Tháng 7, gia đìn ông Tạ Văn Tiến, thôn Đa Phú 2, xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đón "thành viên" mới là một con bê. Đây là thành quả sau 2 năm ông chăm sóc con bò sinh kế trị giá 17 triệu đồng do Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Hưng Hà trao từ 2 năm trước.
Thời điểm đó, gia đình ông Tiến thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Ông phải chăm lo cho người em trai bị câm, điếc bẩm sinh, cuộc sống rất khó khăn. Ngoài việc được trao sinh kế, ông còn được tạo điều kiện tham gia tổ thu gom rác thải, nhờ đó ông có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Hiện gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo.
Với ông Phạm Văn Sơn, xã Đông Long, huyện Tiền Hải, con bò được trao tặng là tài sản rất lớn mà các hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng từ mô hình hỗ trợ sinh kế. Việc chăn nuôi bò phù hợp với điều kiện của gia đình vì nguồn thức ăn cho bò sẵn có, chi phí đầu tư, chăm sóc không đáng kể. Năm 2023, sau khi bò đẻ, ông Sơn bán bò mẹ được 15 triệu đồng, hy vọng bò con sẽ phát triển tốt.
Đại diện Ủy ban MTTQ xã Đông Long nơi ông Sơn sinh sống cho biết 5 năm qua, MTTQ xã đã tiếp nhận hỗ trợ sinh kế để trao 4 con lợn, 2 con bò cho các hộ nghèo với tổng trị giá 38 triệu đồng. Nhiều hộ nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,84%.
Tại huyện Tiền Hải, chương trình hỗ trợ sinh kế giúp các gia đình thoát nghèo bền vững. Từ nguồn vận động hơn 11,9 tỷ đồng ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” trong 5 năm (2019-2024) cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng, MTTQ huyện đã phối hợp hỗ trợ cho hơn 250 hộ có hoàn cảnh khó khăn về tư liệu sản xuất; trao bò giống, lợn giống cho 150 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất...
Chương trình trao con giống sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn thể hiện trách nhiệm sẻ chia, đồng hành của xã hội, giúp người nghèo phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Nhiệm kỳ 2019 - 2024, MTTQ các cấp trong tỉnh Thái Bình đã giúp đỡ hơn 11.000 lượt người nghèo về tư liệu sản xuất.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023, tỉnh Thái Bình có tổng số 11.925 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,82% (giảm 2.145 hộ, giảm 0,32% so với năm 2022). Tổng số hộ cận nghèo 12.587 hộ, tỷ lệ 1,92% (giảm 2.267 hộ, giảm 0,34% so với năm 2022).
Ước tính, năm 2024, Thái Bình sẽ giảm từ 1.000 đến 1.500 hộ nghèo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nghèo, tạo việc làm gắn với thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo.
Cùng với việc thực hiện các dự án, tiểu dự án Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Thái Bình cũng chú trọng các chính sách giảm nghèo thường xuyên.
Quan tâm đến giáo dục, đào tạo, toàn tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ miễn học phí cho 9.419 học sinh thuộc hộ nghèo, với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng. 5.612 lượt học sinh thuộc hộ cận nghèo được giảm học phí, kinh phí hơn 311 triệu đồng. Tỉnh hỗ trợ chi phí học tập cho 10.424 lượt học sinh nghèo với kinh phí hỗ trợ hơn 3,6 tỷ đồng.
Về chính sách y tế, tỉnh đã cấp 12.568 thẻ BHYT cho người nghèo, kinh phí hỗ trợ hơn 6,5 tỷ đồng và 18.890 thẻ BHYT cho người cận nghèo với kinh phí hỗ hơn 9 tỷ đồng. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khám chữa bệnh cho các đối tượng từng bước được nâng lên.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tại Thái Bình đã trích Quỹ "Vì người nghèo" triển khai thực hiện các nội dung trợ giúp người nghèo như xây mới và sửa chữa 77 "Nhà đại đoàn kết", trị giá hơn 2,3 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ xây mới 58 nhà, sữa chữa 19 nhà).
Như vậy, người nghèo ở Thái Bình đã được tạo điều kiện tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước. Điều đó giúp số hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể, đời sống được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.