Mới đây Ủy ban châu Âu (EC) đã đồng ý kéo dài thời hạn cảnh báo "thẻ vàng" đối với ngành thủy sản của Việt Nam đến hết tháng 4/2024. Như vậy, tính tại thời điểm tháng 12/2023 này chúng ta còn 5 tháng để vượt qua được đợt thanh tra lần thứ 5 của phái đoàn EC.

Với 5 tháng quý giá cho các nỗ lực rà soát, thanh kiểm tra, ký cam kết chấm dứt tình trạng ngư dân vi phạm chủ quyền vùng biển các nước, khai thác hải sản trái phép là khối lượng công việc đồ sộ của Bộ NN&PTNT, các tỉnh thành ven biển và cần sự chung tay của chính các ngư dân để bảo vệ “bát cơm” của mình.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 86.820 tàu khai thác hải sản. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 6- dưới 12m là 38.500 chiếc (chiếm 44,34%); tàu cá có chiều dài từ 12-15m là 18.299 chiếc (chiếm 21,08%); tàu cá có chiều dài từ 15-dưới 24m là 27.503 chiếc (chiếm 31,68%); tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên là 2.588 chiếc (chiếm 2,9%). 

Tàu cá 2.jpg
Việt Nam còn 5 tháng để vượt qua được đợt thanh tra lần thứ 5 của phái đoàn EC. Ảnh: Nam Phương

Như vậy, số lượng tàu cá xa bờ đang chiếm gần 35% đội tàu cá của các địa phương. Và tính đến tháng 12/2023 này, đã có 98% tàu cá dài trên 15m được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, số còn lại đang nằm bờ, ngưng hoạt động. Ngoài ra, hơn 73.200 chiếc tàu từ 6m trở lên đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở VNFishbase - Dữ liệu nghề cá quốc gia. 

Bên cạnh đó, việc chia sẻ dữ liệu, kết nối giữa các cơ quan theo dõi hoạt động tàu cá trên biển được tiến hành thường xuyên. Đánh giá tổng thể từ báo cáo của 28 tỉnh thành ven biển cho thấy, thời điểm hiện tại Việt Nam đã cơ bản đáp ứng các khuyến nghị của EC về yêu cầu kĩ thuật. Riêng tiêu chí đánh bắt vi phạm hải phận nước ngoài thì các địa phương đang yêu cầu ngư dân ký cam kết và sẽ xử phạt nghiêm các chủ tàu cá vi phạm.

Thực tế, trong những năm gần đây việc đánh bắt xa bờ của ngư dân cũng gặp nhiều khó khăn do mỗi chuyến đi biển chi phí lớn và có nhiều rủi ro. Đơn cử, một cặp tàu đánh cá xa bờ sẽ cần từ 1,3-1,4 tỉ đồng cho khoảng 30 ngày ra khơi do chi phí xăng dầu, thực phẩm, đá đông lạnh tăng cao. Trong khi các tàu rã cào, lưới vét gần bờ hơn cũng có chi phí khoảng từ 400-600 triệu đồng/tàu, riêng với các tàu đánh cá ngừ thì chi phí còn cao hơn; trong đó chỉ riêng chi phí xăng, dầu đã chiếm hơn 70% tổng chi phí chuyến biển. 

Ngoài ra việc bổ sung ngư cụ hiện đại trong đánh bắt như: máy dò cá, máy định vị, bổ sung đèn chiếu, nâng cấp lưới và trục cẩu…  cũng tốn kém; trong khi thời gian cho các chuyến đi biển cũng dài hơn và vất vả hơn. Ngoài ra, sau nhiều năm triển khai thực hiện chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC, việc tăng cường quản lý hoạt động nghề cá ngày càng chặt chẽ khiến nhiều ngư dân bỏ nghề càng nhiều, khiến nhân lực đi biển trở lên khan hiếm và đẩy giá nhân công tăng cao.

Chính vì những khó khăn kể trên nên chính quyền các tỉnh thành có đội tàu cá xa bờ lớn bên cạnh các biện pháp mạnh nhằm kiểm soát tàu cá thì cũng cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho ngư dân vươn khơi bảo vệ chủ quyền. Ví dụ, Kiên Giang - một trong những tỉnh có ngư trường trọng điểm của cả nước, với nghề cá phát triển mạnh, lâu đời, đứng đầu cả nước trong một thời gian dài, đã giải quyết việc làm cho gần 70.000 người lao động và góp phần phát triển kinh tế cho ngư dân, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh. 

Tuy nhiên vì nhiều lí do, nhất là khu vực biển ngư dân khai thác nằm trong vùng chồng lấn của Việt Nam với các nước láng giềng nên tình trạng mãi theo luồng cá mà ngư dân vi phạm ngư trường vẫn diễn ra. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023 cả nước có 7 tàu cá vi phạm lãnh hải các nước thì Kiên Giang có tới 5 tàu; hai tàu còn lại thuộc tỉnh Quảng Ngãi và Tiền Giang. Ngoài ra, thói quen xấu khi muốn “ẩn mình” tìm luồng cá cũng khiến 4.375 tàu cá trên 15 m không bật thiết bị giám sát hành trình.

Tuy nhiên, những vi phạm này sẽ phải chấm dứt ngay lập tức bởi tháng 5/2024 tới đây nếu không gỡ được “thẻ vàng” IUU, xuất khẩu thủy hải sản sang EU sẽ bị đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập. Trong đó, nhiều ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chắc chắn ngư dân Kiên Giang và các địa phương khác cũng hiểu rằng, “phải bằng mọi giá bảo vệ chén cơm của mình, không thể vì tham bát mà bỏ mâm” nếu tái phạm IUU trong khai thác hải sản như trước kia.

Nam Phương