Chuyến xe định mệnh 

Hơn 20 năm trước, anh Nguyễn Quang Huy còn là một phụ xe ngoài 20 tuổi. Tuổi trẻ nhiều đam mê và nhiệt huyết, bản thân anh luôn tự hào vì có được công việc tốt. 

Sau 3 năm làm phụ xe, anh chuyển lên vị trí tài xế. Cũng từ đó, anh theo đuổi công việc này cho đến hiện tại.

Làm nghề nhiều năm, anh Nguyễn Quang Huy (43 tuổi) trải qua không ít chuyện vui buồn. Những kí ức từ lần đầu bước vào nghề và những câu chuyện trên các chuyến xe anh lái sau này luôn là những bài học nhắc nhở bản thân phải nỗ lực hết mình, đảm bảo an toàn cho hành khách là trên hết. 

W-laixebus-1.jpg
Anh Nguyễn Quang Huy đang làm việc tại Trung tâm Tân Đạt thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco).

Công việc không chỉ mang đến cho anh niềm vui, thu nhập mà còn mang đến cho anh mối nhân duyên với vị khách nữ đặc biệt. Để rồi sau này, vị khách ấy trở thành người vợ đầu ấp tay gối với anh suốt nhiều năm qua.  

Đó là một chiều mưa năm 2006, anh Huy đang lái chuyến xe buýt số 36 thì xe bất ngờ bị chết máy do đường ngập, nước hút lên máy. Trên xe lúc này có hơn 20 vị khách. Anh đành phải nhờ hành khách giúp mình đẩy xe vào lề đường để tránh ùn tắc giao thông. Mọi người hô nhau xuống hỗ trợ tài xế nhiệt tình. 

Khi đó trên xe có một cô gái trẻ 23 tuổi, vì lội nước mà ướt hết quần. Thấy vậy anh nhanh nhảu hỏi khách nữ có cần mình hỗ trợ gì không nhưng khách lắc đầu. Anh còn nói sẽ giúp cô gọi xe ôm nếu cô muốn. Nhưng vị khách chỉ cảm ơn anh rồi lội xuống đường đi bộ về. 

Anh đâu ngờ, sau buổi nói chuyện hôm đó, anh và vị khách nữ còn nhiều cơ hội gặp lại nhau. Sau này vị khách ấy trở thành khách quen của xe 36. Mỗi ngày, cứ đúng điểm đón khách đó, cô gái trẻ lại lên xe của anh Huy. 

Từ quen thành thân rồi anh quyết định tìm hiểu người con gái này. Tình cảm lớn dần, cả hai chính thức hẹn hò, trở thành người yêu sau hơn 1 năm quen biết. 

“Thời gian đó, tôi cũng nhiệt tình tán tỉnh lắm. Mỗi chuyến xe của tôi, bạn gái đều đợi ở bến, tôi lại đón như một vị khách quen. Tôi cố gắng dành thời gian rảnh rỗi để hẹn hò với bạn gái. Sau hơn 1 năm quen biết, năm 2007, chúng tôi kết hôn”, anh Huy kể. 

Gần 20 năm, vợ chồng anh gắn bó, yêu thương nhau. Mỗi lần nhắc về kỉ niệm ngày quen biết, cả hai chỉ biết cười và trân trọng. Đó là một kỉ niệm đẹp mãi không thể quên trong đời. 

Hiện vợ chồng anh có hai người con. Cuộc sống vợ chồng ngần ấy năm cũng có những thăng trầm. Nhiều khi đi làm về muộn, vợ con đã ngủ, anh cũng cảm thấy có chút chạnh lòng. Anh hiểu vợ cũng buồn vì chồng ít có thời gian dành cho gia đình nhưng với anh đó là công việc, là trách nhiệm. Ngoài cố gắng hoàn thành công việc anh Huy chỉ biết tranh thủ những lúc rảnh để được ở bên gia đình nhiều hơn.

“Yêu nhau từ khi mình còn là lái xe buýt thì vợ cũng sẽ hiểu và chấp nhận công việc của mình rồi. Bây giờ có lúc hơi buồn vì chồng đi làm suốt nhưng cũng quen và luôn thông cảm. Cứ về nhà có cơm canh bày sẵn, vợ con sum vầy là gia đình vui vẻ”, anh Huy nói. 

Chuyện tình yêu của anh đơn giản, không màu mè nhưng không kém phần lãng mạn. Anh luôn biết ơn công việc này bởi nó không chỉ mang lại cho anh niềm vui, thu nhập mà còn mang đến cho anh một người vợ tuyệt vời, một gia đình hạnh phúc. 

Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi 

Từng đó năm làm nghề, anh Huy luôn yêu tha thiết và sống hết mình với công việc. Những ngày mưa gió, rét mướt, anh chưa từng sai giờ để đảm bảo phục vụ được hành khách. Mỗi ngày, các tài xế như anh dậy từ 5h sáng để chuẩn bị cho chuyến xe đầu tiên. Theo sự phân công, sau mỗi chuyến xe, tài xế và phụ xe lại được nghỉ 10-15 phút. 

W-laixebus1-1.jpg
Nhờ công việc, anh Huy gặp được người vợ hiện tại và gắn kết nhiều năm. 

Những bữa cơm trưa cũng là lúc các tài xế và phụ xe phải tranh thủ để đảm bảo không bị chậm giờ. Thông thường, anh và đồng nghiệp sẽ tranh thủ giờ nghỉ trưa để ăn cơm bụi trong vòng 15-20 phút. Bữa cơm tuy vội nhưng là bữa cơm ngon vì đã vất vả với công việc từ sáng. 

Có những ngày làm ca tối, 23h anh mới về tới nhà. Khi đó, vợ con đều đã đi ngủ. Chuyện ăn cơm một mình trong đêm với anh là thường xuyên. Nhưng công việc là vậy nên anh cũng quen dần, không còn cảm thấy buồn. 

Hơn 20 năm trong nghề, anh Huy từng chứng kiến rất nhiều câu chuyện trên chuyến xe của mình và gặp nhiều đối tượng hành khách. Có nhiều vị khách vừa lên xe đã thích gây sự, đòi hỏi đủ thứ. “Nhiều người lần đầu đi xe buýt hoặc lâu không đi nên quên, chưa đến bến đã đòi tài xế dừng xe cho xuống. Có người đứng trên xe không bám, lúc tài xế phanh bị ngã lại mắng tài xế phanh gấp rồi đổ cho tài xế đi xe thiếu trách nhiệm là chuyện bình thường”, anh kể. 

Nhưng làm tài xế nên anh hiểu, nóng giận không giải quyết được gì. Chỉ cần đảm bảo an toàn cho hành khách, còn mọi chuyện không liên quan, anh không quá bận tâm. 

Theo anh, nhiều năm trước, khách đi xe buýt nhiều hơn bây giờ. Bởi hiện tại ngoài sự xuất hiện của tàu điện, nhiều người cũng có điều kiện đi xe riêng. Vì vậy tình trạng chen chật cứng trên xe buýt như xưa  không còn nhiều, hành khách cũng có vẻ “dễ thở” hơn trước. 

“Mạng xã hội phát triển, những câu chuyện về ứng xử thường xuyên được chia sẻ rộng rãi có lẽ cũng là lý do hành khách ngày càng văn minh, lịch thiệp, ít va chạm trên phương tiện công cộng như trước. Hơn cả, tình trạng móc túi trên xe buýt cũng không còn”, anh nói thêm.