PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh là thành viên Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn; Chủ biên môn Tiếng Việt bộ sách giáo khoa Cùng học để phát triển năng lực.
“Đầu tiên phải nói rằng nếu như cũ thì không ai đổi mới giáo dục làm gì. Nếu so với cái cũ và bảo rằng hơn cái cũ là điều không nên và cũng không phải là một quan điểm đúng đắn”.
Thứ hai, theo bà Hạnh, bất kỳ một cái mới nào ra cũng đều nhận được những ý kiến. “Bởi một cái mới được đưa ra mà không ai ý kiến gì tức là không mới. Tuy nhiên, đó không phải là nỗi lo mà là điều đáng mừng bởi chứng minh rằng cái mới đó là mới thật”, bà Hạnh nói.
Thứ ba, bất kỳ một bộ sách giáo khoa nào cũng phải được viết theo chương trình.
Chương trình mới giúp trẻ nhanh biết đọc, biết viết hơn
Bà Hạnh so sánh, với sách giáo khoa lớp 1 trước đây, chương trình môn Tiếng Việt có 10 tiết/tuần, 23 tuần thì xong học vần, nghĩa là 230 tiết thì học sinh biết đọc.
5 cuốn sách mới ra đời mà các học sinh lớp 1 đang học thì sách Cùng học để phát triển năng lực hết học kỳ 1 là hết học vần và học sinh biết đọc. Chương trình hiện nay là 12 tiết/tuần, tức thời lượng của môn Tiếng Việt đã tăng lên 20% so với chương trình hiện hành. Lý do của việc tăng này là bởi muốn cho học sinh có thể nhanh biết đọc, viết để có công cụ học các môn học khác. Bởi nếu trẻ chưa biết đọc thì không thể đọc được nội dung đề Toán, bài Tự nhiên xã hội, bài Đạo đức,...
Trong chương trình lớp 1 trước đây, môn Toán là 4 tiết nhưng chương trình hiện nay rút chỉ còn 3 tiết, để ưu tiên thời lượng cho môn Tiếng Việt.
“Mà kể cả nếu nói về thời lượng môn Tiếng Việt nhiều lên, thì môn Toán đã ít đi, nhưng cũng chẳng thấy phụ huynh nào nói thấy học Toán nhẹ hơn cả. Như vậy, sự nhận xét của phụ huynh có phần phiến diện. Về bản chất các con được giảm thời lượng môn Toán thì thêm thời lượng môn Tiếng Việt cũng có vấn đề gì đâu và đó là chiến lược của những người soạn sách. Bởi đến lớp 3-4-5 chương trình Tiếng Việt lại bị “rút” đi, hiện nay chỉ còn 7 tiết (trong khi chương trình trước đây là 8 tiết) và tăng thời lượng cho các môn khác như Toán, Tự nhiên xã hội, Lịch sử và Địa lý. Như vậy có thể thấy, chương trình tăng cường cho lớp 1 và 2 học Tiếng Việt nhiều hơn để trẻ nhanh biết đọc, biết viết hơn”, bà Hạnh nói.
“Trong khi khoa học kỹ thuật phát triển, yêu cầu trình độ đội ngũ lao động ngày càng phải tăng lên, cập nhật mà giáo dục lại yêu cầu học ít thôi, giảm tải,... thì đó là câu chuyện rất ngớ ngẩn. Muốn đổi mới mà không muốn trả giá là việc không tưởng”.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Nặng là do chưa đổi mới phương pháp dạy học
Bà Hạnh cho rằng, việc nặng có chăng do nhà trường, giáo viên chưa biết cách đổi mới phương pháp dạy học.
“Ví dụ dạy 3 vần “át - ất - ắt”, khi tập huấn tôi nghe giáo viên nói dạy 3 vần thì nặng lắm nhưng thực tế sau đó tôi đưa ra một bài dạy về 3 vần này, giáo viên chỉ cần dạy kỹ vần “át” thôi, sau đó chỉ học sinh thay chữ ă thì ra vần “ắt”, thay chữ â thì ra vần “ất”. Sau đó chính các giáo viên cũng thừa nhận như vậy thì không khó. Nghĩa là nếu biết cách dạy thì rất nhẹ nhàng, như vậy tức là giáo viên chưa giỏi về phương pháp”.
Ngoài ra, theo bà Hạnh, giáo viên vẫn đang bị cách làm cũ lôi kéo và đây là lỗi của các nhà quản lý trong việc giám sát, yêu cầu về mặt phương pháp.
“Ví dụ sách của chúng tôi thiết kế 10 tiết học vần thì chỉ có 2 tiết tập viết nhưng thấy nhiều phụ huynh phản ánh trên mạng xã hội ngày nào cũng bắt học sinh viết cả trang chữ. Thế thì quá mệt cho đứa trẻ, bởi có sách nào yêu cầu thế đâu. Vở tập viết theo chương trình học kỳ 1 thì mỗi tuần có 2 trang, bởi có 2 tiết thôi, nhưng cứ bắt trẻ thực hiện phần đáng lẽ chỉ 2 tiết đó nhiều hơn. Việc bắt học sinh viết nhiều cũng không để làm gì bởi sang đến học kỳ 2 thì trẻ bắt đầu được tập viết nhiều và cho đến hết lớp 3. Học như thế khác gì cực hình”, bà Hạnh nói.
"Chương trình mới nặng hơn là không đúng" GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng những phụ huynh và cả thầy cô nhận định chương trình Tiếng Việt lớp 1 quá nặng, gây căng thẳng cho học sinh có thể do đang lẫn lộn giữa 2 khái niệm “chương trình” với “sách giáo khoa”. Theo ông Thuyết, mục tiêu chính của chương trình Tiếng Việt lớp 1 từ xưa đến nay vẫn là dạy học sinh biết đọc, biết viết. Muốn đạt được mục tiêu đó thì dù theo chương trình nào cũng phải học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần. Chương trình mới không thể thêm chữ nào hay vần nào vào môn Tiếng Việt nên không thể nói rằng nặng hơn chương trình cũ. Một số người đặt vấn đề chương trình cũ chỉ có 10 tiết Tiếng Việt một tuần trong khi chương trình mới có 12 tiết, như vậy là tăng hơn 2 tiết. "Tuy nhiên, tôi khẳng định việc tăng số tiết là để giảm tải chứ không phải tăng tải. Bởi đằng nào cũng phải học 29 chữ cái và khoảng 140 vần mà mỗi tuần chỉ học 10 tiết thì hết sức căng thẳng. Trước những ý kiến cho rằng nặng bởi mới học được một tháng, học sinh lớp 1 của nhiều trường đã học gần hết bảng chữ cái, theo ông Thuyết, việc này do cách phân bổ chương trình trong sách giáo khoa, chứ chương trình môn Tiếng Việt không quy định như vậy. Chương trình môn học chỉ quy định yêu cầu cần đạt về các kỹ năng đọc - viết - nói - nghe. “Việc dạy hết chữ và vần trong học kỳ I xuất phát từ thiện chí cho học sinh biết đọc, biết viết sớm để còn học các môn khác. Phân bổ chương trình như vậy có thể nặng, nhưng tôi tin là tác giả sách có giải pháp để thực hiện. Ngoài ra, tôi cho rằng việc học nhẹ hay nặng một phần do cách dạy của giáo viên”, ông Thuyết nói. |
Thanh Hùng
Bộ GD-ĐT: Nói chương trình SGK lớp 1 nặng là chưa đủ căn cứ
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho hay, hiện có một số phụ huynh chia sẻ trên một số diễn đàn, mạng xã hội cho rằng nội dung chương trình lớp 1 mới hơi nặng. Tuy nhiên, nhận định này chưa đủ căn cứ xác đáng.
Chủ biên sách Tiếng Việt 1: Chuẩn đầu ra của sách mới cao hơn sách cũ
Theo ông Bùi Mạnh Hùng, điều kiện dạy học và môi trường phát triển ngôn ngữ của trẻ hiện nay tốt hơn cách đây 20 năm (2000), do đó, việc đạt được chuẩn đầu ra mới là hoàn toàn khả thi.
Phụ huynh 'hết hồn' với chương trình SGK lớp 1, các giáo viên nói gì?
Sau một tuần “làm quen” với SGK mới, giáo viên, học sinh và đặc biệt là phụ huynh đã có những cảm nhận bước đầu về sự đổi mới trong chương trình và phương pháp giảng dạy.
Nhiều giáo viên kêu 'đuối' khi dạy lớp 1
“Đuối” là tâm trạng của nhiều giáo viên dạy lớp 1 năm nay. Nhiều giáo viên dạy lớp 1 kể họ “vật lộn” với chương trình, với học sinh và đặc biệt lo lắng cho những em ở vùng cao, khó khăn.