Tận dụng nguồn lực, tăng lợi thế cạnh tranh
Ngày 24/8 tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai các chuỗi liên kết giá trị trong tập đoàn.
Tại cuộc họp, đại diện Ban Kinh tế Đầu tư đã báo cáo về tình hình triển khai các chuỗi liên kết giá trị trong tập đoàn. Trong đó, một số chuỗi đã hình thành, hoạt động có kết quả, phát huy vai trò trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 và thị trường biến động thời gian qua như: Chuỗi dầu thô-vận chuyển-chế biến-bao tiêu và phân phối sản phẩm (NMLD Dung Quất); Chuỗi liên kết BSR-PVNDB-PVOIL trong điều phối và kinh doanh xăng dầu; Chuỗi liên kết PV GAS - PVOIL trong sản xuất xăng nền RON 91, DO sản phẩm đáy từ nguồn condensate. Đồng thời, một số chuỗi đang được nghiên cứu, xây dựng.
Các đơn vị, các Ban tập đoàn đã đề xuất/xây dựng 24 chuỗi liên kết trong 4 khối: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí (E&P); Khí-Điện-Đạm; Lọc hóa dầu & sản phẩm xăng dầu; Năng lượng tái tạo.
Ngoài những chuỗi dự án đã được hình thành và triển khai thời gian dài, hiện nay các đơn vị đang triển khai và nghiên cứu thực hiện 23 chuỗi. Trong đó, khối E&P và dịch vụ E&P có 4 chuỗi; khối Khí - Điện - Đạm có 9 chuỗi; khối Lọc hóa dầu và sản phẩm xăng dầu có 8 chuỗi; khối Năng lượng tái tạo NLTT có 2 chuỗi. Một số đơn vị chủ động đề xuất xây dựng các chuỗi là PV GAS, PV Power, BSR, PV OIL, PTSC, PV Chem...
Dựa trên hợp tác giữa các đơn vị trong sản xuất kinh doanh, sử dụng/mua bán các sản phẩm/dịch vụ thông qua hình thức hợp đồng... đã hình thành 6 chuỗi liên kết hợp tác kinh doanh.
Bên cạnh hợp tác trong SXKD, để có thể tận dụng hiệu quả nguồn lực, phát huy được năng lực của từng đơn vị để nâng cao sức cạnh tranh, tăng thị phần đối với các sản phẩm, dịch vụ chủ lực của Petrovietnam, các đơn vị triển khai nghiên cứu hợp tác, xây dựng các chuỗi liên kết đầu tư. Hiện tại đang có 17 chuỗi liên kết đầu tư.
Mục tiêu của việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị nhằm tận dụng các lợi thế cạnh tranh, kinh nghiệm của các đơn vị dầu khí để sớm hình thành, đưa vào vận hành và phát triển các chuỗi liên kết đầu tư trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng.
Để thực hiện mục tiêu đó, Petrovietnam triển khai các giải pháp như: Sớm hoàn thiện Danh mục sản phẩm, dịch vụ chiến lược làm cơ sở định hình, phát triển các Chuỗi liên kết đồng bộ với Chiến lược phát triển của Petrovietnam/các đơn vị; Xây dựng Đề án chuỗi liên kết của tập đoàn, danh mục hóa các chuỗi giá trị, hình thành hệ sinh thái cho từng lĩnh vực. Các đơn vị đánh giá kết quả đã đạt được, tối ưu/mở rộng quy mô, nâng cao lợi ích của các bên tham gia trong các chuỗi đã triển khai; đồng thời, rà soát, lựa chọn, phát triển các chuỗi mới, đảm bảo hiện thực hóa chuỗi giá trị đầu tư trong năm 2023.
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của tập đoàn là đẩy nhanh công tác chuyển đổi số nhằm tối ưu phân bổ nguồn lực, trao đổi thông tin giữa các đơn vị.
Cũng tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện chuỗi liên kết giá trị tại đơn vị mình, đề xuất các kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chuỗi liên kết cũng như các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị trong chuỗi.
Nét đổi mới trong công tác quản trị
Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện chuỗi liên kết giá trị trong tập đoàn và các đơn vị. Ông Hùng nhấn mạnh đây là nét đổi mới trong công tác quản trị chung của tập đoàn giúp tập đoàn/các đơn vị phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đồng thời nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm, dịch vụ chủ lực của tập đoàn trên thị trường trong nước và khu vực.
Trong thời gian tới, lãnh đạo tập đoàn đề nghị các ban chuyên môn, các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, rà soát hệ thống triển khai thực hiện các chuỗi liên kết và thường xuyên giám sát, kiểm tra đối với việc quản trị theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Ông Hùng yêu cầu đưa nhiệm vụ triển khai chuỗi liên kết giá trị vào quy chế đánh giá KPI của các đơn vị nhằm đánh giá hiệu quả của công tác quản trị nói chung trong tập đoàn.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục trao đổi thông tin nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực kết hợp xây dựng, bổ sung kiện toàn các chuỗi liên kết giá trị mới. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống quy chế người đại diện của tập đoàn tại các đơn vị để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chuỗi liên kết giá trị cũng như tăng cường công tác quản trị tại đơn vị.
Ngọc Minh