hàng riêng. Không có nhà hàng riêng thì cũng có sự nghiệp làm báo lâu đời. Có người một thân lập nghiệp dựng nên cơ đồ. Đàn bà dễ có mấy tay! Vậy mà khi nói chuyện với tôi, họ cứ “dạ”; trả lời một tin nhắn, họ luôn “dạ”; rủ họ đi uống café, họ “dạ, để em xem...”. Hay quá! Phải ở “level” giao tiếp xã hội như thế nào họ mới “dạ” chứ không phải “OK”! Chuyện này, với nhiều người, có thể nhỏ như con thỏ, nhưng với tôi thì đó là những con thỏ tôi luôn muốn… hôn!
Chuyện vụn giao tiếp. Chẳng phải nghị sự gì to tát. Nhưng giao tiếp và hành vi giao tiếp ngày càng ít được để ý. Cầm một món quà, kệ đi. Đụng phải cái ghế có người đang ngồi, kệ đi. Cô phục vụ mang ra bình trà, kệ đi. Trả lại một vật mượn, kệ đi… Chúng ta hay nói vô số vấn đề to tát hoành tráng nhưng đôi khi chúng ta thường “kệ đi” những chuyện “rất vặt”, vốn được mặc định là chuẩn mực văn hóa, vốn có thể giúp làm nên tư cách con người. Mà nói thế thôi, “kệ đi”, cho khỏe, há!
Mạnh Kim (Người Đô thị)