Thảo luận báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022 mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng 11/5, nhiều ý kiến quan tâm đến câu chuyện lãng phí trong đầu tư công.
Theo báo cáo của Chính phủ, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 1 năm 2023, vốn kế hoạch năm 2022 hơn 529 nghìn tỷ đồng (đạt 77,43% kế hoạch và đạt 91,28% kế hoạch Thủ tướng giao).
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, năm 2022 có 55.214 dự án đã được phê duyệt quyết toán. Qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán 9.300 tỷ đồng.
Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước của một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch được giao.
Giải ngân không đạt yêu cầu có lãng phí hay không?
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề: "Lập kế hoạch giao vốn đầu tư công có lãng phí hay không, giải ngân không đạt yêu cầu có lãng phí hay không?".
Ngoài ra, ông cũng lưu ý, với nguồn tăng thu của ngân sách địa phương thì quy định 30% chi cho đầu tư, 70% còn lại dành cải cách tiền lương nhưng địa phương đề nghị chia tỷ lệ 50-50 thì cần nghiên cứu để có tháo gỡ, nếu không sẽ lãng phí.
Ông Phương cho biết, nhiều nơi đề nghị dành 50% phần tăng thu ngân sách địa phương chi cho đầu tư công, có thể sẽ rơi vào cảnh tiền bỏ đó không tiêu. Địa phương đã tính toán nguồn để dành cho cải cách tiền lương và chịu trách nhiệm.
“Các đồng chí thấy chỗ này thế nào, tiền bỏ đó mà không tiêu được, nhiều nơi người ta đề nghị việc này. Tôi nhớ, hôm đi khởi công tuyến cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Quảng Ngãi, tỉnh cũng đề nghị việc này. Vào Lâm Đồng, tỉnh cũng đề nghị việc này”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, một số tỉnh đề nghị nhưng chưa đưa ra biện pháp tháo gỡ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý vấn đề lãng phí trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo ông, hiện nay chương trình này vướng về cơ chế lồng ghép. Lồng ghép cái gì, nguyên tắc ra sao không rõ, cho nên không thực hiện được. Việc này vướng cả về phân cấp, phân quyền, phân cấp nhưng không đi liền với công tác bảo đảm.
Trong khi đó, vốn có chỗ giao một cục, có chỗ thì từng tiểu dự án nhỏ, cho nên không lồng ghép được, hướng dẫn của trung ương thì không rõ.
Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, kết quả giải ngân của năm 2022, về cơ bản đạt khoảng 91,28%. Chính phủ đã cố gắng quyết tâm để thực hiện các chính sách, trong đấy có các dự án về đầu tư công trung hạn và chương trình phục hồi. Tuy nhiên, giải ngân các dự án thuộc chương trình phục hồi còn tồn đọng, nhất là khoản hỗ trợ 2% như báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra.
Việc này do quá trình hoàn thiện các thủ tục cũng như sự chuẩn bị của các bộ, ngành trung ương đối với các dự án, nhất là trong khâu chủ đầu tư cũng còn có nhiều hạn chế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận thức chuyện này, đã có rất nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn, tuy nhiên vẫn còn rất chậm.
Về chương trình mục tiêu quốc gia, ông Trung cho hay, Chính phủ đã lập rất nhiều đoàn công tác và giao cho các thành viên Chính phủ đi đôn đốc cụ thể từng địa phương, cũng có nhiều giải pháp, trong đấy có giải pháp về đầu tư công để làm sao thúc đẩy giải ngân được nhiều hơn, nhanh hơn để hỗ trợ cho nền kinh tế.
“Những ý kiến của Phó Chủ tịch Trần Quang Phương liên quan đến các vấn đề đầu tư công thì Bộ KH-ĐT xin tiếp thu và sẽ phối hợp Bộ Tài chính để báo cáo đầy đủ trong báo cáo bổ sung, giải trình của Chính phủ”, Thứ trưởng KH-ĐT nói.
Điều hòa trong nguồn cải cách tiền lương rất cần thiết
Làm rõ thêm các nội dung này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị quyết 27/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách tiền lương đã quy định là nguồn vượt thu từ ngân sách Trung ương phải trích 40% để dành làm quỹ cải cách lương, ngân sách địa phương phải dành 70% để làm quỹ cải cách lương.
Theo ông Phớc, có những năm ngân sách sẽ vượt thu rất cao nhưng sẽ có những năm ngân sách hụt thu hoặc sẽ thu nhiều.
Theo ông Phớc, chủ động và điều hòa trong nguồn cải cách tiền lương rất cần thiết. Bởi lâu nay chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương hay nói cách khác là chưa nâng lương. Từ ngày 1/7/2023, mới nâng lương cơ sở”, Bộ trưởng Tài chính phân tích.
Liên quan đến đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhắc lại nhận định của Chính phủ, hiện nay “giải ngân rất chậm” và có nhiều nguyên nhân.
Bên cạnh nguyên nhân do điều hành, còn có nguyên nhân từ quy định của pháp luật. Luật Đầu tư công quy định có tiền mới được lập dự án nhưng lập dự án rồi thì mới được phân bổ tiền, cho nên bị vướng.
Ông Phớc dẫn chứng một công trình trọng điểm nằm trong chương trình phục hồi mà Quốc hội đã có nghị quyết phân bổ làm là trụ sở của hải quan trong dự án sân bay Long Thành nhưng đến hiện nay chưa nhận được thông báo vốn vì chưa lập được dự án.
Còn chương trình mục tiêu quốc gia rất vướng, liên quan việc hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách 40 triệu đồng/hộ thuộc đầu tư công hay thuộc chi thường xuyên?
“Chúng tôi đang tranh luận với nhau chỗ này. Quan điểm của tôi thì đây là một khoản hỗ trợ của ngân sách, là khoản chi thường xuyên từ ngân sách để hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân chứ không phải chi đầu tư công. Nếu chi đầu tư công phải có chủ đầu tư, lập dự án. Làm nhà cho các hộ dân thì ai lập dự án, ai tổ chức thi công, ai tổ chức đấu thầu nên cũng vướng”, Bộ trưởng Tài chính giải trình.
Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, song song với quá trình điều hành, thì hoàn thiện pháp luật hết sức quan trọng.
“Kể cả chương trình mục tiêu quốc gia, ý kiến của chúng tôi là nên phân bổ và hướng dẫn nội dung chi tiêu, còn lại phân bổ một cục cho các tỉnh tổ chức làm, sau đó kiểm tra. Nếu trên này (Trung ương) phân bổ từng hạng mục, từng dự án, từng nội dung cụ thể thì không thể làm được. Người lớn làm việc nhỏ, người nhỏ làm việc lớn thì rất khó", ông Phớc ví von.