Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu chùm 2 bài Đồng Nai - Từ con sông văn hóa đến điểm tựa kinh tế của tác giả Hà My .

Bài 1: Lần theo ký ức dòng sông

Bài 2: Thách thức cho sự phát triển

Nguy cơ suy thoái

12h15 phút ngày 5/12/2022, bà Lê Thị Linh, 67 tuổi, thấy món ăn trưa gần chín bèn nói vọng lên nhà lớn "cơm gần chín rồi, gọi mấy đứa về ăn nhé". Căn nhà phụ sát sông được cho mát mẻ là địa điểm dự tính ngồi ăn cơm của gia đình sum họp sau những tháng ngày Covid-19. Lúc này nước lớn, ngoài sông Đồng Nai, các tàu container vẫn nhộn nhịp ngược xuôi lên trả hàng ở càng Bình Dương, Đồng Nai và Quận 9.

Thường ngày, cả gia đình vẫn ăn ở ngay hiên nhà phụ. Bữa ấy, bà Linh kiên quyết bắt cả nhà dọn cơm ăn trong nhà chính, sự thay đổi ấy đã cứu sống cả gia đình. Chỉ vài phút sau, ngoài hiên xuất hiện tiếng động mạnh, căn nhà rung lắc… một số thành viên trong nhà hốt hoảng, tháo chạy ra đường. 

anh1bai2hamy.JPG
Căn nhà bà Nguyễn Thị Linh, ở xã Long Hưng sống bên méc sông Đồng Nai, nguy cơ sập xuống sông bất cứ lúc nào. Ảnh: Hà My

Bỏ dở chén cơm nhìn ra phía sông, bà thất thần khi căn nhà phụ đã trong tích tắc biến mất dưới lòng sông, đi kèm nó là nhiều đồ đạc chưa kịp di dời vào. Phần diện tích dài 15m, ngang 4m cùng căn nhà không còn dấu tích, khi ấy chỉ còn mặt nước mênh mông bên mép nhà dựng đứng sâu gần 7m. Đưa tay lên ngực trấn an bản thân, bà nhẩm trong miệng "của đi thay người" rồi kêu các con gọi điện lên trình báo UBND xã.

Hai năm qua, được sự hỗ trợ 20 triệu đồng từ chính quyền địa phương kèm với tiền tiết kiệm của con cháu, bà đổ đá xây kè tạm trước nhà. Dấu tích nứt nẻ của bức tường, nền nhà cũng được trét vội nhưng không thể bịt kín khoảng hở. "Chỉ đủ tiền kè tạm thôi nên giờ vẫn lo lắng, sống trong nhà vẫn thấp thỏm không biết dòng nước ghé thăm ngày nào", bà Linh nói. 

Sống gần 50 năm bên dòng sông, cạnh bến đò nối TP Biên Hòa và Quận 9 (TP HCM), con sông trong hoài niệm của bà Linh rất êm đềm, trong xanh. Tuy nhiên 20 trở lại đây, tình trạng hút cát cộng với lượng tàu thuyền qua lại tăng qua đoạn sông trên khiến diện tích đất của bà dần bị thu hẹp hơn 7m. "Sống gần hết đời bên sông mà lần đầu tôi thấy cảnh tượng kinh hoàng như vậy, nếu hôm ấy ngồi ăn cơm ở đó thì không biết gia đình tôi thế nào", bà Linh cho biết. 

Cũng như bà Linh, hàng nghìn hộ ven sông Đồng Nai từ Cát Tiên, Đạ Tẻh (Lâm Đồng), Tân Phú, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Bắc Tân Uyên, Tân Uyên (Bình Dương), TP Thủ Đức (TP.HCM) cũng trong nỗi lo tương tự khi con sông liên tục "liếm vào đất dân".

Ông Chín, 90 tuổi, ngụ ở phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa là người gắn bó gần thế kỷ trên vùng đất Cù lao Phố. Những cồn cát giữa sông biến mất theo năm tháng hay trận lũ lịch sử năm Thìn 1952 được ông kể lại vach vách như ký ức gắn bó bên sông. Ở ngay dưới cầu Ghềnh, gia đình ông bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng sạt lở. "Nhà tôi trước đây đất ra đến tận ngoài xa 20m, dần dần nó ăn sâu vào đến đây. Cồn Gáo trước nằm giữa sông cũng đẹp lắm nhưng nay cũng biến mất theo dòng nước", ông Chín hoài niệm.  

Nhịp sống phát triển hiện nay cộng với biến đổi khí hậu, ngoài sạt lở, dòng sông còn đó nhiều thách thức, nguy cơ: suy giảm nguồn lợi thủy sản, hồ thủy điện thiếu nước mùa khô, lấn lấp sông, xâm nhập mặn, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm từ chất thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp hai bên bờ, tràn dầu từ các tàu, sà lan trên sông...

Xóm câu tôm càng xanh dưới chân cầu Bửu Hòa, TP Biên Hòa có tiếng một thời với hàng chục ghe câu, nay số người còn lại theo nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Hùng, 63 tuổi, một trong số ngư phủ ít ỏi vẫn hành nghề câu tôm càng xanh cho biết, tôm ngày xưa có 10 thì nay còn 2 phần. Ngoài tôm, thủy sản sông cũng không còn dồi dào như trước, nhất là khu vực đoạn sông đi qua trung tâm TP Biên Hòa. 

Ông lý giải lý do tôm cá không còn nhiều là do kiểu đánh bắt tận diệt bằng cào điện, thuốc trừ sâu, bên cạnh đó nước sông ngày càng ô nhiễm. cũng là nguyên nhân khan hiếm thủy sản. "Trước đây đi câu, khát nước tụi tui còn uống nước sông, còn nay thì không dám, tắm thì ngứa ngáy, da nổi mẩn đỏ", người đàn ông có 50 năm hành nghề trên sông nước Đồng Nai nói. 

