Tại Hà Tĩnh, theo thống kê lượng rác phát sinh khoảng 829,8 tấn/ngày; lượng rác được thu gom khoảng 778,9 tấn/ngày, đạt khoảng 93,9% so với lượng rác phát sinh, trong đó lượng rác được phân loại và tự xử lý tại hộ gia đình là 231,5 tấn (đạt 28%); lượng rác được xử lý tại các khu xử lý là 498,7 tấn.

Như vậy, lượng rác được thu gom, xử lý đúng quy định khoảng 730,2 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 88% so với lượng rác phát sinh; tỷ lệ rác chưa được thu gom khoảng 6,2% và tỷ lệ rác được thu gom nhưng xử lý chưa đúng quy định (đốt và chôn lấp không đúng quy định tại các điểm trung chuyển) khoảng 5,8%.

anh 6ss.jpg
Đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, hạn chế thấp nhất hiện tượng tập kết rác lâu ngày.

Toàn tỉnh hiện có 212 đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tần suất thu gom trung bình 2 lần/tuần; một số địa phương khu vực đô thị tần suất thu gom thường xuyên hơn, khoảng 2 ngày 1 lần; riêng tại các phường nội thành ở thành phố, thị xã được thu gom hằng ngày; tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi tần suất thu gom chỉ khoảng 3-4 lần/tháng.

Hiện nay, trung bình mỗi xã, phường có 1 đơn vị thu gom (HTX hoặc tổ/đội vệ sinh môi trường, riêng các phường, xã của thành phố Hà Tĩnh có Công ty môi trường đô thị đảm nhận thực hiện hằng ngày). Toàn tỉnh đã xây dựng 302/505 điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy hoạch và có 107 điểm tự phát xây dựng không đúng quy hoạch. 

Hiện tượng tập kết rác lâu ngày, để ngổn ngang, đốt thủ công hoặc chôn lấp; vừa đốt vừa chôn lấp rác tại các điểm trung chuyển vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Lượng rác đốt và chôn lấp tại các điểm tập kết/trung chuyển hoặc tập kết không đúng quy định tại khu xử lý trong năm 2022 khoảng 50,3 tấn/ngày, chiếm khoảng 7% lượng rác phát sinh đang gây phát sinh, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan và sức khỏe của nhân dân.

Trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới mục tiêu chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được phân loại theo quy định, tận dụng khả năng tái chế, tái sử dụng, giảm tối đa lượng phát sinh phải xử lý; thu gom, vận chuyển đồng bộ, triệt để, không để phát sinh ô nhiễm từ quá trình vận chuyển và tại điểm tập kết/trung chuyển...

Để việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức về phân loại, xử lý rác tại nguồn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, hạn chế thấp nhất hiện tượng tập kết rác lâu ngày, đốt thủ công hoặc chôn lấp, hoặc vừa đốt vừa chôn lấp. 
Theo Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 100% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được phân loại tại nguồn; lượng chất thải rắn sinh hoạt giảm sau phân loại tại nguồn đạt 29%; đến năm 2032 có 100% chất thải rắn sinh hoạt ở cả khu vực đô thị và nông thôn được phân loại tại nguồn; lượng chất thải rắn sinh hoạt giảm sau phân loại tại nguồn đạt 30%.

Mạng lưới dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được hoàn thiện theo hướng mỗi huyện, thành phố, thị xã có một đơn vị đầu mối thực hiện thu gom, vận chuyển và quản lý toàn bộ các đơn vị, hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn cấp huyện. Giảm dần tiến tới chấm dứt tình trạng đốt, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm trung chuyển/điểm tập kết vào năm 2025; thực hiện chuyển đổi phù hợp các khu xử lý đã đóng cửa thành điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Đến năm 2025, đóng cửa các bãi chôn lấp hết công suất; đến năm 2032 chấm dứt xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp.

Bên cạnh đó, hình thành các khu xử lý tập trung quy mô liên huyện, với công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng khả năng xử lý chất thải rắn có đặc tính khác nhau; dây chuyền xử lý chất thải đảm bảo đồng bộ, tuần hoàn khép kín, thu hồi năng lượng sau xử lý, không để phát sinh mùi hôi, khí thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Việt Hoàng và nhóm PV, BTV