-  Sự hài hước dí dỏm của ông khiến tất cả mọi người ở đó đều được trận cười sảng khoái. Kể từ đó tôi gọi ông là “Bố”.

Các tin liên quan

Con trai Văn Hiệp kể những ngày chống chọi bệnh của cha

Những bài thơ khóc thương nghệ sĩ Văn Hiệp

'Trưởng thôn' Văn Hiệp: một 'Kép Tư Bền'

Hình ảnh cuối đời của "trưởng thôn" Văn Hiệp

Xuân Bắc, Tự Long nhớ "bố Văn Hiệp"

"Trưởng thôn" Văn Hiệp qua đời

 {keywords}

Một ngày cuối năm 2009, đó là lần đầu tiên tiếp xúc và gặp ông ngoài đời. Khi đó tôi trực tiếp cầm kịch bản đến nhà để mời ông tham gia chương trình phim Tết cuối năm của mình. Qua trò chuyện, thấy mình kém tuổi anh Thắng con trai ông nên tôi gọi ông xưng là “Bác” và có cơ duyên hợp tác và làm việc với ông từ đấy.

Tôi và ông có một món khoái khẩu chung là bún riêu ốc. Một hôm tôi xuống nhà đón ông đi ăn bún riêu ở một quán vỉa hè sau Chi Cục thuế Hoàng Mai gần nhà ông (Hồ Đền Lừ). Bà chủ quán nước thấy tôi và ông hay đi với nhau liền hỏi: “Con trai bác phải không, giống bác đáo để nhỉ? ". Ông châm điếu thuốc lào, miệng ậm ừ, rít xong thì cười phá lên.

Thấy vậy tôi bảo: “Chắc cháu có nét giống bác hay sao mà người ta tưởng hai bố con. Đã vậy cháu xin phép gọi bác là “Bố” nhé". Ông cười pha chút hài hước bảo “Ừ thì bố, nhưng tao có nuôi mày ngày nào đâu?” Sự hài hước dí dỏm của ông khiến tất cả mọi người ở đó đều được trận cười sảng khoái. Kể từ đó tôi gọi ông là “Bố”.

Đã có rất nhiều lần “Bố” và tôi đi làm việc tại các doanh nghiệp. Thấy tôi gọi bác Văn Hiệp là “Bố” xưng “Con”, mọi người đều thắc mắc. Khi có người hỏi, “Bố” cười phá lên hài hước nói “Thế các anh chị không thấy nó giống tôi hay sao mà còn hỏi?”.

{keywords}

"Bố" Hiệp có thói quen đi đâu cũng tự mang bên mình thuốc lào và một chiếc điếu cày tự tay  làm. Vì ông nghiện thuốc lào nên khá kén chọn thuốc hút và phải trực tiếp đặt mua thuốc lào chính hiệu từ một người thân tận Vĩnh Bảo, Hải Phòng gửi lên. Có lần tôi và ông ngồi cùng với nhà văn Chu Lai trên quán cà phê ở trên đường Lý Thường Kiệt, ông bỏ chiếc điếu cày tự chế và thuốc lào của mình ra mời nhà văn cùng hút. Nhà văn Chu Lai ngạc nhiên và thích thú vì biết bố tự tay chế điếu cày từ ống nước mà rất gọn gàng nhỏ gọn.

Biết nhà văn thích chiếc điếu cày như vậy nên ông đã hứa sẽ tự tay làm tặng cho nhà văn Chu Lai một cái điếu cày giống cái của ông đang dùng. Mấy hôm sau, khi tôi đến đón, ông bảo “Tao làm xong điếu rồi, gửi cho thằng Chu Lai rồi, còn cái này tặng mày. Không biết hút thì để làm kỷ niệm”. Tôi cảm động cất vào cốp xe. Sau này do không hút được thuốc lào nên tôi đã tặng chiếc điếu đó cho một người thân mà tôi kính trọng. 

Có lần đang bàn công việc, lúc tranh thủ ngồi uống nước tôi có kể lại cho ông nghe câu chuyện trên phim Trung Quốc mà tôi xem qua có một con ngựa chiến đang cơn đau đẻ. Lúc sinh con, cái chân của con ngựa con lại ra trước. Lúc đó chính người chủ đỡ đẻ cho nó đã đặt cho con ngựa con là Minh Minh với lời giải thích rất ý nghĩa. Câu chuyện khiến ông thích thú hơn khi tôi bảo rằng nếu sau này có con, dù là con trai hay con gái thì tôi sẽ đặt tên là Minh Minh. Bố Hiệp bảo: ”Lấy tên con ngựa người ta đặt tên con của mình hả?” rồi ông cười. Sau đó ông chia sẻ với tôi rằng sau khi nghiên cứu, ông thấy cái tên Minh Minh thú vị và có ý nghĩa nên muốn đặt tên cháu nội là Nguyễn Minh Minh.

Một dịp làng Đồng Lý (Hưng Yên) quê tôi có việc làng, lúc nhận điện thoại mời của sư trụ trì nhà chùa tôi đang trên xe ôtô cùng "bố" Hiệp từ Vĩnh Phúc về Hà Nội. Nhận điện thoại xong tôi quay sang hỏi “Bố ơi, mai làng con có việc, tối nay có văn nghệ phục vụ bà con, hay xong việc chiều hôm nay Bố đổi lại lịch về quê con rồi giúp con phục vụ bà con một vài tiết mục”,.

Không chỉ nhận lời ông còn gọi điện thoại rủ thêm chị Trà My đi diễn cùng. Hai bố con về tới Hà Nội lúc 5h chiều, qua đón chị Trà My rồi Hưng Yên thẳng tiến. Hôm đó sân Chùa làng tôi chật ních không còn chỗ trống.

Làm nghề "mua vui" cho người khác nhưng cuộc sống thường nhật của ông lại nặng trĩu những tâm tư và nỗi buồn ít được chia sẻ. Sự ra đi đột ngột của ông đã khiến các nghệ sỹ, đồng nghiệp trong giới nghề và người hâm mộ tiếc thương vô hạn.

Dẫu biết rằng “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ” những như một đoạn bộc bạch trong bài thơ Nghệ sĩ giun của bố lúc còn sống “Năm năm, ngày ngày, tháng tháng - Miệt mài thâu đêm suốt sáng - Giun xoắn mình nhọc nhằn nhích dần từng chút một - Và đất và giun tơi xốp - Đơm hoa nảy lộc đón gió lành cùng chim hót véo von” thì đây được coi là bài thơ mà ông tự họa về cuộc đời người nghệ sĩ sau màn ảnh thật đa đoan.

Tuy ông không được phong những danh hiệu “hàn lâm” để đời nhưng công chúng luôn ghi nhớ hình tượng gần gũi thân thương của “nhân dân” với hình ảnh trưởng thôn quen thuộc bấy lâu. Xin chúc Bố ngàn thu yên giấc.

Xuân Huy