Theo kết quả quan trắc chất lượng nước năm 2023 của Sở Tài nguyên môi trường Đồng Nai qua khu vực trung tâm TP Biên Hòa ở mức xấu đến trung bình, chỉ số chất lượng nước có chiều hướng giảm so với hai năm trước. Các con suối chảy ra sông đoạn này như: Suối Siệp, Suối Linh, Suối Săn Máu, Suối Chùa, Suối Bà Lúa, Suối Tân Mai luôn trong tình trạng ô nhiễm với các nhóm thông số hữu cơ, dinh dưỡng và vi sinh vượt nhiều lần so với quy chuẩn. Một vài thời điểm hàm lượng kim loại nặng (Pb, Zn) và các chất độc hại (Phenol, Xyanua, tổng dầu mỡ) không đạt quy chuẩn cho phép.

anh3bai2hamy.JPG
Ông Hùng, một trong những người hiếm hoi hành nghề câu tôm càng xanh trên sông Đồng Nai. Ảnh: Hà My

Thực trạng trên đang là lời cảnh tỉnh cho việc đánh đổi sự phát triển quá nhanh ở đô thị, chỉ "khai thác" mà thiếu đi "sự bảo vệ" cho tài nguyên nước. Việc quy hoạch phát triển chưa đồng bộ theo vùng khiến nhiều nhà máy công nghiệp, chăn nuôi còn phát triển mạnh ở khu vực thượng nguồn sông. Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cần có những hành động cụ thể, đồng bộ hơn giữa các tỉnh thành để dòng sông được phát triển một cách bền vững, an ninh nguồn nước được đảm bảo an toàn.

Cần ứng xử đúng mực với dòng sông

Với tầm quan trọng của lưu vực sông Đồng Nai trong phát triển kinh tế, ngày 8/1/2024, Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục đích bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra. Cần có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Luật tài nguyên nước 2023 có hiệu lực 1/7/2024 cũng cụ thể hơn khi nghiêm cấm các hành vi để bảo vệ tài nguyên nước: đổ chất thải, rò rỉ các chất độc hại vào nguồn nước; lấn, lấp sông; xây dựng công trình gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông; khai thác trái phép cát, sỏi trên sông; không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa do cơ quan có thẩm quyền ban hành...

Trước việc bức tử sông Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai lên kế hoạch di dời khu công nghiệp Biên Hòa 1 với gần 80 doanh nghiệp ra khỏi bờ sông (ước tính lượng nước thải chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra sông khoảng 14.000 m3 một ngày). Ngoài ra, tỉnh cũng quy hoạch đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung cho thành phố với 8.000 tỷ đồng, di dời hai làng bè Tân Mai và Bến Gỗ, di dời hàng nghìn cơ sở chăn nuôi ra xa nguồn nước... nhưng tiến độ hiện nay vẫn khá "ì ạch". 

Kỹ sư Nguyễn Quang Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai cho biết hiện công ty đang lấy nước thô tại 3 điểm trên sông Đồng Nai với trạm Biên Hòa 36.000 m3 một ngày, Thiện Tân 210.000 m3 một ngày và Nhơn Trạch 105.000 m3. Trong đó 2 trạm Thiện Tân và Nhơn Trạch nằm phía thượng nguồn, cách trạm Biên Hòa chừng 40 km. Trong khi đó, người dân TP HCM vẫn lấy 1,3 triệu m3 một ngày ở dưới chân cầu Hóa An. 

"Hiện công ty chủ yếu lấy nước thô ở trạm Thiện Tân và Nhơn Trạch. Khi trạm bơm ở Biên Hòa gặp sự cố gì về chất lượng nguồn nước như xâm nhập mặn, tràn dầu... thì nhà máy nước ở Thiện Tân vẫn có thể đảm bảo nguồn nước sạch để vận hành", kỹ sư Nam nói. 

Theo Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm nguồn nước đang làm giảm tới 1/3 tốc độ tăng trưởng kinh tế ở một số quốc gia trên thế giới. Đông Nam bộ với đầu tàu kinh tế của cả nước đang phụ thuộc vào dòng sông Đồng Nai với những bến cảng xuất nhập khẩu quy mô lớn, nguồn nước sinh hoạt, kế sinh nhai trên sông... đang đứng trước nguy cơ bị suy thoái. Để phát triển kinh tế bền vững, các nhà quản lý, đặc biệt là người dân cần thay đổi thái độ ứng xử với nó trước khi quá muộn. 

Ngoài bảo vệ sông, với dòng chảy hiền hòa, lưu vực rộng, sông Đồng Nai có tiềm năng lớn mà chưa được khai thác đúng giá trị mà nó mang lại. Trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này xác định sông Đồng Nai là một trong 6 hành lang, trục phát triển kinh tế xã hội quan trọng bậc nhất. Nhiều dự án đường ven sông, bờ kè chỉnh trang với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để kiến tạo đô thị sông nước. Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM cần kết nối sớm hai bên bờ bằng những nhịp cầu để giãn dân, tạo ra các tuyến đường ven sông, đô thị xanh, có bản sắc. 

Ông Chín chiều nào cũng ra sông ngồi, nhìn những chiếc máy xúc đang kèo kẹt thi công bờ kè trước nhà. "Rồi đây đất Cù lao Phố sẽ không còn sạt lở, một đô thị hiện đại bên sông cũng dần thành hình", ông nói rồi lấy tay chỉ ra ngoài xa dòng sông để khoe ranh giới đất của mình trước đây, nhưng nay làm sao mà "đòi con sông" trả lại được.

Hà My

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg