Chuyến công du châu Âu của lãnh đạo Nhà Trắng được tin sẽ đầy thách thức vì nhiều lí do. Một số nhà phân tích cho rằng, ngoài việc thể hiện sự đoàn kết của phương Tây trong khủng hoảng, ông Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác khó có thể nhất trí về một giải pháp đủ mạnh để chấm dứt đổ máu ở Ukraine hay ngăn cản Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục các cuộc tấn công ở nước láng giềng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP |
Theo một số nguồn thạo tin, kể từ khi triển vọng về hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được đề cập đến lần đầu tiên cách đây khoảng 2 tuần, giới chức Mỹ và châu Âu đã thảo luận về những thông báo mà họ có khả năng đưa ra khi kết thúc cuộc họp. Chúng có thể bao gồm những đợt trừng phạt mới đối với các nhà tài phiệt Nga, các biện pháp giới hạn bổ sung nhằm vào hệ thống tài chính của xứ sở bạch dương cũng như các bước đi mới nhằm hạn chế nhập khẩu các sản phẩm năng lượng của nước này.
Các cuộc thảo luận cũng hướng tới những biện pháp nào có thể được công bố để hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine, kể cả các chuyến chuyển giao vũ khí mới hoặc trợ giúp tài chính để tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia Đông Âu.
Ông Biden còn để ngỏ khả năng mở rộng quy mô triển khai quân đội Mỹ tới các nước thành viên NATO dọc theo rìa phía đông của liên minh, củng cố cam kết của Washington đối với quốc phòng châu Âu vào một thời điểm trọng yếu.
Tuy nhiên, thực tế rõ ràng rằng những động thái trên không có khả năng kiềm chế chiến dịch quân sự của Nga sẽ phủ bóng lên chuyến đi của ông Biden tới châu Âu nhằm dự hội nghị thượng đỉnh của NATO, một phiên họp đặc biệt của Hội đồng châu Âu và cuộc gặp của nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển (G7).
Dù tổng thống Mỹ đã thành công trong việc tập hợp các đồng minh châu Âu và châu Á cùng triển khai một loạt biện pháp trừng phạt Moscow và cung cấp những gói viện trợ quân sự "chưa từng có" dành cho Kiev, nhưng ông và những người đồng cấp NATO đã vạch ra các giới hạn trợ giúp. Cho đến nay, Mỹ và NATO đã nhiều lần từ chối đề nghị của Kiev về việc thiết lập vùng cấm bay phía trên Ukraine vì lo ngại nguy cơ leo thang căng thẳng, dẫn đến đối đầu trực tiếp với Moscow. NATO cũng khẳng định sẽ không cử binh sĩ và máy bay chiến đấu tham chiến ở quốc gia Đông Âu.
Trong khi các bên dường như đều ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, các quan chức Mỹ và châu Âu nói, những thông số của một thỏa thuận như vậy vẫn còn mờ mịt.
Tất cả đặt ra câu hỏi về cách chuyến công du châu Âu của ông Biden, một trong những khoảnh khắc đáng nhớ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, có thể thay đổi tiến trình của cuộc xung đột tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai như thế nào. Nó cũng khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải bắt đầu thảo luận về viễn cảnh phương Tây không mong muốn: Ukraine không còn khả năng chống chịu chiến dịch tấn công của Nga.
CNN dẫn lời Tướng lục quân đã nghỉ hưu Wesley Clark, cựu chỉ huy quân đồng minh tối cao NATO nhấn mạnh: "Họ phải xem điều gì sẽ xảy ra nếu Ukraine thất thủ. Sau khi xem xét các vấn đề có thể nảy sinh trong trường hợp này, họ sẽ phải cân nhắc có thể làm gì thêm để duy trì Ukraine trong cuộc chiến. Đúng là luôn có rủi ro khi ứng phó với ông Putin".
Ngoài ra, ông Biden cũng đang đối mặt với các lời thách đố từ các chính trị gia Ukraine. Trong bài phát biểu xúc động trước Quốc hội Mỹ qua truyền hình trực tuyến ngày 16/3, nhằm kêu gọi thêm trợ giúp cho Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công khai đề nghị lãnh đạo Nhà Trắng nhận trách nhiệm chấm dứt giao tranh. "Lãnh đạo của thế giới cũng là lãnh đạo của hòa bình", ông Zelensky nói bằng tiếng Anh.
Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng đề xuất ông Biden đến thăm Ukraine trong chuyến công du châu Âu lần này như "một biểu tượng cho sự đoàn kết" và việc "thế giới đang sát cánh cùng Ukraine chống lại Nga". Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 21/3 và trong một thông điệp đăng tải trên Twitter sau đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, ông Biden không có kế hoạch đến Ukraine, nhưng dự định sẽ ghé thăm Ba Lan, nước láng giềng của Ukraine và là thành viên NATO.
Ian Brzezinski, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về châu Âu và NATO trong chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush nhận định, những đề xuất nói trên của các chính khách hàng đầu Kiev "đang thách đố ông Biden làm tròn trách nhiệm của nhà lãnh đạo phương Tây, lãnh đạo của cộng đồng các quốc gia dân chủ" cũng như thách đố chính NATO. Ông Brzezinski tin, nếu ông Biden và liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu từ chối, Kiev có thể phải nghĩ lại về các dàn xếp an ninh khác.
Hiện chưa rõ ông Biden sẽ mang theo những ý tưởng và giải pháp gì trong hành trang đến châu Âu. Dư luận quốc tế đang chờ xem liệu đương kim tổng thống Mỹ sẽ tập hợp và dẫn dắt các đồng minh đối phó với Nga và tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine ra sao.
Tuấn Anh
>>> Cập nhật tình hình chiến sự Nga - Ukraine hôm nay
Ông Biden lên án Tổng thống Putin, công bố chiến lược phát triển Mỹ
Đúng như dự đoán, Tổng thống Mỹ Joe Biden dành nhiều thời gian trong Thông điệp liên bang đọc trước Quốc hội để nói về chiến sự Nga - Ukraine và phản ứng của Washington.