Hội nghị “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức ngày 4/11, tại Hà Nội.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ, thảo luận về những đóng góp cũng như kinh nghiệm của các địa phương trong việc triển khai quản lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải nhựa, trong đó vai trò nòng cốt của các đô thị được đánh giá như là một giải pháp hiệu quả nhằm làm giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.
Chia sẻ tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Nguyễn Đức Toàn cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong nỗ lực chung nhằm ngăn chặn ô nhiễm nhựa đại dương, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương đã phối hợp cùng với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều giải pháp thông qua các dự án, các chương trình hành động cụ thể. Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được phê duyệt và triển khai từ năm 2020 tại 10 khu vực ở 9 tỉnh, thành phố đã thu được những kết quả quan trọng thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động tăng cường năng lực, đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa.
Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hoà Liên bang Đức thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên - Việt Nam tài trợ; Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm chủ dự án. Mục tiêu của Dự án nhằm góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc xây dựng các văn bản hướng dẫn kỹ thuật nhằm hỗ trợ thực hiện chính sách quản lý chất thải rắn, bao gồm cơ chế hỗ trợ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa.