Được “đệ nhất danh ca” dẫn dắt vào nghề

Bích Phượng sinh năm 1964, là ca sĩ hát dân ca, tân nhạc và cải lương. Ngoài tên Bích Phượng, cô còn được gọi là Út Bích Phượng vì là con gái út của cố NSND Út Trà Ôn.

Untitled 1.jpg
Nghệ sĩ Bích Phượng là con gái út của “đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn.

Lúc nhỏ, nghe theo lời động viên của cha, Bích Phượng chập chững bước vào nghề, tiếp nối truyền thống nghệ thuật gia đình. Năm 1984, khi còn là một cô công nhân, Bích Phượng đã bộc lộ tài năng khi đoạt huy chương vàng ở một cuộc thi hát với bài Dáng đứng Bến Tre. Năm 1987, nghệ sĩ Út Trà Ôn ký hợp đồng với đoàn nhạc Tây Ninh để dẫn con gái theo học nghề sân khấu.

Nói về quá trình bén duyên với nghệ thuật, Bích Phượng cho biết không gặp nhiều khó khăn nhờ sự hỗ trợ từ cha và gia đình. ''Con có giọng hát, con nên đi hát vì làm nghệ sĩ cũng rất vui và hạnh phúc' - nghe cha nói nhiều lần, tôi bắt đầu đi hát. Thực sự, nghề này rất hạnh phúc", nữ ca sĩ từng thổ lộ.

Tuy nhiên, thời đó do áp lực phe cánh, cô bị lấn át vai trò và không thể phát huy hết khả năng. Để không làm khó cha, Bích Phượng trở về Sài Gòn. Tạm rời xa sân khấu, Bích Phượng chuyên tâm hát dân ca và tân nhạc. Cô bắt đầu tham gia một nhóm hát, tiền thân của nhóm nhạc Phù Sa, rồi dần hoạt động riêng.

Với giọng hát ngọt ngào, đậm chất miền Tây Nam Bộ, Bích Phượng khẳng định tên tuổi qua dòng nhạc dân ca Nam Bộ và nhạc cách mạng, với một số ca khúc nổi tiếng như: Bài ca đất phương Nam, Dáng đứng Bến Tre, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Ru con, Hình bóng quê nhà...

bichphuong 03.jpg
Giọng hát ngọt ngào của Bích Phượng đã chinh phục nhiều thế hệ khán giả.

Nghệ sĩ Bích Phượng và Võ Hoài Long biểu diễn "Hát với Long Hồ" (tân cổ):

Năm 2001, nghệ sĩ Bích Phượng được Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM trao tặng giải thưởng vì có giọng hát truyền thống hay nhất. Cô cũng dần quen mặt với khán giả trên các chương trình truyền hình, phát thanh về chủ đề dân ca Nam Bộ.

Những năm gần đây, Bích Phượng dần lui về sau, nhường vị trí cho các nghệ sĩ trẻ. Cô thường tham gia biểu diễn tại một số chương trình từ thiện, nhà hàng, các cơ sở Phật giáo. 

“Cha làm thầy, con không thể đốt sách”

Trong chương trình Khoảnh khắc rực rỡ, Bích Phượng ôn lại chuyện xưa và chia sẻ rằng sau hơn 40 năm trong nghề, không gì quý hơn việc được hát thể loại mình yêu thích và nhận được tình cảm của khán giả.

Nhạc phim của Phạm Công - Cúc Hoa đã mở đường rộng lớn cho sự nghiệp của Bích Phượng. Cô bồi hồi nhớ lại: “Đó là một trong những điều may mắn và rực rỡ nhất trong sự nghiệp của tôi". Việc tham gia hát nhạc phim Đất phương Nam để lại dấu ấn đậm nét cho Bích Phượng, khán giả ở đâu cũng yêu cầu cô hát Bài ca Đất phương Nam.

Dù có cha là nghệ sĩ gạo cội trong lĩnh vực cải lương, Bích Phượng lại không theo đuổi bộ môn này. Tiết lộ lý do chọn hát nhạc dân ca, cô chia sẻ: “Tôi đã trải nghiệm sân khấu cải lương và đã qua các lớp học bài bản, nhưng thực sự tôi cũng mê những làn điệu dân ca. Khi rẽ hướng sang hát dân ca, tôi rất sợ cha mình buồn. Nhưng không ngờ cha lại ủng hộ. Tôi nhớ hoài câu nói của cha: “Cha không bắt con theo cải lương. Nhưng con theo thể loại nào thì phải cố gắng thành công với thể loại đó, chiếm được tình thương khán giả”.

Bích Phượng chia sẻ về những kỷ niệm làm nghề:

Bích Phượng - "Khoảnh khắc rực rỡ"

Nữ nghệ sĩ tâm sự cha là người cô muốn tri ân nhất trong đời. Khi NSND Út Trà Ôn qua đời, Bích Phượng mất đi một chỗ dựa vững chắc trong nghệ thuật. Cô xúc động nhớ lại những bài học quý giá và quyết tâm giữ vững truyền thống gia đình với quan niệm: “Cha làm thầy, con không thể đốt sách”.

Nhớ lại kỷ niệm đi hát, Bích Phượng vẫn không quên lần song ca với cha. Trong lúc biểu diễn, cô quên lời, khiến nghệ sĩ Út Trà Ôn cũng quên phân đoạn của mình khi lo lắng nhắc tuồng cho con gái. Sau đó, cha mắng cô và nói: “Mai mốt cha không còn nữa thì ai nhắc con” khiến Bích Phượng bật khóc.

Bích Phượng cẩn thận lưu giữ nhiều kỷ vật từ thời trai trẻ của nghệ sĩ Út Trà Ôn, bao gồm chiếc áo dài mà ông may cho cô mặc trong đêm diễn đầu tiên; những chiếc đĩa nhựa 45 phút có bài Tôn Tẩn giả điên, Thái sư Văn Trọng - nhịp 4, Sầu vương biên ải - nhịp 8; các bài báo ghi lại tâm sự của soạn giả NSND Viễn Châu về hoàn cảnh sáng tác hai bản vọng cổ Tình anh bán chiếuÔng lão chèo đò...

Hiện Bích Phượng sống cùng gia đình (chồng là nghệ sĩ guitar Đức Luân) tại TPHCM. Cô có một phòng thu âm trên đường Điện Biên Phủ, Quận 10. Nữ nghệ sĩ chia sẻ các hoạt động cá nhân đều đặn trên mạng xã hội. Ở tuổi ngoài 60, ngoài biểu diễn, cô dành nhiều thời gian đi du lịch cùng gia đình, bạn bè. 

Ảnh: FBNV - Clip: Tư liệu